|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Phương thức thanh toán và thu hồi nợ trong thương mại tại Algeria

14:23 | 13/12/2020
Chia sẻ
Thương vụ Việt Nam tại Algeria giới thiệu các phương thức thanh toán và thu hồi nợ trong thương mại tại Algeria, giúp các doanh nghiệp trong nước quan tâm tham khảo.

Cơ cấu của hệ thống ngân hàng tại Algeria

Theo Thương vụ Việt Nam tại Algeria, trong thời gian dài, hệ thống ngân hàng của Algeria chỉ giới hạn ở các cơ sở của Nhà nước trước khi mở cửa cho cạnh tranh. Nhờ vậy, một số ngân hàng của mạng lưới quốc tế đã thâm nhập thị trường này.

Ngày nay, bên cạnh việc các ngân hàng công của Algeria (như CPA, BNA, BEA...) hoạt động theo lĩnh vực đặc thù thì có các ngân hàng quốc tế trên thị trường như ngân hàng của Pháp (BNP Paribas, Société Générale, Natixis và Crédit Agricole).

Lựa chọn đồng tiền thanh toán

Theo qui định chung, việc lựa chọn đồng ngoại tệ do nước xuất khẩu ấn định. Trong quá trình đàm phán điều kiện hợp đồng, các bên sẽ thỏa thuận thời hạn, địa điểm và đồng tiền thanh toán. 

Đồng euro (EUR) và đô la (USD) vẫn là hai ngoại tệ sử dụng nhiều nhất trong trao đổi thương mại, mặc dù việc mở cửa thị trường Algeria cho các đối tác khác (Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ...) cũng đưa vào những đồng tiền mới.

Phương thức thanh toán và thu hồi nợ trong thương mại tại Algeria - Ảnh 1.

Ảnh minh họa. (Nguồn: freepik)

Phương thức thanh toán ưu tiên

Có hai phương thức thanh toán, đó là các phương thức thanh toán gắn với ngoại thương và phương thức thanh toán thương mại nội địa.

Về ngoại thương

- Tín dụng thư (L/C), nhờ thu và chuyển tiền tự do là những phương thức thanh toán chính tại Algeria. Khi giao dịch với các đối tác mới, cần phải ưu tiên sử dụng tín dụng thư làm phương thức thanh toán.

Ưu điểm: 

+ L/C là phương thức thanh toán an toàn nhất trong giao dịch ngoại thương, đặc biệt đối với nhà xuất khẩu. 

+ Nó cũng bảo đảm chất lượng hàng thông qua những chứng từ phải cung cấp như giấy chứng nhận chất lượng xuất xứ cho khách hàng.

Nhược điểm: 

+ L/C phải huy động nguồn tiền, đây thực sự là vấn đề đối với khách hàng Algeria vốn vẫn thường cần đến nguồn tài trợ cho các hoạt động giao dịch. 

+ Việc triển khai phương thức thanh toán này thường chậm chạp vì có nhiều bên tham gia như khách hàng, ngân hàng của khách, ngân hàng xác nhận trong trường hợp ngân hàng của khách không phải là ngân hàng hàng đầu. 

+ Chi phí giao dịch vì thế cũng tốn kém hơn.

Cũng cần phải biết rằng kể từ cuối 2018, nếu nhập khẩu hàng hóa dùng để bán lại nguyên trạng, các doanh nghiệp Algeria phải gửi một khoản tiền dự phòng (dạng kí quĩ) tại ngân hàng, tương đương 120% giá trị lô hàng cần thanh toán 30 ngày trước khi hàng gửi đi. 

Điều này cũng đặt ra cho họ những vấn đề lớn về nguồn tiền huy động. Biện pháp này đã được chính quyền Algeria đưa ra nhằm kiềm chế nhập khẩu trong bối cảnh thâm hụt thương mại tăng cao.

- Nhờ thu: Phương thức thanh toán thứ hai mà các doanh nghiệp Việt Nam hay dùng với khách hàng Algeria là nhờ thu (sử dụng D/P at sight) có đặc cọc tối thiểu 25%. 

Theo qui định của Algeria, nhà nhập khẩu trong nước không được chuyển tiền đặt cọc. Vì vậy, khách muốn đặt cọc, phải chuyển từ nước thứ ba, ví dụ từ UAE, Pháp, Tây Ban Nha, Italia thông qua văn phòng đại diện, chi nhánh hoặc người thân.

Để đảm bảo an toàn, một số doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam còn sử dụng phương thức giao hàng gối đầu, đề nghị khách hàng Algeria trả tiền trước.

Thanh toán thương mại trong nước (tại Algeria)

Có 4 phương thức thanh toán trong giao dịch thương mại trong nước:

- Thanh toán bằng séc

Theo luật Algeria, việc phát hành một tờ séc giả có nguy cơ dẫn đến việc người vi phạm bị truy cứu trách nhiệm hình sự, do vậy, sử dụng séc ngân hàng là phương tiện thanh toán an toàn nhất. Việc thanh toán bằng séc được các doanh nghiệp tại Algeria ưu tiên sử dụng.

Nghị định thực thi số 15-153 ngày 16/6/2015 qui định ngưỡng áp dụng cho việc thanh toán điện tử phải thực hiện bằng những phương tiện thẻ, séc, chuyển khoản thông qua các kênh ngân hàng và tài chính.

Theo đó việc thanh toán này là bắt buộc đối với các khoản tiền lớn hơn hoặc bằng 5 triệu dina Algeria (DZD) dùng để mua hàng bất động sản; 1 triệu DZD để mua du thuyền, xe ô tô mới và các trang thiết bị công nghiệp mới, xe máy tại những đại lí độc quyền ô tô hoặc các nhà phân phối và nhà bán lại được phép hoạt động, hàng hóa có giá trị mua từ những người bán đá và kim loại quí, đồ cổ và tác phẩm nghệ thuật, đồ gỗ và động sản qua hình thức đấu giá.

Các phương tiện thanh toán điện tử cũng mang tính bắt buộc đối với những khoản chi dịch vụ cao hơn hoặc bằng 1 triệu DZD, do các doanh nghiệp và một số tổ chức phi tài chính cung cấp.

Các phương tiện thanh toán điện tử tại Algeria thông dụng nhất là séc, chuyển khoản, thẻ thanh toán, trừ tài khoản, hối phiếu và lệnh phiếu.

Biện pháp này đã được đưa ra trong khuôn khổ đấu tranh chống rửa tiền và tài trợ khủng bố được qui định tại Luật số 05-01 ngày 6/2/2005 sửa đổi, bổ sung.

- Thanh toán bằng chuyển khoản

Việc chuyển khoản bảo đảm sự an toàn và nhanh chóng. Đặc biệt, phương thức này được sử dụng nhiều trong thanh toán của các cơ quan Nhà nước.

- Thanh toán bằng tiền mặt

Thanh toán bằng tiền mặt là phương tiện ít được các công ty sử dụng nhất do khó tìm hiểu nguồn gốc tiền. Tuy nhiên, nó vẫn được dùng làm phương tiện thanh toán trong một số lĩnh vực như nông sản thực phẩm.

- Thanh toán bằng thẻ điện tử

Việc thanh toán bằng thẻ điện tử bắt đầu được sử dụng bởi một số tác nhân kinh tế. Luật tài chính năm 2018 buộc mọi tác nhân kinh tế cung ứng các hàng hóa và dịch vụ cho người tiêu dùng, phải đưa vào sử dụng các thiết bị đầu cuối về thanh toán điện tử trong thời hạn một năm kể từ công bố luật này để người tiêu dùng có thể thanh toán bằng thẻ điện tử. 

Việc tác nhân kinh tế không thực hiện nghĩa vụ này được xem là vi phạm và phải chịu mức phạt 50.000 DZD.

Tranh chấp và thu hồi nợ

Trong khuôn khổ quan hệ thương mại trong nước (tại Algeria), việc thanh toán được thực hiện trung bình trong vòng 30 ngày sau ghi hóa đơn nhưng những thời hạn này có thể thay đổi và vẫn tùy thuộc vào các doanh nghiệp. Thông thường nhà cung cấp đòi thanh toán ngay lập tức khi giao hàng trong giai đoạn đầu của quan hệ thương mại.

Trong trường hợp khách nợ tiền không trả, doanh nghiệp cung cấp hàng nên nhờ đến các nhà chuyên nghiệp trong lĩnh vực có khả năng đồng hành với mình trong việc thực hiện các bước đòi nợ: Đó là các công ty thu hồi nợ hoặc các văn phòng luật sư. Đây là hai phương thức tiếp cận khác nhau nhưng có chung mục đích là đòi lại tiền chưa trả.

Văn phòng luật sư cho phép quản lí các thủ tục tư pháp thích hợp nhằm thu hồi tiền chưa trả. Đối với loại hình tranh chấp này, để đạt được hiệu quả cần mất nhiều thời gian. Các thủ tục có thể kéo dài trước khi thành công. Vấn đề ngôn ngữ có thể đặt ra (hoàn toàn sử dụng tiếng A rập trong tòa án), do vậy, cần ưu tiên lựa chọn các văn phòng luật sư nổi tiếng.

Công ty thu hồi nợ giúp lấy lại tiền chưa trả. Công ty này có cách tiếp cận là ưu tiên quan hệ thương mại giữa chủ nợ và con nợ gắn liền với tính hiệu quả để có được sự thanh toán nhanh chóng. Công ty ưu tiên giải quyết bằng con đường hòa giải và nếu không có kết quả sẽ thực hiện các chiến lược phù hợp để giải quyết nhanh chóng. 

Nhờ biết rõ tình hình thực tế, công ty quản lý toàn bộ tác nhân tham gia từ tư pháp đến thực thi các quyết định. Công ty có qui trình đặc biệt hiệu quả để quản lí tốt những xung đột và các khoản tiền không trả. Tương tự như với các văn phòng luật sư, chủ nợ cũng cần phải tìm đến các công ty thu hồi nợ hàng đầu trong lĩnh vực này.

Có 4 loại thủ tục tư pháp:

Khởi kiện về mặt nội dung

Khởi kiện về mặt nội dung để đòi nợ: Trong trường hợp này, quyết định của tòa sẽ buộc người mắc nợ chỉ phải thanh toán khoản nợ, đồng thời có thể bồi thường thiệt hại khi có quyết định cuối cùng (có bản sao quyết định tòa án hoặc một văn bản công chứng có hình thức buộc thi hành), cho phép tịch biên tài khoản hoặc động sản hoặc bất động sản của người mắc nợ.

Tịch thu tạm thời

Đó là tịch thu tài sản hoặc động sản hoặc bất động sản của người mắc nợ trong khuôn khổ tịch thu mang tính tạm thời. Thủ tục này cho phép chủ nợ tịch thu tài sản hoặc tài khoản của người mắc nợ để bảo đảm cho việc thu hồi nợ.

Lệnh bắt buộc trả tiền

Một lệnh bắt trả tiền là lệnh buộc người mắc nợ phải thanh toán nợ. Khoản nợ này chỉ có thể được giao đối với khoản tiền đã được xác định, là tiền mặt, có thể đòi và được tuyên bằng văn bản.

Lợi thế: Đây là một thủ tục cho phép đạt được nhanh chóng bản sao quyết định tòa án, hoặc một văn bản công chứng có hình thức buộc thi hành. Khi đó chủ nợ có thể tịch biên tài sản của người mắc nợ.

Khởi kiện hình sự

Tại Algeria, việc phát hành một tờ séc không thanh toán được sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Chủ nợ, người nắm giữ một tờ séc không trả, thường phải dùng đến biện pháp khởi kiện hình sự vì cho rằng đây là phương tiện gây sức ép đủ mạnh đối với người mắc nợ. 

Do vậy, chủ nợ sẽ ở trong một vị thế khác khi có quyết định của tòa kết án người mắc nợ chịu án tù và phải thanh toán nợ. Trong trường hợp người này không có khả năng chi trả, quyết định của tòa không bảo đảm cho việc thanh toán.

Thương vụ lưu ý trong mọi trường hợp khách hàng không trả tiền, doanh nghiệp nên giao việc theo dõi hồ sơ cho một nhà chuyên nghiệp thu hồi nợ có kiến thức tốt về thị trường Algeria. Bởi người này có đủ thẩm quyền can thiệp vào tất cả khía cạnh từ giai đoạn hòa giải đến tòa án. 

Hơn nữa, nhà chuyên nghiệp sẽ tạo điều kiện thu hồi nợ bằng cách hòa giải, đồng thời giảm được thời gian cũng như tổng chi phí của quá trình tố tụng.

Phùng Nguyệt