SSI Research: Lợi nhuận Hoà Phát, Hoa Sen có thể tăng trưởng ba chữ số quý III, nhóm bán lẻ trượt dốc
Nhóm thép và phân bón tăng trưởng ba chữ số
Nếu không tính các ngân hàng, danh sách các công ty phi tài chính được ước tính lợi nhuận tăng trưởng gồm 13 đơn vị. Trong đó, CTCP Xếp dỡ Hải An (Mã: HAH) là doanh nghiệp đại diện cho ngành cảng có mức tăng trưởng đến 250% so với cùng kỳ.
Tại CTCP Phân bón Dầu khí Cà Mau (Đạm Cà Mau - Mã: DCM), trong quý III, SSI Research ước tính lợi nhuận trước thuế tăng 173% lên 300 tỷ đồng, nhờ tăng giá bán urê. Giá urê tại Trung Quốc đã tăng 75% so với cùng kỳ, trong khi giá dầu nhiên liệu tăng với tốc độ chậm hơn 65%.
Lợi nhuận sau thuế của Tập đoàn Hóa chất Đức Giang (Mã: DGC) được ước tính tăng 82% lên 430 tỷ đồng nhờ doanh thu tăng mạnh từ các sản phẩm mới (phốt pho vàng, acid photphoric thực phẩm và các loại khác). Ngoài ra, lợi nhuận tăng trưởng cũng đến từ giá bán cao hơn tại các mặt hàng chính.
Đại diện cho nhóm công nghệ là Tập đoàn FPT (Mã: FPT), lợi nhuận trước thuế quý III được dự đoán tăng 21% lên 1.700 tỷ đồng. Trong đó, lợi nhuận trước thuế trong hai tháng 7 và 8 tăng 17%; tháng 9 dự kiến tăng 29% so với cùng kỳ nhờ mức nền thấp.
Hai công ty ngành thép cũng được dự đoán có lợi nhuận tăng trưởng ba chữ số. Các chuyên gia ước tính CTCP Tập đoàn Hòa Phát (Mã: HPG) có thể đạt lợi nhuận ròng hơn 8.700 tỷ đồng trong quý III, tăng trưởng 131% so với cùng kỳ nhờ việc tăng 167% sản lượng HRC mang lại tỷ suất lợi nhuận cao nhất trong các dòng sản phẩm. Ngoài ra, giá thép xây dựng tăng 50% và giá HRC gấp đôi cũng giúp tăng đáng kể biên lợi nhuận so với cùng kỳ năm trước.
Còn tại Tập đoàn Hoa Sen (Mã: HSG), lợi nhuận sau thuế quý IV (theo niên độ tài chính của Hoa Sen, tương đương với quý III thông thường) sẽ tăng 110% lên 950 tỷ đồng. Điều này được thúc đẩy bởi sản lượng tăng 6,5% và giá bán bình quân tăng 72%.
Với CTCP Tập đoàn Masan (Mã: MSN), theo chia sẻ của ban lãnh đạo, lãi ròng trong quý III có thể đạt trên 1.400 tỷ đồng, tương đương tăng hơn 40% so với cùng kỳ năm trước. Đáng chú ý, quý III năm ngoái là mức nền cao do doanh nghiệp ghi nhận lượng lớn thu nhập khác.
CTCP Điện lực Dầu khí Nhơn Trạch 2 (Mã: NT2), SSI Research ước tính lợi nhuận trước thuế cho quý III đạt 200 tỷ đồng, cải thiện so với khoản lỗ 5 tỷ đồng cùng kỳ (do trùng tu mở rộng định kỳ).
Tại Đường Quảng Ngãi (Mã: QNS), các chuyên gia kỳ vọng lợi nhuận sau thuế tăng trưởng khoảng 40% so với cùng kỳ. Kết quả kinh doanh khả quan chủ yếu nhờ mảng đường cải thiện. Giá đường trong nước tăng vọt hơn 40% so với đầu năm và sản lượng đường bán ra của doanh nghiệp cũng cải thiện hơn 30% so với quý III năm ngoái.
Đại diện doanh nghiệp dệt may là Sợi Thế Kỷ (Mã: STK), quý III, doanh nghiệp dự kiến sẽ đạt doanh thu thuần 408 tỷ đồng, tăng 25%. Lợi nhuận sau thuế ước đạt 60 tỷ đồng, tăng 199%. Mặc dù sản lượng tiêu thụ bị ảnh hưởng tại thị trường nội địa do gián đoạn sản xuất và logistics do ảnh hưởng của làn sóng COVDI-19, tuy nhiên giá bán bình quân của sợi vẫn tăng 5% so với quý trước do công ty ưu tiên năng lực sản xuất sợi chất lượng cao hơn.
Trong lĩnh vực y tế, Bệnh viện Quốc tế Thái Nguyên (Mã: TNH) sẽ có doanh thu gộp, lợi nhuận sau thuế quý III ước đạt 308 tỷ đồng và 110 tỷ đồng, lần lượt tăng 31% và 37%. Doanh thu tiếp tục tăng trưởng mạnh với tỷ lệ lấp đầy cao hơn tại các bệnh viện TNH mới (bệnh viện Thái Nguyên & Yên Bình).
Lợi nhuận cũng tăng mạnh do các đợt điều chỉnh giá bệnh viện gần đây vào tháng 3. Công ty không bị ảnh hưởng nhiều trong đợt đại dịch do tỉnh Thái Nguyên không áp dụng các biện pháp đóng cửa và là đơn vị hưởng lợi ròng từ hoạt động test COVID-19 cho Samsung Electronic Thai Nguyen và các khách hàng công nghiệp lân cận khác.
Mặt khác, doanh nghiệp dược phẩm là CTCP Traphaco (Mã: TRA) có doanh thu gộp đạt 542 tỷ đồng, tăng 18% và lợi nhuận sau thuế 60 tỷ đồng, tăng 23%.
Dù doanh số bán hàng đã giảm nhẹ trong quý III, nhưng vẫn duy trì ở mức cao do hầu hết các tỉnh ở miền Bắc Việt Nam trải qua giai đoạn đóng cửa ngắn hơn. Công ty cũng được hưởng lợi từ các sản phẩm mới đáp ứng nhu cầu phát sinh kể từ khi bùng phát dịch bệnh, chẳng hạn như Andrographis Paniculate (giảm ho, giảm đờm), vitamin (tăng cường hệ miễn dịch), nước muối súc miệng...
Doanh nghiệp bán lẻ, hàng không lao đao trong quý III
Trong quý, tổng doanh thu, lợi nhuận sau thuế CTCP Dược phẩm Imexpharm (Mã: IMP) ước tính lần lượt đạt 286 tỷ đồng và 47 tỷ đồng, tương ứng giảm 13% và giảm 15% so với cùng kỳ. Imexpharm là một trong những công ty dược phẩm bị ảnh hưởng nhiều nhất trong đợt bùng phát dịch lần thứ 4 vì cả hoạt động sản xuất và phân phối đều bị gián đoạn trong quá trình thực thi Chỉ thị 16, chưa kể đến các yêu cầu của Chính phủ về thực hiện quy định "3 tại chỗ" tại một số tỉnh thành phía Nam.
Ở nhóm bán lẻ, SSI Reseach ước tính lợi nhuận sau thuế CTCP Đầu tư Thế Giới Di Động (Mã: MWG) đạt 709 tỷ đồng, giảm 25%. Sự sụt giảm doanh thu do đóng cửa khoảng 2.000 các cửa hàng Điện Máy Xanh/Thế Giới Di Động tháng 7 và tháng 8, và việc hạn chế dịch vụ giao hàng tận nhà tại TP HCM và các tỉnh thành phía Nam.
Trong khi đó, mảng hàng tiêu dùng bù đắp sự sụt giảm doanh thu, do Bách Hóa Xanh được hưởng lợi từ việc dự trữ hàng tiêu dùng, cũng như hưởng lợi từ việc đóng cửa chợ truyền thống.
Còn tại CTCP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (Mã:PNJ), doanh thu thuần ước tính giảm 71,2% so với cùng kỳ về 1.130 tỷ đồng với mức lỗ ròng 140 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái lãi ròng 202 tỷ.
Nguyên nhân từ các hạn chế về giãn cách xã hội kéo dài ở TP HCM, Hà Nội và các tỉnh thành khác ở miền Nam kể từ đầu tháng 7. PNJ đã đóng cửa 274 cửa hàng (82% tổng số cửa hàng), trong khi doanh thu bán hàng trực tuyến chỉ là chiếm một phần nhỏ trong tổng doanh thu.
Khoản lỗ quý III của CTCP Nhiệt điện Phả Lại (Mã: PPC) dự đoán sẽ giảm nhờ 74 tỷ đồng cổ tức nhận được từ Nhiệt điện Quảng Ninh. Lợi nhuận quý III suy giảm có thể là do năng suất phát điện sụt giảm, một phần là do các vấn đề kỹ thuật. Tổng sản lượng phát điện của tháng 7 và tháng 8 giảm 38% so với cùng kỳ, giảm 19% so với trung bình mỗi tháng quý II. Lưu ý rằng lãi quý II đạt 120 tỷ đồng nhờ 200 tỷ đồng từ cổ tức từ Nhiệt điện Hải Phòng, mặc dù lỗ gộp 70 tỷ đồng.
Một doanh nghiệp khác cũng được dự đoán lỗ trong quý III là Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (Mã: ACV) do Việt Nam đang trải qua nhiều lệnh giãn cách xã hội. Do đó, hầu hết cảng hàng không không có hành khách trong khi công ty vẫn cần duy trì hoạt động tại tất cả các sân bay của mình.
Đại diện trong ngành dầu khí, CTCP Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (Mã: PVS) được dự đoán có lãi trước thuế hợp nhất khoảng 200 tỷ đồng, giảm 29% so với quý III/2020 do các các chỉ thị giãn cách xã hội đã dẫn đến việc giảm năng suất và giá sản phẩm hầu hết các phân khúc của doanh nghiệp.
Làn sóng dịch thứ 4 bùng phát cũng khiến Tổng CTCP Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco - Mã: SAB) ghi nhận doanh thu thuần giảm 50% còn 4.000 tỷ đồng. Lợi nhuận ròng 1.000 tỷ đồng, giảm 30% so với cùng kỳ năm ngoái.
Giai đoạn này, SSI Research đánh giá tác động tiêu cực đến Heineken sẽ nhiều hơn so với các doanh nghiệp cùng ngành, vì TP HCM là thị trường mà doanh nghiệp này chiếm nhiều thị phần nhất. Do đó, công ty chứng khoán cho rằng Sabeco có thể lấy lại được thị phần đã mất trước đó.
Tổng Công ty Máy động lực và máy nông nghiệp Việt Nam - CTCP (Mã: VEA) được ước tính sẽ ghi nhận doanh thu 420 tỷ đồng và 977 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, lần lượt giảm 56% và giảm 42%.
Trong đợt bùng phát dịch lần thứ 4 tại Việt Nam, doanh số bán xe máy giảm 46% trong khi doanh số bán ô tô giảm 29%. Như vậy, hầu hết các mảng kinh doanh cốt lõi của VEAM và các công ty liên doanh đều sụt giảm sâu.