Tỉ phú Trần Đình Long dùng 100 triệu cổ phiếu HPG bảo đảm cho Hòa Phát Dung Quất vay Vietcombank 1.700 tỉ đồng
Ngày 9/5 vừa qua, Hội đồng quản trị CTCP Tập đoàn Hòa Phát (Mã: HPG) đã thông qua việc ông Trần Đình Long – Chủ tịch HĐQT công ty dùng 100 triệu cổ phiếu thuộc sở hữu cá nhân của ông để bảo đảm cho CTCP thép Hòa Phát Dung Quất vay vốn tại Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) – Chi nhánh Thành Công.
Mục đích vay vốn là để bổ sung vốn lưu động phục vụ sản xuất, kinh doanh với hạn mức 1.700 tỉ đồng.
Tính theo giá đóng cửa ngày 9/5, 100 triệu cổ phiếu HPG có tổng trị giá khoảng 3.290 tỉ đồng.
Ông Trần Đình Long hiện sở hữu gần 534,2 triệu cổ phiếu HPG, tương ứng với tỉ lệ 25,15% vốn điều lệ, tổng trị giá khoảng 17.500 tỉ đồng. Vợ ông Long là bà Vũ Thị Hiền đang sở hữu gần 155 triệu cổ phiếu HPG, trị giá trên 5.000 tỉ đồng.
Diễn biến giá cổ phiếu HPG từ đầu năm đến nay, dao động quanh mức 30.000 đồng/cp. Nguồn: VNDirect.
Hòa Phát Dung Quất và khối nợ chục ngàn tỉ
Công ty cổ phần thép Hòa Phát Dung Quất là công ty con do Tập đoàn Hòa Phát sở hữu trực tiếp 99,2%, CTCP thép Hòa Phát Hải Dương và CTCP thép Hòa Phát Hưng Yên (hai công ty con của Tập đoàn) mỗi công ty sở hữu 0,4%. Như vậy về bản chất Hòa Phát Dung Quất do Tập đoàn Hòa Phát sở hữu 100%.
Công ty có địa chỉ tại Khu kinh tế Dung Quất, xã Bình Đông, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi. Công ty được thành lập ngày 3/2/2017 với ngành nghề đăng kí kinh doanh chính là Sản xuất gang, sắt, thép, vốn điều lệ ban đầu 10.000 tỉ đồng.
Sau một số lần tăng vốn, đến nay Hòa Phát Dung Quất có vốn điều lệ 25.000 tỉ đồng.
CTCP thép Hòa Phát Dung Quất là đơn vị trực tiếp thực hiện "Đại dự án" Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất tại tỉnh Quảng Ngãi.
Khu liên hợp này được thiết kế với quy mô công suất 4 triệu tấn một năm, sản phẩm chủ yếu là thép xây dựng, thép cuộn chất lượng cao và sản phẩm dẹt là thép cuộn cán nóng.
Dự án có tổng vốn đầu tư ước tính ban đầu 52.000 tỉ đồng, trong đó đầu tư tài sản cố định là 40.000 tỉ đồng , vốn lưu động 12.000 tỉ đồng.
Tuy nhiên, chia sẻ với chúng tôi tại Đại hội cổ đông thường niên ngày 29/3 vừa qua, Chủ tịch Trần Đình Long cho biết trong quá trình đầu tư, chi cho tài cố định được điều chỉnh lên thành 50.000 tỉ đồng, chi cho vốn lưu động 15.000 tỉ đồng, tức tổng cộng tăng thêm khoảng 13.000 tỉ đồng.
Trong số này, vốn tự có của Tập đoàn Hòa Phát khoảng 25.000 tỉ đồng. Đến cuối tháng 3, Tập đoàn đã giải ngân khoảng 35.000 tỉ đồng.
Chủ tịch Trần Đình Long trong một buổi chia sẻ thông tin với nhà đầu tư cuối năm 2018. Ảnh: Kiên Dương.
Đây là dự án có qui mô lớn nhất và quan trọng nhất của Hòa Phát vào lúc này. Chủ tịch Trần Đình Long từng nói: Ở Dung Quất, Hòa Phát không chỉ xây nhà máy thép mà còn phải xử lý rất nhiều công việc phát sinh, chẳng hạn Hòa Phát từng đang phải đào một con sông ở dưới lòng biển vì biển hiện không sâu, cần đào thêm thì các tàu lớn mới vào được.
Để thực hiện Dự án nhà máy thép Dung Quất này, Hòa Phát đã kí hợp đồng vay 20.000 tỉ đồng (số làm tròn) trong đó khoảng 10.000 tỉ đồng từ Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) và khoảng 10.000 tỉ đồng từ Vietcombank. Kì hạn vay 7 năm, ân hạn 2 năm, lãi suất thả nổi theo công thức lãi suất huy động 12 tháng + biên lãi.
Trả lời câu hỏi tại Đại hội cổ đông năm 2019, Giám đốc Tài chính của Hòa Phát cho biết lãi suất gói vay cho Dung Quất không được trình bày trong báo cáo tài chính kiểm toán vì được điều chỉnh hàng quí do đây là lãi suất thả nổi. Sau đó vị lãnh đạo này cũng cung cấp thêm thông tin cụ thể ngay tại Đại hội: Dải lãi suất nằm trong khoảng 7,5% - 9%/năm; công thức tính cụ thể là Bình quân lãi suất huy động 12 tháng của các NHTM nhà nước + 2,5%.
Chủ tịch Trần Đình Long nói thêm rằng mức lãi suất này của Hòa Phát là khá hấp dẫn, các doanh nghiệp bất động sản đang phải vay với lãi suất 10-12%/năm.
Ông Long dự tính Lò cao số 1 của nhà máy sẽ đi vào sản xuất vào ngày 20/6 tới. Sản phẩm thép cuộn cán nóng dự kiến đầu quí II/2020 sẽ ra lò.