|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Phố Wall chia rẽ: Chiến thắng của ông Biden sẽ mang tới niềm vui hay nỗi buồn?

15:39 | 05/08/2020
Chia sẻ
Trong bối cảnh tỉ lệ cử tri ủng hộ ông Trump trong các cuộc khảo sát tiếp tục chìm xuống, Phố Wall bắt đầu hình dung một Washington dưới thời Tổng thống Joe Biden.
Phố Wall bị giằng xé: chiến thắng của ông Biden sẽ mang tới niềm vui hay nỗi buồn? - Ảnh 1.

Ông Joe Biden, ứng viên Tổng thống của Đảng Dân chủ. Ảnh: Financial Times

Theo Bloomberg, nhiều lãnh đạo doanh nghiệp nói rằng họ hoan nghênh kịch bản ông Biden trở thành chủ nhân Nhà Trắng. Nhưng những người bi quan thì lo sợ tầm ảnh hưởng ngày càng gia tăng của Đảng Dân chủ.

Đảng Dân chủ thường được coi là có tư tưởng cấp tiến (progressive), ủng hộ cải cách, mở rộng qui mô chính quyền, ban hành thêm các đạo luật giám sát,… Những thay đổi này thường được cho là tiêu cực đối với Phố Wall. 

Những người lạc quan chỉ ra các cố vấn thân cận nhất của ông Biden là những người ủng hộ doanh nghiệp. Giới tài chính đã đóng góp đáng kể cho chiến dịch tranh cử của ông Biden. Bản thân cựu Phó Tổng thống Mỹ cũng ủng hộ các doanh nghiệp thẻ tín dụng tại quê nhà là bang Delaware.

Tuy nhiên, sự hứng khởi của Phố Wall bị trộn lẫn với nỗi sợ hãi về việc liệu ông Biden sẽ trao bao nhiêu quyền lực cho các chính trị gia cấp tiến như Thượng nghị sĩ Bernie Sanders và Elizabeth Warren. Điều này đặc biệt quan trọng do sẽ ảnh hưởng đến việc lựa chọn người điều hành các cơ quan giám sát ngân hàng và công ty chứng khoán.

Phố Wall chắc chắn không muốn những chính sách như đánh thuế đối với giao dịch, giới hạn lương của các giám đốc và thậm chí là xé nhỏ các ngân hàng khổng lồ.

Mối đe dọa nghiêm trọng

Cuộc chiến xoay quanh những vị trí chủ chốt tại các cơ quan quan trọng như Bộ Tài chính Mỹ, Cục dự trữ liên bang (Fed) và Ủy ban Chứng khoán và Sàn giao dịch (SEC) sẽ đặt ông Biden vào thế khó. 

Ông Biden cần tìm cách cân bằng lợi ích mâu thuẫn giữa các nhà tài trợ Phố Wall và những nhà hoạt động ông nhờ cậy để thu hút sự ủng hộ của giới cử tri Đảng Dân chủ. Cho đến nay, ông Biden vẫn mập mờ về những ứng viên ông sẽ đề cử cho các vị trí then chốt.

Phố Wall đang thúc đẩy để ông Biden lựa chọn những người hiểu rõ thị trường tài chính và đã từng là quan chức trong quá khứ, ví dụ như Thống đốc Fed Lael Brainard hay cựu Thứ trưởng Bộ Tài chính Sarah Bloom Raskin.

Ngoài ra, những cái tên được yêu thích còn bao gồm những phụ nữ có mối quan hệ khăng khít với Phố Wall: cựu CFO Citigroup Sallie Krawcheck, CFO Morgan Stanley Ruth Porat, thành viên HĐQT JPMorgan Mellody Hobson. 

Chiến lược của phe cấp tiến

Phe cấp tiến đang tiến hành kế hoạch hai phần, đề cử những ứng viên cho chiến dịch của ông Biden và đồng thời nghiên cứu chống lại các ứng viên tiềm năng của Phố Wall.

Nguồn tin của Bloomberg cho biết mục tiêu lớn nhất của phe cấp tiến là ngăn chặn bất cứ ai đến từ BlackRock. Họ cho rằng các thành viên của công ty quản lí quĩ lớn nhất thế giới BlackRock có mối liên kết chặt chẽ hết sức nguy hiểm và có quá nhiều ảnh hưởng tại Washington.

Nỗ lực của phe cấp tiến được dẫn dắt bởi một số nhóm như Revolving Door Project, Demand Progress, Americans for Financial Reform và Data for Progress. Các nhóm này tiến hành các chiến dịch email và mạng xã hội khổng lồ, cũng như liên kết với các phong trào khác để tăng khả năng thuyết phục.

Trợ thủ của ông Biden

Một trong những điểm có lợi cho Phố Wall là hầu hết các cố vấn thân cận nhất của ông Biden có quan điểm ôn hòa, có nhiều kinh nghiệm về Washington và sẵn sàng gạt bỏ những ý tưởng cực đoan nhất của phe cấp tiến.

Trong số những cố vấn thân cận của ông Biden có ông Steve Ricchetti, cựu chuyên gia vận động hành lang cho doanh nghiệp, luật sư Ron Klain, cố vấn cho công ty đầu tư mạo hiểm Revolution. Một người ủng hộ khác của ông Biden là Giám đốc Tom Donilon của BlackRock.

Phe cấp tiến tin rằng họ có đồng minh là một số thành viên trong chiến dịch tranh cử của ông Biden, bao gồm ông Ted Kaufman, người dẫn dắt đội chuyển giao quyền hành. Đội chuyển giao quyền hành có vai trò lớn trong việc giới thiệu người giữ các chức vụ quan trọng trong chính phủ mới.

Năm 2009, ông Kaufman kêu gọi áp đặt giới hạn qui mô của các ngân hàng và chỉ trích nặng nề Bộ Tư pháp vì không tống các giám đốc cấp cao Phố Wall vào tù sau cuộc khủng hoảng tài chính 2008.

Không rời đi

Yếu tố làm tăng thêm sự bất ổn cho Phố Wall là ông Biden sẽ không thể ngay lập tức thay thế mọi nhà quản lí dưới thời chính quyền ông Trump. Không phải nhà quản lí nào cũng phải rời bỏ vị trí của mình khi một chính quyền mới lên nắm quyền tại Nhà Trắng.

Ví dụ, ông Randal Quarles, Phó Chủ tịch Fed phụ trách giám sát ngân hàng vẫn còn hơn một năm trong nhiệm kì của mình và không đưa ra bất kì dấu hiệu nào là sẽ từ chức.

Ông Quarles chủ trương nới lỏng các hạn chế đối với Phố Wall, ví dụ như thúc đẩy việc sửa đổi các qui định về chứng khoán phái sinh có thể giải phóng khoảng 40 tỉ USD cho các ngân hàng.

Hạ bệ ứng viên Phố Wall

Dù phe cấp tiến không kì vọng sẽ chiến thắng mọi cuộc chiến trong chính quyền ông Biden, họ đã có kinh nghiệm trong việc đánh bại những ứng viên Phố Wall đề cử trong thời Tổng thống Obama.

Một trong những chiến thắng của phe cấp tiến là ngăn cản cựu Bộ trưởng Tài chính Larry Summers trở thành Chủ tịch Fed. Khi còn là thành viên trong đội ngũ kinh tế của Tổng thống Bill Clinton, ông Summers đã giúp loại bỏ hàng loạt các qui định quản lí ngành tài chính. Phe cấp tiến cho rằng chính việc nới lỏng các qui định là nguyên nhân dẫn đến khủng hoảng 2008.

Ông Hauser, người điều hành Revolving Door Project cho biết đội ngũ tranh cử của ông Biden sẽ phải cân nhắc kĩ các ứng viên của Phố Wall, do họ sẽ vấp phải phản đối quyết liệt của phe cấp tiến.

Giang