Nợ xấu ngân hàng tăng cao hơn dự kiến và sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến triển vọng lợi nhuận
Trong báo cáo chiến lược thị trường mới đây, Bộ phận Phân tích Chứng khoán SSI (SSI Research) cho biết số liệu kinh tế vĩ mô trong quý III/2021 ghi nhận mức tác động nặng nề của giãn cách xã hội lên tất cả các hoạt động của nền kinh tế.
Theo đó, sự đứt gãy trong chuỗi sản xuất ở các tỉnh thành phía Nam, kết hợp với sự sụt giảm nghiêm trọng của tiêu dùng nội địa khiến cho GDP quý III lần đầu tiên suy giảm so với cùng kỳ.
Tăng trưởng GDP trong quý III ước tính giảm 6,17% so với cùng kỳ, giảm mạnh so với mức tăng 6,6% trong quý II và lớn hơn nhiều so với ước tính ban đầu của công ty (giảm khoảng 3% - 3,5%).
Cùng với đó, làn sóng COVID-19 lần thứ 4 kéo dài hơn dự kiến đã khiến cho triển vọng kinh tế và các doanh nghiệp niêm yết thay đổi.
Trong bối cảnh đó, SSI Research dự báo nợ xấu của ngành ngân hàng sẽ tăng cao hơn dự kiến và ảnh hưởng tiêu cực đến triển vọng lợi nhuận của nhóm ngành này. Theo Ngân hàng Nhà nước, tỷ lệ nợ xấu nội bảng và nợ xấu tiềm ẩn cuối năm nay dự kiến sẽ ở mức từ 7,1% - 7,7%.
Nhóm phân tích cũng kỳ vọng lãi suất sẽ duy trì ở mức thấp trong một khoảng thời gian dài hơn để hỗ trợ cho phục hồi kinh tế. Ngay trong tháng 9, lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng trung bình của các ngân hàng tiếp tục giảm.
Mặt khác, điểm tích cực là hoạt động sản xuất đã phần nào có tín hiệu phục hồi trong tháng 9, so với tháng 8. Lạm phát cũng được kiểm soát tốt và tạo điều kiện giúp chính sách tiền tệ duy trì nới lỏng xuyên suốt từ đầu năm. Các gói tài khóa hướng trực tiếp tới người dân và doanh nghiệp gặp khó khăn được giải ngân nhanh chóng.
Một điểm sáng khác trong tháng 9 là diễn biến của tỷ giá hối đoái. SSI Research đánh giá đồng VND tương đối ổn định thời gian qua, trong bối cảnh các đồng tiền trong khu vực chịu tác động mạnh bởi đà tăng giá của USD và lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ.
Tỷ giá USD/VND tiếp tục duy trì ở mức dưới 23.000, tương đương với mức tăng giá 1,5% so với cuối năm 2020. Nhờ vậy, VND là một trong những đồng tiền có diễn biến tốt nhất trong khu vực.
Tỷ giá ổn định do nguồn cung ngoại tệ được hỗ trợ bởi dòng tiền từ việc giải ngân FDI cũng như nguồn kiều hối vẫn có mức tăng trưởng trong thời gian qua.
Chính phủ hiện đang từng bước mở cửa lại nền kinh tế và tập trung khôi phục hoạt động sản xuất sẽ giúp cán cân thương mại sẽ được cải thiện vào giai đoạn cuối năm và đồng thời giúp hoạt động giải ngân vốn FDI thuận lợi hơn.
Nhóm phân tích dự báo nguồn cung – cầu ngoại tệ trên thị trường sẽ tương đối cân bằng và giúp tỷ giá USD/VND duy trì trạng thái ổn định.