Phó thống đốc: Sẽ tăng phiên đấu thầu vàng miếng, sửa Nghị định 24
Bất cập của thị trường vàng nhận được nhiều ý kiến góp ý từ các ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong phiên thảo luận về tình hình kinh tế xã hội, sáng 13/5.
Hai tuần gần đây, giá vàng trong nước sốt nóng. Đỉnh điểm ngày 10/5, kim loại quý tăng vọt tới 3 triệu đồng trong ngày dù thế giới đi ngang, lên 92,4 triệu đồng một lượng. Mức này đắt hơn thế giới 20 triệu đồng một lượng.
"Giá vàng nhảy múa thì công tác quản lý thế nào? Chưa bao giờ tôi thấy thị trường tăng - giảm rất đột biến như thế, không lẽ cứ để như vậy?", Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đặt vấn đề.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cũng nói "thấy sốt ruột khi chỉ đạo mà giá ngày càng tăng". Bà đề nghị cần có bàn tay của Nhà nước can thiệp vào thị trường vàng.
Giải trình tại phiên họp, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Thanh Hà thừa nhận từ 2022 trở lại đây thị trường vàng trong nước bộc lộ hạn chế, sau thời gian dài ổn định được quản lý theo Nghị định 24/2012. Nguyên nhân, theo ông, chủ yếu do thế giới tăng, đắt thêm 14% từ đầu năm đến nay và nguồn cung trong nước hạn chế.
Về giải pháp, theo Phó thống đốc, trước mắt cơ quan này tiếp tục đấu thầu với khối lượng phù hợp để tăng cung, nhằm ổn định và giảm chênh lệch với giá thế giới.
Dự kiến ngày 14/5 cơ quan này tiếp tục đấu thầu vàng miếng. "Tuần này sẽ có hai phiên đấu thầu, tăng 1 so với trước, để thêm nguồn cung ra thị trường", ông Hà thông tin. Về lâu dài, Ngân hàng Nhà nước sẽ đề xuất sửa Nghị định 24.
Ngân hàng Nhà nước cũng tăng các biện pháp quản lý thị trường, thanh tra kinh doanh, mua bán vàng miếng. Cơ quan quản lý cũng yêu cầu doanh nghiệp chấp hành quy định về hóa đơn thanh toán, thống kê và kiểm soát giao dịch vàng. Cơ quan này phối hợp cùng Bộ Công an, Bộ Công Thương kiểm soát, xử lý nghiêm hành vi buôn lậu, đẩy giá vàng lên cao.
Phó thủ tướng Lê Minh Khái giải trình sau đó cũng nói Chính phủ, Thủ tướng hết sức đau đầu vấn đề này. Nhưng theo ông, thị trường này cần kiểm soát bằng các giải pháp đồng bộ, nếu không "rất khó".
Chẳng hạn, giao dịch vàng hiện nay người dân chưa có thói quen lấy hóa đơn, doanh nghiệp cũng chưa xuất hóa đơn theo từng lần bán. Hiện, Chính phủ giao Bộ Tài chính cùng Ngân hàng Nhà nước hoàn thành việc xuất hóa đơn giao dịch vàng theo từng lần bán trong quý II.
Phó thủ tướng cũng cho rằng, Ngân hàng Nhà nước cần đánh giá toàn diện thị trường, xem nhu cầu vàng có thật hay không, tình trạng nhập lậu thế nào. Ông nói chia sẻ với sốt ruột của các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nhưng cần đánh giá kỹ, bình tĩnh để tìm giải pháp, tức "cần tìm đúng bệnh mới bốc thuốc được".
Dự kiến ngày mai, ông Khái tiếp tục họp cùng Ngân hàng Nhà nước về quản lý, điều hành thị trường vàng. "Thời gian tới các bộ, ngành tích cực vào cuộc thì chắc không khó khăn gì chúng ta không xử lý được", ông nói thêm.
Hai tuần gần đây, 5 phiên gọi thầu được Ngân hàng Nhà nước tổ chức với mục đích tăng cung ra thị trường, hạ nhiệt giá vàng miếng so với thế giới. Tuy nhiên, các phiên thầu được đánh giá là chưa thành công. Khoảng 8% lượng vàng chào thầu được đưa ra thị trường nhưng giá vẫn liên tục đi lên.
Ở góc độ cơ quan thẩm tra, ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nhận xét, quản lý thị trường vàng còn nhiều bất cập. Bình quân 4 tháng đầu năm, chỉ số vàng trong nước tăng gần 21% so với cùng kỳ, khi giá thế giới tăng cao kỷ lục.
Thậm chí, có ý kiến cho rằng đã hình thành thị trường ngầm về giao dịch vàng, ngoại tệ từ lâu với quy mô lớn, phức tạp và khó kiểm soát. Thị trường ngầm giao dịch này không có sự kiểm soát, thống kê của Nhà nước.
Trong khi theo Bộ Công an, mức chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới cao dẫn đến tình trạng buôn lậu vàng, gia tăng tội phạm và gây bất ổn tình hình an ninh trật tự xã hội. Việc này cũng ảnh hưởng an ninh tiền tệ, nhất là các tỉnh biên giới.
Sáng nay, kim loại quý vẫn nhảy múa. Sau khi lao dốc 3 triệu đồng lúc mở cửa, về ngưỡng 88,5 triệu một lượng, tới đầu giờ trưa, giá vọt tăng lên trên 90 triệu đồng mỗi lượng.
Số liệu của Hội đồng vàng thế giới (WGC) cho biết, năm 2022, Việt Nam tiêu thụ 43 tấn vàng, tăng 37% so với năm 2021, cao nhất khu vực ASEAN. Năm ngoái, 81% nhà đầu tư tại Việt Nam rót tiền vào vàng và cho biết họ sẽ xem xét đầu tư vào kim loại quý một lần nữa. Chỉ số này cao hơn Trung Quốc (72%), Ấn Độ (67%), và toàn cầu (45%).