Phiên 25/10: Khối ngoại gia tăng bán ròng trong phiên ATC, 'trao tay' 3,18 triệu cổ phiếu VJC giá trần
Mặc dù VN-Index duy trì sắc xanh trong phần lớn thời gian giao dịch, mọi nỗ lực tăng điểm đã bị đánh đổ chỉ trong 20 phút cuối phiên chủ yếu do sự "đổ dốc" của nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn.
Tại rổ VN30, phe bán chiếm ưu thế với 16 mã giảm, 13 mã tăng và 1 mã đứng giá tham chiếu. Dù tương quan cung - cầu chỉ nghiêng nhẹ về bên bán, nhưng VN30-Index mất gần 12 điểm khi đóng cửa.
Kết phiên, VN-Index giảm 3,84 điểm (0,28%) còn 1.385,4 điểm, HNX-Index tăng 4,68 điểm (1,2%) lên 395,88 điểm, UPCoM-Index tăng 0,56 điểm (0,55%) lên 100,92 điểm.
Thanh khoản thị trường tăng đáng kể so với phiên trước với 27.098 tỷ đồng trên toàn sàn, trong đó tính riêng giá trị giao dịch tại HOSE đạt 12.902 tỷ đồng.
Trên sàn HOSE, khối ngoại mua vào với giá trị 999 tỷ đồng nhưng bán ra hơn 2.188 tỷ đồng. Với việc chiều bán quay lại áp đảo trong cán cân giao dịch, khối ngoại quay lại bán ròng hơn 1.189 tỷ đồng, cao gấp 5,6 lần quy mô rút ròng trong phiên trước.
Đáng chú ý là giao dịch bán ròng hơn 417 tỷ đồng cổ phiếu VJC của CTCP Hàng không Vietjet. Phần lớn giao dịch được thực hiện qua phương thức thỏa thuận khi sàn HOSE ghi nhận lệnh "trao tay" 3,18 triệu cổ phần tại mức giá trần 141.000 đồng/cp trong phiên ATC, với tổng giá trị giao dịch 449 tỷ đồng.
Nối tiếp, nhóm này đẩy mạnh xả ròng cổ phiếu HPG sau một phiên tạm nghỉ cuối tuần trước. Với giá trị bán ròng hơn 141 tỷ đồng tập trung trong phiên ATC, cổ phiếu HPG đóng cửa ở mức 55.100 đồng/cp, giảm 2,82% do với giá tham chiếu. Cùng ở nhóm thép, cổ phiếu HSG của CTCP Tập đoàn Hoa Sen cũng chịu áp lực bán ròng 38,5 tỷ đồng.
Tâm điểm rút ròng của vốn ngoại vẫn tập trung phần lớn ở nhóm bất động sản với các đại diện NLG (115,9 tỷ đồng), VHM (70,3 tỷ đồng), KBC (64,2 tỷ đồng), VRE (37,4 tỷ đồng). Diễn biến cùng chiều được ghi nhận ở một số cổ phiếu như PC1, PAN, DPM...
Ở chiều mua, cổ phiếu CTG của VietinBank là đại diện nhóm ngân hàng duy nhất trong danh mục mua ròng với giá trị 40,6 tỷ đồng. Theo sau, dòng vốn ngoại tìm đến các cổ phiếu gồm VHC (30 tỷ đồng), GAS (25,6 tỷ đồng), GVR (19,2 tỷ đồng), DHC (18,2 tỷ đồng) trước khi mua ròng nhẹ hơn các mã STB, PHR, TNH...
Đối với giao dịch chứng chỉ quỹ, các nhà đầu tư nước ngoài tập trung gom ròng 17,7 tỷ đồng mã E1VFVN30, bên cạnh FUEVFVND với 15,7 tỷ đồng.
Cùng với áp lực chốt lời gia tăng tại HOSE, sàn HNX cũng ghi nhận quy mô bán ròng 31,7 tỷ đồng, tăng hơn 37% so với phiên trước. Khối lượng rút ròng đạt gần 1,1 triệu đơn vị.
Tại chiều bán, lực rút ròng từ khối ngoại tập trung ở các cổ phiếu TNG (7,9 tỷ đồng), IDJ (4,2 tỷ đồng), BII (3,8 tỷ đồng), THD (3,8 tỷ đồng). Bên cạnh đó, quy mô giao dịch ròng trên 1 tỷ đồng cũng được ghi nhận tại các mã TC6 (3,4 tỷ đồng), HUT (1,6 tỷ đồng), TDN (1,3 tỷ đồng), VNR (1,2 tỷ đồng).
Chiều ngược lại, giao dịch mua ròng tập trung ở hai cổ phiếu CEO của CTCP Tập đoàn C.E.O (1,1 tỷ đồng) và LAS của CTCP Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao (1 tỷ đồng). Kế tiếp, một số cổ phiếu thu hút lực cầu dưới 1 tỷ đồng trong phiên còn có TV4, SCI, AAV...
Tại thị trường UPCoM, xu hướng rút ròng được nối dài trong phiên thứ 9 liên tiếp với giá trị 12,4 tỷ đồng, tương đương 190.778 đơn vị.
Phần lớn giá trị bán ròng tập trung ở cổ phiếu VEA của VEAM Corp (13 tỷ đồng). Nối tiếp, khối ngoại duy trì bán ròng tại danh mục các cổ phiếu gồm VTP (6,7 tỷ đồng), SIP (4,9 tỷ đồng), NTC (3,4 tỷ đồng), AAS (1,2 tỷ đồng).
Sau khi bán ròng QNS trong tuần trước, nhà đầu tư ngoại bất ngờ quay lại mua ròng hơn 8,8 tỷ đồng cổ phiếu của Đường Quảng Ngãi. Kế đó, danh mục mua ròng còn có sự góp mặt của ABI (3,9 tỷ đồng), HNI (1,4 tỷ đồng), CLX (1,1 tỷ đồng), VGT (1 tỷ đồng).