Tồn kho, phải thu của Hoa Sen lên đỉnh mới sau khi suy giảm trong đợt tái cấu trúc
Tập đoàn Hoa Sen (Mã: HSG) có gần 12.300 tỷ đồng hàng tồn kho tại ngày cuối tháng 9 vừa qua (tức cuối quý IV theo niên độ tài chính của Hoa Sen). Đây là mức cao nhất trong lịch sử của Hoa Sen. Tỷ lệ hàng tồn kho trên tổng tài sản cũng lập đỉnh mới.
Việc tồn kho lên cao vào cuối tháng 9 có một phần nguyên nhân là yếu tố mùa vụ. Các tháng 6-9 hàng năm là mùa mưa ở khu vực phía Nam, hoạt động xây dựng giảm sút nên nhu cầu tôn thép đi xuống. Các doanh nghiệp cũng chủ động chuẩn bị hàng tồn kho để đáp ứng cho giai đoạn cao điểm trong tháng 10-12.
Năm nay, tiêu thụ trong nước còn bị ảnh hưởng nghiêm trọng do dịch COVID-19 bùng phát đợt 4 nên yếu tố mùa vụ càng thể hiện rõ.
Kỷ lục hàng tồn kho của Hoa Sen trước đây là vào tháng 3/2018 với giá trị gần 10.000 tỷ, tương đương 41% tổng tài sản. Sau đó, tập đoàn của Chủ tịch Lê Phước Vũ triển khai kế hoạch tái cơ cấu toàn diện hệ thống phân phối.
Cuối tháng 12/2018, Hoa Sen có 491 chi nhánh. Đến cuối tháng 9/2019, con số giảm chỉ còn 53. Có giai đoạn, tập đoàn liên tục thông báo về việc đóng cửa hàng chục chi nhánh, khiến nhiều nhà đầu tư hoang mang.
Về sau, Hoa Sen lên tiếng khẳng định đây chỉ là thủ tục pháp lý để chuyển đổi từ mô hình quản lý cũ sang mô hình mới, không làm thay đổi số lượng đơn vị phân phối trên toàn quốc.
Một số chi nhánh được giữ nguyên, số còn lại được chuyển đổi từ thành cửa hàng trực thuộc chi nhánh tỉnh. Ngoài ra, Hoa Sen còn chấm dứt hoạt động và giải thể một số công ty con, thoái hết vốn khỏi "siêu dự án" thép Cà Ná.
Quá trình tái cơ cấu này đã giúp Hoa Sen cắt giảm chi phí nhân công, đồng thời đưa khoản mục hàng tồn kho và phải thu xuống đáy vào đầu năm 2020.
Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý IV niên độ 2020-2021, tại ngày 30/9 vừa qua Hoa Sen có 77 chi nhánh trực thuộc tập đoàn và hàng trăm cửa hàng trực thuộc chi nhánh.
Bên cạnh các cửa hàng bán tôn truyền thống, Hoa Sen đã phát triển Hệ thống siêu thị vật liệu xây dựng & nội thất Hoa Sen Home, bán nhiều mặt hàng như sơn, ngói, thiết bị vệ sinh, thiết bị điện, ... giúp làm tăng doanh thu.
Hoa Sen cải thiện biên lợi nhuận nhờ xuất khẩu
Tồn kho và phải thu của Hoa Sen tăng lên trong bối cảnh tập đoàn đẩy mạnh hoạt động để đáp ứng nhu cầu xuất khẩu tăng cao giữa đại dịch. Kết quả kinh doanh cũng được cải thiện đáng kể.
Trong niên độ vừa qua (1/10/2020 đến 30/9/2021), Hoa Sen ghi nhận sản lượng tiêu thụ hơn 2,25 triệu tấn, tăng 39% so với niên độ trước, doanh thu 48.727 tỷ đồng, tăng 77%. Lợi nhuận sau thuế cao kỷ lục 4.313 tỷ, cao gấp 3,74 lần niên độ trước và vượt 188% kế hoạch mà đại hội cổ đông đề ra.
Số liệu của Hiệp hội thép Việt Nam (VSA) cho thấy trong 9 tháng đầu năm 2021, Hoa Sen đã tiêu thụ gần 1,42 triệu tấn tôn mạ, khoảng 70% con số này là ở thị trường nước ngoài. Thị phần đạt 36,22%, cao nhất toàn ngành.
Với ống thép, Hoa Sen bán ra hơn 334.000 tấn trong 9 tháng qua, chỉ sau con số 498.000 tấn của Tập đoàn Hòa Phát.
Thị trường xuất khẩu không chỉ giúp Hoa Sen có nơi tiêu thụ sản phẩm giữa lúc giãn cách mà còn đem lại mức giá và biên lợi nhuận cao hơn hẳn trong nước. Biên lãi gộp trong niên độ vừa qua đạt 18,23%, tăng đáng kể so với mức 16,81% trong niên độ 2019-2020.