|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Phiên 26/4: Khối ngoại mua ròng hơn nghìn tỷ đồng phiên hồi phục, tâm điểm VNM, DGC, DPM

17:33 | 26/04/2022
Chia sẻ
Lực cầu ngoại tham gia tích cực vào thị trường trong phiên hồi phục, mua ròng hơn 1.043 tỷ đồng tương đương 37,3 triệu đơn vị cổ phiếu tại HOSE. Quy mô mua gom tăng mạnh gấp 4,6 lần so với phiên trước đó, với tâm điểm thu hút dòng tiền tập trung ở nhóm hoá chất, dịch vụ tài chính.

VN-Index đã lấy lại được sắc xanh nhờ lực kéo mạnh cuối phiên của nhóm vốn hóa lớn, đặc biệt là cổ phiếu bất động sản, ngân hàng. Trong rổ VN30 có duy nhất VRE tăng kịch trần sau phiên giảm sàn trước đó.

Đóng cửa, VN-Index tăng 30,42 điểm (2,32%) lên 1.341,34 điểm, HNX-Index tăng 7,66 điểm (2,27%) đạt 345,17 điểm, UPCoM-Index tăng 1,61 điểm (1,62%) lên 101,55 điểm.

Thanh khoản ghi nhận cải thiện với giá trị giao dịch đạt hơn hơn 21.000 tỷ đồng trên HOSE. Tính chung toàn thị trường thì giá trị giao dịch đạt hơn 24.388 tỷ đồng, giảm gần 5% so với phiên trước.

  Nguồn: Thảo Bùi tổng hợp.

Trên sàn HOSE, lực cầu ngoại tham gia tích cực vào thị trường trong phiên hồi phục, mua ròng hơn 1.043 tỷ đồng tương đương 37,3 triệu đơn vị cổ phiếu. Quy mô mua gom tăng mạnh gấp 4,6 lần so với phiên trước đó, với tâm điểm thu hút dòng tiền tập trung ở nhóm hoá chất, dịch vụ tài chính.

 Nguồn: Thảo Bùi tổng hợp.

Xét giao dịch chiều mua, lực cầu lớn nhất tập trung ở cổ phiếu VNM với giá trị 92,9 tỷ đồng. Theo ghi nhận, khối ngoại đã liên tục mua gom VNM trong những phiên gần đây, nâng tổng giá trị mua ròng sau 5 phiên lên hơn 280 tỷ đồng.

Nối tiếp, dòng tiền ngoại cũng tập trung ở bộ ba cổ phiếu nhóm phân bón – hoá chất là DGC (74,4 tỷ đồng), DPM (65,3 tỷ đồng), DCM (47,2 tỷ đồng) giúp những mã này bật tăng, lấy lại sắc xanh từ mức giảm sàn ở đầu phiên.

Theo sau đó, lực cầu ngoại còn tìm đến BVH (48,8 tỷ đồng), PVD (42,4 tỷ đồng), SSI (35,2 tỷ đồng), DIG (35,1 tỷ đồng). Cổ phiếu MSN với giá trị hút vốn ròng gần 39 tỷ đồng là mã duy nhất đóng cửa ở mức tham chiếu trong top10 mã được khối ngoại mua ròng nhiều nhất trong phiên.

  Nguồn: Thảo Bùi tổng hợp.

Ở chiều ngược lại, giao dịch rút vốn ròng chủ yếu xuất hiện ở các đại diện của nhóm bất động sản, ngân hàng. 

Cụ thể, nhà đầu tư ngoại bán ròng lần lượt nhiều “ông lớn” ngành bất động sản, xây dựng như NVL (85,3 tỷ đồng), VHM (61,4 tỷ đồng), KBC (33 tỷ đồng), VIC (5,8 tỷ đồng). Đến với nhóm cổ phiếu của các nhà băng, giao dịch rút ròng được ghi nhận tại STB (23,6 tỷ đồng), VCB (12,9 tỷ đồng) và TPB (11,9 tỷ đồng). 

Đáng chú ý, VCB cũng là mã tác động tiêu cực nhất tới VN-Index trong phiên với mức giảm 1,59% giá trị khi đóng cửa.

Giao dịch cùng chiều theo sau cũng được ghi nhận tại HPG (31,3 tỷ đồng), MWG (5,7 tỷ đồng), VSC (5,1 tỷ đồng).

Tại sàn HNX, giao dịch có phần kém tích cực hơn khi khối ngoại chuyển hướng bán ròng 23,8 tỷ đồng. Về khối lượng, nhóm này xả ròng 895.212 đơn vị cổ phiếu.

Về giá trị cụ thể, khối ngoại bán ròng mạnh nhất 9,9 tỷ đồng ở cổ phiếu SHS của Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội. Tiếp theo đó, hai mã IDC và PVS cũng bị bán ròng với lần lượt 7,4 tỷ đồng và 5,4 tỷ đồng, trước khi quy mô bán nhẹ hơn tìm đến THD, VCS, BVS…

Trái chiều, không có mã nào ghi nhận lực cầu mua gom trên 1 tỷ đồng trong phiên. Theo đó, nhà đầu tư ngoại chỉ rót vốn lần lượt vào PVI (961 triệu đồng), TA9 (462 triệu đồng), CLH (360 triệu đồng)…

Tại thị trường UPCoM, quy mô mua ròng bị thu hẹp về mức 1,4 tỷ đồng. Theo đó, nhóm này rót vốn ròng vào 202.500 đơn vị cổ phiếu. 

Tại chiều mua, dòng tiền chủ yếu tìm đến bộ ba cổ phiếu gồm LTG (1,9 tỷ đồng), TCI (1,4 tỷ đồng), ACV (1,2 tỷ đồng). Bên cạnh đó, nhóm này còn duy trì mua ròng tại QNS (855 triệu đồng), CLX (626 triệu đồng)…

Trở lại phía bán, các nhà đầu tư ngoại tập trung chốt lời NTC (3,2 tỷ đồng) và VEA (1,5 tỷ đồng). Cùng chiều, giao dịch với quy mô nhỏ hơn cũng được ghi nhận tại VOC (850 triệu đồng), CSI (552 triệu đồng)…

Thảo Bùi

Quốc hội đề nghị làm rõ thu thuế sàn TMĐT, cơ sở thường trú 'ảo'  nước ngoài bằng cách nào?
Trước đề xuất thu thuế thu nhập doanh nghiệp với sàn thương mại điện tử, cơ sở thường trú 'ảo' của doanh nghiệp nước ngoài, Cơ quan thẩm tra đề nghị làm rõ tính khả thi về phương thức thu thuế và những Hiệp định pháp lý có liên quan.