Nhiều doanh nghiệp thép tăng trưởng nhờ xuất khẩu, dự báo lợi nhuận nghìn tỷ
Tháng 9 vừa qua, xuất khẩu sắt thép các loại của Việt Nam đạt 1,36 triệu tấn, tương ứng với giá trị 1,4 tỷ USD. Đây là tháng thứ 3 liên tiếp xuất khẩu thép các loại đạt giá trị trên 1 tỷ USD, đưa con số của cả quý III/2021 lên mức cao kỷ lục là 3,93 tỷ USD, tăng 94,6% so với quý I và tăng 57,7% so với quý II.
Lũy kế ba quý đầu năm, xuất khẩu sắt thép các loại đạt 9,86 triệu tấn với trị giá là 8,43 tỷ USD, tăng lần lượt 41% và 131% so với cùng kỳ năm trước, số liệu của Tổng Cục Hải Quan cho thấy.
Các thị trường nước ngoài chủ yếu bao gồm các nước ASEAN (hơn 3 triệu tấn, giảm 1,7% so với cùng kỳ), Trung Quốc (2,12 triệu tấn, giảm 16,2%), EU (1,7 triệu tấn, tăng 7,5 lần) và Mỹ (665.000 tấn, tăng 4,5 lần).
Như vậy, nhu cầu tăng lên ở các thị trường phương Tây khó tính là động lực cốt yếu giúp xuất khẩu thép của Việt Nam đạt đỉnh trong quý III.
Xuất khẩu cứu cánh cho nội địa
Theo số liệu của Hiệp hội thép Việt Nam (VSA), tổng tiêu thụ thép trong 9 tháng đầu năm nay đạt gần 22 triệu tấn, tăng trưởng 32,5% so với cùng kỳ 2020. Tuy nhiên, thị trường nội địa chỉ tăng trưởng 21,4%, đạt khoảng 16,2 triệu tấn.
Sản lượng xuất khẩu đạt gần 5,8 triệu tấn, tăng tới 78% so với 9 tháng đầu năm ngoái và là động lực quan trọng thúc đẩy tổng tiêu thụ. Ngoại trừ ống thép, xuất khẩu các mặt hàng thép khác đều tăng hai, thậm chí ba chữ số.
Trong khi đó, tiêu thụ thép xây dựng và tôn mạ trong nước giảm lần lượt 7% và 15% do đợt giãn cách xã hội kéo dài liên tục từ tháng 5 đến tháng 9 để chống dịch COVID-19 tại hàng chục tỉnh thành.
Tôn mạ là sản phẩm được xuất khẩu mạnh mẽ nhất với sản lượng gần 2,5 triệu tấn, tăng trưởng 114%.
Thép cuộn cán nóng (HRC) - nguyên liệu đầu vào để sản xuất tôn mạ - cũng được xuất ngoại hơn 1 triệu tấn, tăng 117%. Tập đoàn Hòa Phát (Mã: HPG) tiêu thụ 1,94 triệu tấn HRC, hoàn toàn ở trong nước. Formosa Hà Tĩnh chiếm trọn thị trường xuất khẩu HRC.
Các doanh nghiệp lớn ngành tôn mạ đều tiêu thụ trên 60% sản lượng ở thị trường nước ngoài. Với Hoa Sen (Mã: HSG) và Nam Kim (Mã: NKG), tỷ lệ này là trên 70%.
Cường quốc về thép số 1 thế giới là Trung Quốc đang cắt giảm sản xuất do lo ngại về môi trường cũng như thiếu hụt năng lượng. Chứng khoán VNDirect cho rằng việc sản lượng thép tại Trung Quốc đi xuống có thể gián tiếp làm giảm áp lực cạnh tranh đối với sản phẩm xuất khẩu của Hoa Sen và Nam Kim.
Doanh nghiệp đầu ngành lãi lớn
Chứng khoán Vietcombank (VCBS) cho rằng các doanh nghiệp tôn mạ Việt Nam có thêm cơ hội thâm nhập thị trường nước ngoài khi Trung Quốc giảm sản lượng xuất khẩu kể từ tháng 7 năm nay.
Trong khi đó, các nhà máy thép tại châu Âu cũng đang gặp khó khăn trong quý IV/2021 do giá năng lượng tăng cao. VCBS cho biết Hoa Sen vẫn còn dư địa trong sản xuất khi tỷ lệ huy động mới đạt 70%.
Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) ước tính chi phí sản xuất thép ở châu Âu lớn hơn khoảng 110 USD/tấn so với tại Việt Nam và Ấn Độ. Giá HRC xuất xưởng ở Mỹ cũng cao hơn khoảng 55% so với tại Việt Nam. Vì vậy, doanh nghiệp Việt Nam có lợi thế xuất khẩu lớn.
VDSC ước tính Nam Kim có thể ghi nhận lãi sau thuế kỷ lục 2.900 tỷ đồng trong năm 2021, cao gấp gần 10 lần năm ngoái. Nguyên nhân chủ yếu là khả năng sinh lời ở thị trường Châu Âu và Bắc Mỹ có thể cải thiện trong quý IV.
VCBS cho biết cả Hoa Sen và Nam Kim đều ký hợp đồng bán hàng trước 4-5 tháng trong khi giá xuất khẩu cao hơn hẳn giá trong nước nên cả hai doanh nghiệp này có thể duy trì biên lợi nhuận cao trong năm 2022. Lợi nhuận trong năm 2021 này được dự báo đạt 3.092 tỷ đồng.
Với Hoa Sen, VCBS dự báo lãi sau thuế năm 2021 lên tới 5.178 tỷ đồng, cao gấp 3,4 lần năm trước (tính theo năm dương lịch từ 1/1 đến 31/12, không phải theo niên độ riêng của Hoa Sen).
Tôn mạ không phải là thế mạnh của Tập đoàn Hòa Phát. Mặc dù vậy, trong tháng 9 vừa qua, tập đoàn của tỷ phú Trần Đình Long vẫn xuất khẩu được 47.400 tấn, cao nhất trong lịch sử và chiếm 86% tổng lượng tiêu thụ.
Xuất khẩu thép xây dựng tháng 9 cũng đạt kỷ lục 120.000 tấn, gần gấp đôi so với cùng kỳ. Các thị trường nước ngoài lớn nhất là Australia, Canada, Hong Kong, Hàn Quốc, và một số nước trong khu vực Đông Nam Á.
Hôm nay 21/10, Hòa Phát thông báo kết quả kinh doanh quý III với doanh thu 38.900 tỷ đồng, lãi sau thuế 10.350 tỷ, tăng trưởng lần lượt 56% và 173% so với cùng kỳ 2020.
Trong 9 tháng đầu năm, Hòa Phát sản xuất 6,1 triệu tấn thép thô, tăng 50% so với cùng kỳ. Bán hàng các sản phẩm thép đạt 6,3 triệu tấn, tăng 43%. Tập đoàn tiếp tục dẫn đầu thị phần thép xây dựng với tỷ lệ 31,7%, tương ứng với sản lượng tiêu thụ 2,8 triệu tấn, tăng 12% so với cùng kỳ.
Một số doanh nghiệp nhỏ hơn cũng đã công bố kết quả kinh doanh quý III gồm:
CTCP Đầu tư và Thương mại SMC (Mã: SMC) thông báo lãi sau thuế 129 tỷ đồng, tăng 29% so với cùng kỳ. Doanh thu hơn 4.100 tỷ, tương đương quý III năm ngoái.
CTCP Gang thép Thái Nguyên (Tisco - Mã: TIS) ghi nhận doanh thu thuần 9.634 tỷ đồng, tăng 37,5% so cùng kỳ. Lãi sau thuế 113 tỷ, cao gấp 7 lần.
CTCP Thép Mê Lin (Mã: MEL) báo cáo doanh thu giảm 19% còn 196 tỷ đồng nhưng lãi sau thuế vẫn đạt 18,7 tỷ, gấp hơn 10 lần quý III/2020.
Trong báo cáo giải trình, Thép Mê Lin cho biết công ty đã tiết giảm chi phí bán hàng và lãi vay, đồng thời tận dụng được nguồn hàng tồn kho giá rẻ trong khi giá thép tiêu thụ tăng cao.
CTCP Thép Tiến Lên (Mã: TLH) ghi nhận doanh thu thuần hơn 909 tỷ đồng, nhích lên chưa đầy 2% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế vẫn đạt 105,5 tỷ đồng, cao gấp 8,3 lần quý III năm ngoái.
CTCP Thép Vicasa - VNSteel (Mã: VCA) báo lãi sau thuế giảm 48% còn chưa đầy 2 tỷ đồng. Công ty lý giải nguyên nhân là dịch COVID-19 cùng với phong tỏa kéo dài trong quý III làm cho sản lượng tiêu thụ giảm 24% so với quý III/2020, đồng thời giá nguyên liệu đầu vào tăng lên.
CTCP Thép Thủ Đức (Mã: TDS) ghi nhận lỗ ròng gần 644 triệu đồng trong khi quý III năm ngoái có lãi 2,2 tỷ.