SSI dự báo lợi nhuận của Techcombank sẽ vượt Vietcombank trong quý III
Mới đây, Bộ phận Phân tích Chứng khoán SSI (SSI Research) đã đưa ra ước tính kết quả kinh doanh quý III/2021 của 8 ngân hàng thương mại. Trong đó, có 7 nhà băng được dự báo có lợi nhuận tăng trưởng so với cùng kỳ năm trước.
Đáng chú ý, nhóm phân tích dự báo lợi nhuận quý III của Techcombank có thể vượt "quán quân" Vietcombank với 5.200 tỷ đồng, tăng hơn 30% so với cùng kỳ. Trong khi đó lợi nhuận Vietcombank dự báo sẽ đi ngang ở mức 5.000 tỷ đồng.
Lợi nhuận Techcombank tăng cao nhờ tăng trưởng tín dụng đạt 16%. Lũy kế 9 tháng đầu năm, lợi nhuận trước thuế của ngân hàng ước đạt 16.700 tỷ đồng, tăng 56,2%.
Theo đánh giá của SSI Research, trong môi trường lãi suất thấp, Techcombank duy trì hiệu quả hoạt động vượt trội nhờ nguồn CASA dồi dào, khả năng duy trì chi phí vốn thấp và chào bán sản phẩm trái phiếu ra công chúng mạnh mẽ, giúp biên lãi ròng (NIM) và thu nhập từ phí cải thiện.
Tại Vietcombank, SSI Research ước tính lũy kế 9 tháng lợi nhuận trước thuế đạt 18.600 tỷ đồng (tăng 16,3%). Tăng trưởng tín dụng và huy động lần lượt đạt 11,5% và 7,3% so với đầu năm.
Nhóm phân tích nhận định kết quả kinh doanh quý III của Vietcombank chịu tác động tiêu cực bởi việc cắt giảm lãi suất để hỗ trợ khách hàng và tăng chi phí tín dụng để chuẩn bị cho khả năng nợ xấu cao sau giãn cách. Mặc dù các khoản cho vay tái cơ cấu có thể tăng lên nhưng tỷ lệ nợ xấu vẫn ở mức dưới 1%.
Tại một "ông lớn" khác là VietinBank, SSI Research ước tính lợi nhuận trước thuế quý III/2021 đạt 3.000 tỷ đồng, tăng 3,3%, nhờ tăng trưởng tín dụng và huy động lần lượt là 6,5% và 7,5%.
Lũy kế 9 tháng đầu năm, lợi nhuận của VietinBank ước đạt 13.900 tỷ đồng, tăng 33,6%, chủ yếu nhờ mức lợi nhuận rất tốt trong quý I.
Lợi nhuận quý III không cao do ngân hàng thực hiện nhiều chương trình tín dụng hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi COVID-19, nhóm phân tích đánh giá. Ngoài ra, với nợ xấu mới hình thành có thể ở mức cao hơn, chi phí dự phòng của VietinBank dự báo cũng tăng tương ứng.
Trong nhóm ngân hàng thương mại cổ phần, ngoài Techcombank, nhóm ngân hàng MB, VPBank, ACB cũng được dự báo lợi nhuận duy trì ở mức cao trên 3.000 tỷ đồng.
Cụ thể, mức dự báo lợi nhuận trước thuế của MB là khoảng 3.300 đến 3.400 tỷ đồng, tức tăng 10 - 12%. Với các gói giảm lãi suất hỗ trợ khách hàng, thu nhập lãi thuần quý III bị ảnh hưởng khoảng 550 tỷ đồng. Tăng trưởng tín dụng tại ngân hàng mẹ đạt khoảng 12 - 13% trong 9 tháng đầu năm.
Nhóm phân tích ước tính lợi nhuận trước thuế hợp nhất của VPBank đạt 3.200 tỷ đồng, tăng 14% so với cùng kỳ và giảm 36% so với quý trước. Lợi nhuận giảm mạnh so với quý trước là do quý II ngân hàng có một khoản lãi từ kinh doanh trái phiếu chính phủ. Nếu loại trừ khoản mục này, lợi nhuận của ngân hàng vẫn sụt giảm 12%.
Về ACB, nhóm phân tích ước tính lợi nhuận trước thuế quý vừa qua đạt khoảng 2.900 đến 3.000 tỷ đồng, tức tăng 13 - 15% so với quý III/2020. Con số này được tính toán dựa trên kỳ vọng tăng trưởng tín dụng của ACB chậm lại, đạt khoảng 7 - 8% so với đầu năm hoặc 12% so với cùng kỳ tại thời điểm cuối tháng 9/2021.
Mặc dù NIM có thể giảm so với quý trước, nhưng vẫn tăng so với cùng kỳ. Mặt khác, do ACB luôn thận trọng trong trích lập dự phòng, số dư dự phòng lớn có thể giúp ngân hàng duy trì nguồn lợi nhuận ổn định.
Xét về mức tăng trưởng, TPBank được dự báo tích cực khi lợi nhuận quý III ước có thể đạt 1.400 tỷ đồng, tăng tới 40% so với cùng kỳ. Kết quả này được thúc đẩy nhờ tăng trưởng tín dụng 16% và tăng trưởng tiền gửi 14,2% so với đầu năm, cũng như NIM duy trì ở mức trên 4,5%.
Trên thực tế, TPBank đã công bố lợi nhuận trước thuế 9 tháng xấp xỉ 4.400 tỷ đồng, tương đương với mức dự báo của SSI.
Với HDBank, con số lợi nhuận trước thuế được dự báo là 1.700 tỷ đồng, tương đương tăng trưởng 15%. Tăng trưởng tín dụng kỳ vọng đạt 9,5% so với đầu năm, cải thiện thu nhập lãi thuần.
Tuy nhiên, thu nhập từ phí, cụ thể là doanh thu bancassurance giảm. Tại các thành phố có thời gian giãn cách xã hội kéo dài, doanh thu bancassurance giảm khoảng 40 - 50%.
Riêng đối với VIB, lợi nhuận quý II ước chỉ đạt từ 1.300 - 1.400 tỷ đồng, tương đương giảm khoảng 16% so với cùng kỳ. Luỹ kế 9 tháng dự báo đạt 5.500 tỷ đồng, tăng trưởng 36,6%.
SSI Research cho rằng mặc dù tăng trưởng tín dụng đạt 11% so với đầu năm, nhưng thu nhập lãi thuần của ngân hàng vẫn bị ảnh hưởng tiêu cực do VIB tăng cường tái cơ cấu để hỗ trợ khách hàng. Theo kế hoạch tái cơ cấu nợ, thu nhập lãi của các khoản cho vay có liên quan không được ghi nhận vào báo cáo kết quả kinh doanh.
Ngoài ra, mảng kinh doanh bancassurance, vốn thường chiếm 20% lợi nhuận trước thuế của VIB, bị áp lực trong thời gian dài giãn cách.