|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Xử lý tài sản bảo đảm để thu hồi nợ

09:16 | 17/07/2022
Chia sẻ
Hàng loạt thông báo về phát mại tài sản, bán đấu giá khoản nợ, tài sản bảo đảm để thu hồi nợ liên tục xuất hiện trên trang web của các ngân hàng thời gian qua. Nhưng nhiều tài sản dù được rao bán đến cả chục lần, giá cũng hạ sâu mà vẫn khó bán.

Xoay quanh câu chuyện về xử lý tài sản để thu hồi nợ, phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với Luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch HĐQT Công ty Luật SBLAW.

Phóng viên: Đấu giá là một trong các phương thức xử lý tài sản thế chấp và được xem là tối ưu mà các ngân hàng lựa chọn khi xử lý tài sản bảo đảm thu hồi nợ. Nhưng nhiều tài sản dù rao bán và hạ giá nhiều lần vẫn ế ẩm. Nguyên nhân chính do đâu, thưa ông?

Luật sư Nguyễn Thanh Hà: Có thể thấy, nguyên nhân trước tiên là về kinh tế. Nhiều tài sản bảo đảm mà ngân hàng muốn phát mại để thu tiền về nhưng qua thời gian xử lý nợ xấu, tài sản trở nên hết giá trị hoặc là giá trị còn thấp. Ví như một chiếc xe ô tô đời những năm 2006-2010 thì đến nay cũng không còn ai mặn mà với tài sản đó nữa.

Thêm nữa, việc định giá tài sản đôi khi lại chưa sát với giá thị trường, dẫn đến việc nhiều tổ chức, cá nhân cũng mong muốn mua tài sản đấy nhưng giá quá cao so với thị trường. Chưa kể khi mua xong vẫn còn rất nhiều thủ tục liên quan khác nữa khiến người mua còn e ngại.

Ngoài ra, nhiều tài sản bảo đảm để giá rất cao nhưng không bán được, qua nhiều phiên đấu giá lẽ ra giá tài sản sẽ giảm sâu nhưng thực tế, giá chỉ giảm nhỏ giọt.

Mặt khác, các thủ tục về đấu giá tài sản ở, định giá tài sản trong các quy định của pháp luật hiện chưa đồng nhất cũng gây khó cho việc thanh lý tài sản bảo đảm để thu hồi nợ.

Phóng viên: Thưa ông, trong quá trình xử lý tài sản bảo đảm để thu nợ, hầu hết các ngân hàng đều cho rằng, khởi kiện khách hàng ra Tòa án là biện pháp “cực chẳng đã”. Nhưng cách giải quyết  tranh chấp này dường như vẫn còn nhiều hạn chế, làm chậm quá trình xử lý nợ xấu. Ông có thể phân tích rõ hơn về vấn đề này?

Luật sư Nguyễn Thanh Hà: Các tổ chức tín dụng đều mong muốn xử lý tài sản một cách nhanh chóng. Nhưng nếu đưa ra cơ quan tố tụng là cơ quan tòa án hoặc trọng tài thì tương đối mất thời gian. Bởi các vụ việc đưa ra cơ quan tòa án tại các thành phố lớn như thành phố Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh thường kéo dài rất lâu, nhiều vụ kéo dài đến 2-3 năm, thậm chí đến mười mấy năm mà vẫn chưa kết luận cuối cùng.

Thêm nữa, thực tế khách quan cho biết mỗi thẩm phán ở tòa án tại thành phố Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh hàng năm phải xử rất nhiều vụ việc, có người xử đến 150 vụ việc liên quan trong 1 năm. Mặt khác, các vụ việc về tài chính ngân hàng, xử lý tài sản tương đối phức tạp, mất thời gian, liên quan đến nhiều bên. Vì vậy, quá trình thụ lý giải quyết tương đối lâu.

Chưa hết, các vụ việc được giải quyết tại tòa án theo quy định của Luật tố tụng dân sự, có nghĩa là chỉ tòa án nơi cư trú hoặc nơi có trụ sở của bị đơn mới có thẩm quyền giải quyết. Trong khí đó, các tổ chức tín dụng có rất nhiều khách hàng ở khắp các địa phương trên cả nước Vì vậy, để khởi kiện tổ chức tín dụng phải cử người đi xuống từng quận, huyện để nộp đơn khởi kiện rồi theo đuổi vụ kiện đấy.

Phóng viên: Nhiều ngân hàng đang đẩy mạnh phát mại tài sản bảo đảm là bất động sản để xử lý nợ xấu. Liệu những tài sản này có giúp ngân hàng thu hồi được nợ xấu hay không?

Luật sư Nguyễn Thanh Hà: Bất động sản là những tài sản có giá trị lớn và được thẩm định tương đối kỹ. Thời gian qua, với sự bùng nổ của thị trường bất động sản thì giá bất động sản cũng đang tăng so với lại các cái mặt hàng khác. Đặc biệt, trong thời điểm dịch COVID-19, các nguồn đầu tư, nguồn lực xã hội đầu tư nhiều vào lĩnh vực bất động sản và chứng khoán.

Vì vậy, các ngân hàng đang có tài sản bảo đảm là bất động sản, theo tôi việc xử lý là thuận lợi. Tuy nhiên, không phải là không có những vướng mắc còn tồn tại.

Tài sản bất động sản liên quan đến nhiều lĩnh vực và quy định pháp luật khác nhau như: Luật Đất đai, Luật Kinh doanh Bất động sản, Luật Nhà ở, Luật đầu tư… Vì vậy, để xử lý một tài sản bảo đảm là bất động sản lớn, ngân hàng phải mất rất nhiều thời gian từ lúc tổ chức đấu giá cho đến khi chọn được nhà đầu tư đủ tiềm lực.

Phóng viên: Trong câu chuyện xử lý tài sản bảo đảm, chỉ riêng nỗ lực của ngành ngân hàng có lẽ là chưa đủ, theo ông còn cần thêm những giải pháp mạnh tay nào có thể hỗ trợ tích cực hoạt động này?

Luật sư Nguyễn Thanh Hà: Theo tôi, sự phối hợp của các cơ quan tư pháp, tòa án, các cơ quan thi hành án rất quan trọng. Bởi khi một vụ việc được tổ chức tín dụng đưa ra giải quyết tại cơ quan tư pháp thì cần phải thúc đẩy xử lý một cách nhanh chóng và kịp thời. Đối với những vụ việc đơn giản, có thể áp dụng thủ tục rút gọn để làm sao những cái khoản vay nhỏ có chứng cứ rõ ràng có thể được giải quyết nhanh chóng

Đồng thời, các tổ chức tín dụng cũng cần quyết liệt hơn nữa trong xử lý nợ xấu bằng cách tuân thủ đúng các quy định của pháp luật. Nhiều trường hợp để thúc đẩy tín dụng, việc thẩm định, xác minh tài sản bảo đảm chưa đúng hoặc đẩy giá lên quá cao dẫn đến khi phát sinh nợ xấu, đem bán tài sản vẫn không đủ trả nợ mới bộc lộ ra lỗ hổng trong định giá.

Thêm nữa, khi các tổ chức tín dụng đưa vụ việc ra tòa, đến lúc ra được bản án cũng cần xem kỹ bản án đấy có khả năng thi hành hay không, các phán quyết có thể được thi hành tại cơ quan thi hành án hay không. Nếu phán quyết hoặc bản án chưa rõ ràng thì chúng ta phải ngay lập tức yêu cầu ở cơ quan tòa án đính chính hoặc sửa lại để đảm bảo khi đưa ra cơ quan thi hành án thì bản án có thể được thi hành.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn ông! 


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Lê Phương