|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

DN trên 'đường đua' nhập khẩu vắc xin: Vimedimex đàm phán 55 triệu liều từ nhiều hãng, VNVC mang về lô đầu tiên

18:02 | 20/09/2021
Chia sẻ
Song song cuộc đua sản xuất vắc xin nội, còn một cuộc chạy đua khác cũng gấp rút không kém, đó là làn sóng các doanh nghiệp tư nhân được Bộ Y tế cho phép đàm phán, nhập khẩu vắc xin.

Trong danh sách 36 đơn vị đủ điều kiện kinh doanh, nhập khẩu vắc xin được Bộ Y tế công bố ngày 2/6, có ba cái tên đáng chú ý đã và đang đàm phán, mang vắc xin ngoại về Việt Nam trong bối cảnh nguồn cung khó khăn.

Đó là Công ty Cổ phần Vacxin Việt Nam (VNVC) với hợp đồng đặt mua 30 triệu liều AstraZeneca, Công ty TNHH một thành viên Dược Sài Gòn (Sapharco) với hợp đồng 5 triệu liều Vero Cell của hãng Sinopharm (Trung Quốc).

Mới đây nhất là Công ty Cổ phần Y Dược phẩm Vimedimex với hợp đồng nhập khẩu đã ký kết xong gồm 10 triệu liều vắc xin Janssen (Johnson & Johnson's Janssen); 5 triệu liều vắc xin Pfizer và 10 triệu liều vắc xin Sputnik V. Hôm 16/9, Bộ Y tế cũng đã chính thức cho phép công ty này nhập khẩu 30 triệu liều vắc xin Hayat - Vax.

Về hợp đồng đặt mua 5 triệu liều của Sapharco với Sinopharm, lô cuối cùng đã về hôm 27/8 và sau đó được phân bổ cho các địa phương.

VNVC cũng đã đưa về được hơn 10,1 triệu liều trong hợp đồng 30 triệu liều AstraZeneca, còn vắc xin của nhiều hãng do Vimedimex đàm phán vẫn chưa về.

a - Ảnh 1.

VNVC đặt cọc 30 triệu USD để tiếp cận vắc xin, Vimedimex mua được nhiều loại từ nhiều hãng

Hồi đầu tháng 6, VNVC tiết lộ chi phí đầu tư để đàm phán mua 30 triệu liều vắc xin COVID-19 của AstraZeneca.

Theo đó, tháng 8/2020, công ty này tiếp cận được tập đoàn dược phẩm AstraZeneca, đơn vị nghiên cứu phát triển vắc xin ngừa COVID-19 cùng trường Đại học Oxford (Anh).

Sau nhiều cuộc đàm phán, tháng 11/2020, VNVC đã tiến hành chi 30 triệu USD để đặt mua số lượng lớn vắc xin AstraZeneca với cơ chế chấp nhận rủi ro ngay từ khi loại vắc xin này còn đang trong giai đoạn nghiên cứu thứ hai.

Điều này có nghĩa VNVC sẽ không được hoàn trả số tiền này nếu vắc xin không thành công, thậm chí phải tiếp tục đóng góp tiền đầu tư cho quá trình nghiên cứu tiếp theo. Tuy nhiên, nếu vắc xin thành công, VNVC sẽ được ưu tiên mua 30 triệu liều với giá ưu đãi.

Bên cạnh đó, VNVC còn phải chứng minh các năng lực về nhập khẩu, bảo quản, vận chuyển, triển khai tiêm chủng và cam kết bình đẳng, chống gian lận, phá giá, tăng giá trong triển khai tiêm chủng,…

a - Ảnh 2.

Lô 117.600 liều vắc xin AstraZeneca trong hợp đồng đặt mua 30 triệu liều của VNVC về Việt Nam sáng 24/2, cũng là những liều vắc xin COVID-19 đầu tiên Việt Nam có được. (Ảnh: Tiền phong, Bộ Y tế).

Ngày 24/2, lô vắc xin ngừa COVID-19 theo hợp đồng VNVC đặt mua 30 triệu liều của AstraZeneca đã về đến Việt Nam, gồm 117.600 liều. Với lô vắc xin này, Việt Nam có được những liều vắc xin COVID-19 đầu tiên. Theo thông tin từ Cục Hải quan TP HCM, 117.600 liều vắc xin COVID-19 trên trị giá trên 12 tỷ đồng. Lô hàng này được miễn thuế nhập khẩu và chỉ nộp 5% thuế giá trị gia tăng.

Bên cạnh VNVC, cái tên nhận được nhiều sự chú ý thời gian qua là Y Dược phẩm Vimedimex với việc công ty mang đến liên tiếp tin vui. Hồi đầu tháng 8, trả lời truyền thông, bà Trần Mỹ Linh, Tổng giám đốc của Y Dược phẩm Vimedimex cho biết Công ty Royal Strategics Partners (UAE) đã đồng ý bán và ký hợp đồng nhập khẩu với Y Dược phẩm Vimedimex 25 triệu liều vắc xin (10 triệu liều Janssen, 5 triệu liều Pfizer và 10 triệu liều Sputnik V).

Mới đây nhất, ngày 16/9, Bộ Y tế cho phép Vimedimex nhập khẩu 30 triệu liều vắc xin Hayat - Vax sản xuất tại UAE. Vắc xin do Công ty TNHH Viện Sinh phẩm Bắc Kinh thuộc Tập đoàn Biotec Quốc gia Trung Quốc (CNBG), Trung Quốc, sản xuất bán thành phẩm. Vắc xin được đóng gói sơ cấp, thứ cấp và xuất xưởng tại Julphar (Gulf Pharmaceutical Industries) - UAE. 

DN trên 'đường đua' nhập khẩu vắc xin: VNVC mang về lô đầu tiên, Vimedimex đàm phán 55 triệu liều từ nhiều hãng  - Ảnh 3.

Ngoài ba doanh nghiệp nói trên, mới đây, Công ty TNHH Dược phẩm T&T (T&T Pharma - đơn vị thành viên của Tập đoàn T&T) cho biết đã ký thỏa thuận hợp tác thử nghiệm lâm sàng vắc xin phòng HIPRA SARS-CoV-2 do Công ty HIPRA Human Health S.L.U của Tây Ban Nha sản xuất tại Việt Nam. Đồng thời, T&T Pharma ký hợp đồng mua 50 triệu liều vắc xin HIPRA SARS-CoV-2, với tổng giá trị là 375 triệu Euro (tương đương với 10.500 tỷ đồng).

Công ty HIPRA cam kết sau khi vắc xin được cấp phép tại Việt Nam, sẽ chuyển giao toàn bộ công nghệ sản xuất, bản quyền; cung cấp dây chuyền và máy móc, trang thiết bị, nguyên liệu, và đào tạo nhân lực để Tập đoàn T&T có thể tự sản xuất được loại vắc xin này với quy mô tối thiểu 50 triệu liều/năm, bảo đảm chất lượng theo tiêu chuẩn châu Âu. 

HIPRA kỳ vọng các cuộc thử nghiệm lâm sàng với vắc xin này dự kiến hoàn tất thành công, để có thể bắt đầu sản xuất vào tháng 10/2021 và giao lô 75 triệu liều đầu tiên vào cuối năm nay. 

Anh Đào