Phó chủ tịch Hiệp hội thép: Quyết định áp thuế thép 250% của Mỹ có thể bị vô hiệu hóa trong năm nay
Mỹ đánh thuế thép Việt Nam tới 250% | |
Mỹ miễn trừ biện pháp nếu thép Việt không sản xuất từ nguyên liệu Trung Quốc |
Hôm 21/5, Bộ Thương mại Mỹ cho biết sẽ áp mức thuế chống bán phá giá là 199,76% cũng như thuế đặc biệt 256,44% lên sản phẩm thép cuộn từ Việt Nam nhưng có nguồn gốc Trung Quốc sau khi kết luận rằng những sản phẩm này đã né tránh thuế chống bán phá giá của Mỹ.
Trước đó, Liên minh Châu Âu (EU) cũng quyết định điều tra phòng vệ thương mại với mặt hàng thép Việt Nam do nghi ngờ chúng có xuất xứ từ Trung Quốc.
Trả lời phóng viên, ông Nguyễn Văn Sưa, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam nhận định đây là mức thuế vô cùng cao, gây cản trở doanh nghiệp Việt tiếp cận thị trường này. Hiện Mỹ là thị trường xuất khẩu thép lớn thứ hai của Việt Nam sau ASEAN.
Ông Nguyễn Văn Sưa, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam |
Tuy nhiên, ông cho rằng lần đánh thuế này của Mỹ không quá đáng lo ngại và có thể vô hiệu hóa trong năm nay. Ông Sưa giải thích “Việt Nam đã đầu tư rất nhiều tiền và nhân lực để nâng cao chất lượng các sản phẩm thép chứ không phải chuyển đổi gia công qua loa sản phẩm thép Trung Quốc rồi xuất khẩu như cáo buộc của từ Mỹ”.
Ông Sưa khẳng định thực tế, thời gian gần đây, Việt Nam không có hiện tượng nhập khẩu thép từ Trung Quốc rồi xuất sang Mỹ. Trong quá trình hội nhập, doanh nghiệp Việt rút ra nhiều kinh nghiệm từ các vụ điều tra chống lẩn tránh thuế, vì vậy họ tập trung sử dụng các nguồn nguyên liệu trong nước để sản xuất các sản phẩm thép.
Vị Phó chủ tịch hiệp hội cho hay từ tháng 6/2017 Việt Nam đã sản xuất được nguyên liêu thép cuộn cán nóng để sản xuất thép cuộn cán nguội và tôn. Vì vậy, năm ngoái sản lượng của thép cuộn cán nóng sản xuất được gần 1,4 triệu tấn. Năm nay, sản lượng được dự báo đạt khoảng 3 triệu tấn.
Do đó, Hiệp hội Thép khuyến cáo các doanh nghiệp nên sử dụng thép cuộn cán nóng trong nước để sản xuất thép cuộn cán nguội và tôn sơn phủ màu nhằm dễ dàng chứng minh nguồn gốc xuất xứ.
Mặc dù vậy, ông Sưa cho rằng, lần áp thuế thép 25% hồi 8/3 của Mỹ thể theo đạo luật 232 mới thực sự nguy hiểm đối với ngành thép Việt Nam.
“Việc Mỹ áp thuế lên Việt Nam trong khi miễn thuế cho Mexico, Hàn Quốc, EU, Canada là không công bằng. Lượng thép Việt Nam xuất sang Mỹ chỉ chiếm 1% thị phần nước này - thấp hơn nhiều so với các nước được miễn thuế. Trong khi đó, sản phẩm xuất khẩu chủ yếu là thép xây dựng, hoàn toàn không gây tổn hại đến an ninh nước này”, ông Sưa nói.
Hôm 24/5, Bộ Công Thương đã lên tiếng về vụ việc này. Theo đó, Bộ Công Thương đã phối hợp với Hiệp hội Thép Việt Nam và các doanh nghiệp liên quan theo dõi chặt chẽ vụ việc ngay từ giai đoạn khởi xướng điều tra từ tháng 11/2016. Bộ đã nhiều lần bày tỏ quan điểm chính thức về vụ việc với phía Mỹ và đề nghị Bộ Thương mại nước này thực hiện điều tra một cách khách quan, phù hợp với quy định của WTO và thông lệ của ỹ, không áp dụng biện pháp này đối với các doanh nghiệp xuất khẩu thép của Việt Nam. Hiệp hội Thép, các doanh nghiệp sản xuất thép của Việt Nam cũng đã phối hợp chặt chẽ với phía Mỹ để làm rõ nguồn gốc xuất xứ của nguyên liệu, quy trình sản xuất thép tại Việt Nam. |
Xem thêm |