JPMorgan lạc quan về chứng khoán Việt Nam: Đau đớn sẽ sớm qua, dự báo VN-Index cuối năm đạt 1.600 điểm
Trong báo cáo phân tích ngày 21/4, ngân hàng lớn nhất nước Mỹ là JPMorgan đã chỉ ra hai rủi ro của kinh tế Việt Nam là nhu cầu với hàng xuất khẩu trên thế giới đang chậm lại và lạm phát lên cao do bất ổn địa chính trị.
Vì vậy, JPMorgan đã điều chỉnh giảm 6% ước tính lợi nhuận năm 2022 của các doanh nghiệp Việt Nam. Mục tiêu VN-Index cũng giảm tương ứng từ 1.700 điểm xuống 1.600 điểm.
Ngoài nguy cơ tăng trưởng chậm lại, một nhân tố khác cũng tác động tiêu cực tới tâm lý nhà đầu tư là việc Chính phủ đẩy mạnh xử lý các vi phạm trên thị trường vốn và khu vực bất động sản.
Tuy nhiên, JPMorgan tin rằng các đợt bán tháo ồ ạt trong tháng 4 đã tạo nên các điểm mua vào hấp dẫn, nhất là với những cổ phiếu có tiềm năng tăng trưởng lớn.
Thêm vào đó, mô hình kiểm định dựa trên dữ liệu quá khứ (back testing) cho thấy chiến thuật mua cổ phiếu có tín hiệu định giá thấp thường mang lại hiệu quả tốt. Các ngành mà JPMorgan ưa thích bao gồm tiêu dùng, ngân hàng, bất động sản, và công nghệ thông tin.
Đau trước, sướng sau
Trong một tháng gần đây, cơ quan chức năng đã khởi tố một số vụ án liên quan tới sai phạm trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp, cổ phiếu và bất động sản. Nhiều lãnh đạo doanh nghiệp đã bị bắt giữ.
JPMorgan cho biết hoạt động giải ngân cho vay của một số ngân hàng như Techcombank và Sacombank cũng đang ít nhiều bị ảnh hưởng bởi chính sách thắt chặt tín dụng vào bất động sản.
Các thông tin trên đã ảnh hưởng tiêu cực tới tâm lý nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán Việt Nam và kéo VN-Index xuống mức thấp nhất 6 tháng vào phiên 21/4 khi JPMorgan ra báo cáo. Ngày 25/4 vừa qua, VN-Index cắm đầu giảm 68 điểm và xuống đáy 8 tháng như thể hiện trong biểu đồ bên dưới.
JPMorgan tin rằng việc tăng cường xử lý các hành vi lừa đảo và thao túng thị trường sẽ cải thiện sự minh bạch cũng như giảm thiểu rủi ro trên thị trường vốn và bất động sản Việt Nam, tạo ra môi trường thuận lợi hơn cho nhà đầu tư trung-dài hạn.
Ngân hàng lớn nhất nước Mỹ cũng chỉ ra rằng vào năm 2012 khi một lãnh đạo của ngân hàng ACB là bầu Kiên bị bắt, thị trường sa sút 12% nhưng rồi nhanh chóng hồi phục và tăng 24% trong 6 tháng sau đợt điều chỉnh.
Ngày 29/3/2022, Chủ tịch Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết bị bắt với cáo buộc thao túng thị trường chứng khoán.
Sau đó, Phó Chủ tịch Tập đoàn FLC kiêm Chủ tịch Chứng khoán BOS, Tổng Giám đốc và Phó Tổng Giám đốc Chứng khoán BOS cũng bị bắt tạm giam vì tình nghi giúp sức cho ông Quyết thao túng thị trường chứng khoán. Ngày 5/4, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C01) tiếp tục bắt tạm giam Chủ tịch Hội đồng thành viên Đỗ Anh Dũng và 6 lãnh đạo khác của Tập đoàn Tân Hoàng Minh với cáo buộc lừa đảo chiếm đoạt tài sản liên quan tới 9 lô trái phiếu trị giá hơn 10.000 tỷ đồng. Ngày 20/4, Tổng Giám đốc Công ty Chứng khoán Trí Việt và Chủ tịch Công ty Louis Holdings bị bắt tạm giam về tội thao túng thị trường chứng khoán. |
Vĩ mô thuận lợi cho chiến thuật mua rẻ
JPMorgan cho rằng Việt Nam có một số yếu tố thuận lợi để triệt tiêu cú sốc ngắn hạn của nền kinh tế trong 9-12 tháng tới, đó là: nhu cầu nội địa và ngành du lịch hồi phục nhờ chính sách mở cửa sau dịch, chương trình kích thích tài khóa, tăng cường đầu tư hạ tầng, và cán cân thanh toán ổn định nhờ dòng vốn FDI chảy vào.
Các số liệu kinh tế trong nước tiếp tục cải thiện bất chấp các cú sốc trên thế giới. Số chuyến bay hàng tháng đã hồi phục đáng kể so với đáy trong đại dịch, như thể hiện trong biểu đồ dưới. Tốc độ tăng trưởng tín dụng trong tháng 1-2/2022 đạt mức cao nhất kể từ năm 2017.
JPMorgan cho biết chiến thuật mua khi định giá thấp thường phát huy hiệu quả trong lịch sử. P/E của thị trường chứng khoán Việt Nam đã giảm xuống còn 13,1 lần, thấp hơn đáng kể so với mức trung bình 10 năm là 14,5 lần. Từ 2014 đến nay, thị trường rất ít khi giao dịch ở mức P/E thấp như vậy quá hai tháng.
Trong lịch sử, VN-Index thường hồi phục hoàn toàn trong khoảng 6-12 tháng sau khi P/E xuống đến 13 lần.
Vì vậy, JPMorgan duy trì nhận định tích cực với cổ phiếu Việt Nam trong dài hạn. Cơ cấu nhân khẩu học thuận lợi, sự chuyển dịch của chuỗi cung ứng, quá trình cải cách kinh tế, và tiềm năng được nâng hạng lên thị trường mới nổi là những nhân tố giúp đem lại giá trị trong 2-3 năm tới.