FiinGroup: Triển vọng lợi nhuận năm 2021 đã phản ánh vào giá cổ phiếu nhưng định giá vẫn hấp dẫn với tầm nhìn một năm tới
Theo thống kê của FiinGroup, tính đến hết ngày 7/11, 897 công ty niêm yết trên ba sàn (HOSE, HNX, UPCOM), chiếm 94,5% giá trị vốn hóa thị trường, đã công bố kết quả kinh doanh quý III.
Dữ liệu từ FiinGroup cho thấy trong quý III, ước tính tổng lợi nhuận của các công ty trên ba sàn tăng 14,7% so với cùng kỳ, nhưng thấp hơn 19,7% so với quý liền trước.
Báo cáo cũng hé lộ nhóm 5 ngành hưởng lợi từ đà tăng giá hàng hóa. Theo đó, lợi nhuận quý III của ngành phân bón tăng trưởng mạnh nhất với mức tăng 2.495,8% so với cùng kỳ. Các ngành khác trong nhóm bao gồm: Gỗ (tăng 513,7%), hóa chất (tăng 69,5%), cao su (tăng 34,7%) và nhựa (tăng 4.9%). Riêng ngành than, lợi nhuận giảm đến 80,9%.
Luỹ kế 9 tháng đầu năm, lợi nhuận toàn thị trường tăng 56,3% so với cùng kỳ, hoàn thành khoảng 86% kế hoạch 2021. Trong đó, ngân hàng tăng 44,7% và khối doanh nghiệp tăng 60,3%, so với cùng kỳ.
Với kết quả kinh doanh tích cực trong 9 tháng đầu năm, các chuyên gia ước tính lợi nhuận cho cả năm 2021 của 897 doanh nghiệp và ngân hàng niêm yết có thể tăng ít nhất 38%.
Con số dự báo này được FiinGroup đánh giá thận trọng trong bối cảnh một số ngành dự kiến có sự phục hồi vượt bậc nhờ cầu hồi phục trong giai đoạn sống chung với COVID-19.
"Dựa trên dự báo tăng trưởng lợi nhuận ở mức 38% cho năm 2021 và 27% cho năm 2022, thị trường chứng khoán Việt Nam đang có mức định giá tương đương 18,2 lần lợi nhuận 2021 và 14,3 lần lợi nhuận 2022. Điều này cho thấy triển vọng lợi nhuận của năm 2021 đã được phản ánh vào giá cổ phiếu trong khi định giá thị trường vẫn hấp dẫn với tầm nhìn một năm tới," báo cáo viết.
Lợi nhuận ngành bất động sản giảm tốc, nhóm Masan dẫn dắt tăng trưởng cho ngành thực phẩm
Trong tuần trước đó, hơn 300 doanh nghiệp đã công bố báo cáo tài chính quý III, song gần 2/3 số doanh nghiệp này chứng kiến lợi nhuận suy giảm so với cùng kỳ. FiinGroup cho rằng đây là lý do khiến lợi nhuận chung toàn thị trường cũng như khối phi tài chính tăng thấp hơn rất nhiều so với lần cập nhật gần nhất vào 31/10.
Cụ thể, tăng trưởng lợi nhuận toàn ngành bất động sản chỉ tăng 13,3% so với cùng kỳ sau khi nhiều doanh nghiệp lớn trong ngành như Novaland, Becamex IDC, Hưng Thịnh Incons,... công bố lợi nhuận quý III giảm mạnh so với cùng kỳ do tiến độ bàn giao gián đoạn khi COVID-19 bùng phát.
Nhóm phân tích đánh giá đây là bức tranh chung của các doanh nghiệp địa ốc trong bối cảnh giãn cách xã hội khiến thị trường bất động sản chững lại trong quý II và quý III.
Tính riêng trong quý III, lượng chào bán và tiêu thụ căn hộ ở TP HCM giảm khoảng 60% so với cùng kỳ và 30% so với quý II trong khi giá bán gần như không có sự biến động.
Trong khi đó, lợi nhuận ngành thực phẩm tăng 12,6% trong quý III, chủ yếu đến từ nhóm Masan. Theo đó, biên EBITDA của Masan tăng gấp đôi so với cùng kỳ đạt 16,6% trong quý III; EBITDA tăng 136,5% so với cùng kỳ.
Trong khi đó, CTCP Sữa Việt Nam (Vinamilk) báo lãi sau thuế quý III giảm 6,4% so với cùng kỳ dù doanh thu tăng 4,1% phần lớn nguyên nhân do giá sữa nguyên liệu đầu vào tăng cao và chi phí triển khai “3 tại chỗ” và xét nghiệm COVID-19.