|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Profile khủng của ông trùm năng lượng Thái Lan từng đầu tư điện gió tại Việt Nam: Cha là tướng quân đội, bố vợ là tỷ phú, tài sản giàu thứ 5 đất nước

07:24 | 17/11/2021
Chia sẻ
Hiện tại, Gulf Energy đang là tập đoàn sản xuất điện tư nhân lớn nhất Thái Lan tính theo vốn hóa thị trường. Còn ông Sarath Ratanavadi, nhà sáng lập kiêm CEO của tập đoàn, là người giàu thứ 5 tại xứ chùa vàng với khối tài sản ròng 10,4 tỷ USD.

Tháng 8 năm ngoái, nhà vua Thái Lan đã tổ chức một buổi tiệc sinh nhật xa hoa, quy tụ giới thượng lưu và tài phiệt hàng đầu cả nước. Trong đám đông khách mời, xuất hiện một gương mặt mới, cũng là người trẻ tuổi nhất trong các "lão thành": tỷ phú năng lượng Sarath Ratanavadi.

Xưa nay, việc các doanh nhân thăng hạng trên danh sách người giàu và nhanh chóng có được không ít đặc quyền là điều rất đáng chú ý ở bất kỳ xã hội nào. Song, thực tế này đặc biệt gây ấn tượng mạnh ở Thái Lan, đất nước mà theo nhiều chuyên gia là một trong những xã hội bất bình đẳng nhất thế giới.

Trước khi Sarath lọt vào danh sách tỷ phú của Forbes vào năm 2018, công chúng không có nhiều dữ liệu công khai về khối tài sản của vị doanh nhân này cũng như đế chế Gulf Energy Development do ông gây dựng.

Đối với nhiều cộng sự, tỷ phú Sarath là một người bị ám ảnh với quyền riêng tư. Tìm thấy một bức ảnh của ông rất khó, cái duy nhất được công khai là trong báo cáo hàng năm của Gulf Energy.

Hơn nữa, ông Sarath cũng hiếm khi trả lời phỏng vấn của giới truyền thông, những người quen biết khẳng định ông rất kín tiếng về chuyện riêng tư. Do đó, khối tài sản và tốc độ phát triển của tập đoàn Gulf Energy luôn mang một màu sắc bí ẩn trong mắt công chúng Thái Lan.

Hiện tại, Gulf Energy đang là tập đoàn sản xuất điện tư nhân lớn nhất Thái Lan theo vốn hóa thị trường. Còn ông Sarath Ratanavadi là người giàu thứ 5 tại xứ chùa vàng với khối tài sản ròng 10,4 tỷ USD, theo Forbes.

Hành trình thăng trầm của ông trùm năng lượng Thái Lan từng đầu tư vào điện gió Việt Nam - Ảnh 1.

Ông Sarath Ratanavadi, nhà sáng lập kiêm CEO của tập đoàn năng lượng Thái Lan Gulf Energy. (Ảnh: Gulf Energy).

Thuở sơ khai của một đế chế năng lượng

Nắm trong tay hai tấm bằng kỹ sư, một từ Đại học Chulalongkorn danh tiếng ở Bangkok và một từ Đại học Nam California, người thanh niên Sarath Ratanavadi đã tìm thấy cơ hội khi Thái Lan triển khai các chính sách năng lượng mới.

Chính phủ Thái Lan đã quyết định ngừng cho phép doanh nghiệp nhà nước kiểm soát lưới điện, trái lại mở cửa thị trường cho các công ty tư nhân độc lập. Thay đổi này được đưa ra nhằm đáp ứng nhu cầu năng lượng ngày càng lớn, khiến không ít doanh nghiệp chen chân vào thị trường.

"Sarath không bắt chước các bạn bè cùng trang lứa, mà ngược lại, ông quyết định tham gia vào lĩnh vực năng lượng", một người quen lâu năm của vị tỷ phú chia sẻ với Nikkei Asia. Thời điểm đó, hầu hết sinh viên mới tốt nghiệp từ các trường danh tiếng ở Bangkok đều bị thu hút bởi ngành tài chính.

Hơn nữa, tại một đất nước mà các tướng quân đội nắm quyền lực lớn như Thái Lan, Sarath còn được hưởng lợi từ gia tộc mình. Cha của ông, Tướng Thaworn Ratanavadai, được coi là thân cận của Tướng Suchinda Kraprayoon, người đã tổ chức cuộc đảo chính lật đổ chính phủ vào năm 1991.

Vợ của Sarath, bà Nalinee, cũng xuất thân từ một gia đình giàu có và quyền lực ở Tak, một tỉnh dọc biên giới Thái Lan - Myanmar.

Ông Suwat Sinsadok, Giám đốc Điều hành của hãng tư vấn FSS International Investment Advisory, cho hay: "Vợ của Sarath là một hậu phương vững chắc cho chồng. Bố vợ của vị tỷ phú sở hữu một đế chế kinh doanh ở Tak, vì vậy Sarath không chỉ có tiền mà còn có thêm quan hệ làm ăn khi vừa từ Mỹ trở về".

Theo Nikkei, ông Sarath thường xuyên tham vấn ý kiến của Giám đốc Suwat trước khi đưa ra quyết định kinh doanh. "Từ năm 1994, ông nhận thấy năng lượng là một lĩnh vực tiềm năng", ông Suwat nói thêm.

Hành trình thăng trầm của ông trùm năng lượng Thái Lan từng đầu tư vào điện gió Việt Nam - Ảnh 2.

Nhà máy điện JP UT của Gulf Energy ở tỉnh Ayutthaya (Thái Lan). (Ảnh: Gulf Energy).

Sarath Ratanavadi xây dựng đế chế năng lượng với thương hiệu Gulf Energy. Bước đột phá đầu tiên xuất hiện vào năm 1994, khi Gulf Electric thắng thầu xây dựng một nhà máy điện than ở phía nam Bangkok. Song, Sarath vấp phải sự phản đối gay gắt từ các tổ chức môi trường và dự án bị đình trệ.

Một thập kỷ sau, khi Thái Lan nằm dưới quyền kiểm soát của tỷ phú, Thủ tướng Thaksin Shinawatra, Sarath tiếp tục đầu tư vào năng lượng. Lần này là một dự án điện khí tại tỉnh Saraburi.

Giàu hơn, rắc rối hơn

Động lực để tập đoàn của tỷ phú Sarath Ratanavadi phát triển là giành các hợp đồng sản xuất điện từ nhà nước. Năm 2013, một công ty liên kết của Gulf Energy đã thắng thầu xây dựng các tuabin khí ở hai tỉnh Chonburi và Rayong, tổng công suất có thể lên tới 5.300 MW.

Mô hình kinh doanh của Gulf Energy cũng bắt đầu gây tranh cãi từ năm 2013, khi bà Yingluck - em gái của ông Thaksin, trở thành Thủ tướng Thái Lan. Sau cuộc đảo chính năm 2014, chính quyền quân sự (junta) quyết tâm phải điều tra các thỏa thuận có lợi cho giới lãnh đạo doanh nghiệp liên quan ông Thaksin trong thời gian bà Yingluck nắm quyền.

Một người trong ngành năng lượng Thái Lan cho hay: "Một trong những lý do khiến các đối thủ ghét ông Sarath là vì ông ta thắng thương vụ xây dựng tuabin khí quá dễ dàng".

Khẳng định thỏa thuận trên có yếu tố bất thường, Bộ Năng lượng Thái Lan khi đó đã kêu gọi các bên đàm phán lại. Ông Sarath từng có thời gian bị chính quyền quân sự triệu tập để điều tra thêm.

Tuy nhiên, sau thời gian tái đàm phán, đám mây mờ lơ lửng trên thỏa thuận cũng được dỡ bỏ. Tháng 12/2016, chính quyền quân sự cho biết "Gulff Energy đã thắng thầu một cách công bằng vì chào thầu với giá thấp nhất".

Bước ngoặt trên đã mở đường cho thương vụ IPO của Gulf Energy vào năm 2017. Tính thời điểm này, tập đoàn đã nắm trong tay 13 nhà máy nhiệt điện khí và công suất điện đã lắp đặt là hơn 4.700 MW.

Qua đó, Sarath trở thành CEO và cổ đông lớn nhất của một tập đoàn lọt vào danh sách các thương vụ niêm yết lớn nhất Thái Lan trong hơn một thập kỷ, huy động được tổng cộng 733 triệu USD.

Không chỉ mở rộng trong nước, Gulf Energy của tỷ phú Sarath còn đầu tư vào các dự án năng lượng ở Việt Nam. Tháng 7 năm ngoái, Nikkei đưa tin Gulf Energy sẽ mua hai dự án điện gió ở Việt Nam với giá xấp xỉ 200 triệu USD.

Thời điểm đó, ông lớn ngành năng lượng xứ chùa vàng đang kí kết hợp đồng mua cổ phần với CTCP Đầu tư Năng lượng Điện Xanh Gia Lai và trong tương lai có thể là đơn vị điều hành các dự án điện gió Ia Pech 1 và Ia Pech 2.

Còn theo Bloomberg, trong giai đoạn từ tháng 9/2018 đến tháng 5/2019, ông trùm năng lượng Sarath Ratanavadi đã "bỏ túi" thêm 1 tỷ USD nhờ đặt cược vào các dự án điện mặt trời tại Việt Nam.

Khả Nhân