Phó Thủ tướng: Không phải cứ có ca F0 là đóng cửa toàn bộ nhà máy
Sáng 20/9, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành chủ trì hội nghị trực tuyến “Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp sản xuất tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao và cụm công nghiệp” với sự tham dự của lãnh đạo các bộ, ngành, 28 tỉnh, thành phố và các doanh nghiệp FDI có vốn đầu tư lớn, đông công nhân, theo Báo Chính phủ.
Là doanh nghiệp có hơn 6.300 lao động tại khu công nghệ cao của TP HCM, đại diện Công ty Nidec Việt Nam nêu kiến nghị, sau khi hoạt động trở lại, bất kỳ trường hợp F0 nào được phát hiện tại dây chuyền sản xuất, chỉ cần cách ly hoặc đóng cửa phần sản xuất liên quan, không phải đóng toàn bộ doanh nghiệp. Sử dụng nhiều lao động ngoại tỉnh, doanh nghiệp mong muốn tạo điều kiện thuận lợi cho lao động di chuyển giữa các địa phương.
Cùng quan điểm, đại diện Công ty Nike Việt Nam, đơn vị có kim ngạch xuất khẩu hơn 7 tỷ USD, bày tỏ băn khoăn về việc phục hồi sản xuất nhưng phải bảo đảm “tuyệt đối an toàn”.
Công ty cũng mong muốn không đóng cửa toàn bộ nhà máy khi phát hiện một ca F0 mà chỉ cần nhanh chóng tách F0 và cách ly người tiếp xúc F0 trong nhà máy.
Giải đáp kiến nghị này, Phó Thủ tướng nêu rõ cụm từ "tuyệt đối an toàn" mà doanh nghiệp băn khoăn ở đây nghĩa là tuyệt đối không để xảy ra ổ dịch lớn trong doanh nghiệp; tránh tình trạng sản xuất trở lại mà không có kiểm soát, tới một thời điểm nhất định, khi bệnh lây lan âm thầm trong lực lượng lao động rồi bùng phát thành ổ dịch lớn, ảnh hưởng lớn đến sức khỏe công nhân.
"Nếu tổ chức sản xuất trở lại thì phải tầm soát được dịch, như xét nghiệm hằng tuần. Việc xét nghiệm này thì các bộ, ngành, trên cơ sở ý kiến của doanh nghiệp, cần đưa ra hướng dẫn cụ thể", ông Thành nhấn mạnh.
Theo Phó Thủ tướng, một khu công nghiệp có tới 20.000 công nhân mà đến lúc trở thành ổ dịch thì rất nguy hiểm, song cũng không cứng nhắc khi có F0 thì đóng cửa nhà máy với hàng nghìn công nhân.
"F0 ở xưởng nào thì dừng xưởng đó và ngay trong xưởng đó nếu xác định F0 chỉ liên quan đến một số F1 thì cách ly F1, thậm chí xưởng đó vẫn có thể hoạt động", Phó Thủ tướng cho biết.
Về vấn đề tiêm vắc xin cho công nhân, Công ty Unilever Việt Nam kiến nghị đẩy nhanh tiêm vắc xin cho lực lượng sản xuất trọng điểm. Đại diện Samsung Thái Nguyên cũng kiến nghị cho phép công nhân viên đã tiêm hai mũi vắc xin được di chuyển đi làm hằng ngày từ nhà (vùng xanh) tới công ty bằng hệ thống xe buýt do công ty bố trí.
Các doanh nghiệp như Công ty hóa chất Hyosung Vina (tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu), Far Eastern (Bình Dương), C.E.O (Kiên Giang)… cùng mong muốn ưu tiên tiêm vắc xin cho công nhân lao động, đơn giản quy trình mời chuyên gia nước ngoài, hỗ trợ giảm chi phí như hoàn thuế VAT…
Về kiến nghị của các doanh nghiệp, Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành tiếp thu, tạo điều kiện, tháo gỡ khó khăn.
Phó Thủ tướng cũng lưu ý các địa phương về việc phục hồi một số dịch vụ cần thiết đối với các khu công nghiệp, “nếu không, có nơi hàng chục ngàn công nhân thì ăn uống như thế nào”.
Cũng tại buổi họp, điểm lại tình hình các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết qua điều tra khảo sát với 500 tập đoàn, doanh nghiệp FDI tại Việt Nam cho thấy gần 50% bị tác động nghiêm trọng bởi dịch COVID-19, số còn lại bị ảnh hưởng lớn.
Theo đó, có 7 nhóm vấn đề khó khăn, thách thức mà các khu công nghiệp, khu kinh tế, khu công nghệ cao và cụm công nghiệp phải đối mặt như chi phí đầu vào, chi phí vận chuyển ngày một tăng cao, tình trạng thiếu hụt nguyên liệu đầu vào, đội chi phí giá thành sản xuất, cộng thêm các chi phí liên quan đến phòng, chống dịch…