|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Phiên 21/10: Khối ngoại xả nhóm bất động sản, thép trong phiên đáo hạn phái sinh

16:59 | 21/10/2021
Chia sẻ
Trong phiên đáo hạn phái sinh (21/10), khối ngoại duy trì xu hướng bán ròng 816 tỷ đồng trên toàn thị trường. Lực xả tập trung ở nhóm bất động sản, thép, với tâm điểm là giao dịch bán ròng 310 tỷ đồng cổ phiếu HPG.

Thị trường chứng khoán Việt Nam duy trì xu hướng đi ngang trong biên độ hẹp ngay trước phiên ATC. Tuy nhiên, biến động mạnh trong phiên đáo hạn hợp đồng tương lai chỉ số VN30 khiến VN-Index rơi khỏi mốc hỗ trợ tại 1.385 điểm, đồng thời VN30-Index cũng tụt xa so với ngưỡng 1.500 điểm.

Kết phiên, VN-Index giảm 9,03 điểm (0,65%) còn 1.384,77 điểm, HNX-Index tăng 0,16 điểm (0,04%) lên 388,45 điểm, UPCoM-Index tăng 0,09% lên 99,77 điểm.

Thanh khoản toàn thị trường đạt 24.852 tỷ đồng trong phiên đáo hạn phái sinh, tăng 4,5% so với phiên trước đó.

Trên sàn HOSE, khối ngoại mua vào với giá trị 1.127 tỷ đồng nhưng bán ra 1.917 tỷ đồng, qua đó bán ròng gần 790 tỷ đồng. Điểm tích cực là giá trị rút ròng đã giảm hơn 41% so với phiên bán mạnh trước đó.

Phiên 21/10: Khối ngoại 'xả' ròng nhóm bất động sản, thép trong phiên đáo hạn phái sinh - Ảnh 1.

Nguồn: Thảo Bùi tổng hợp.

Tâm điểm bán ròng tập trung phần lớn ở cổ phiếu HPG của Hòa Phát với 310 tỷ đồng, tương đương hơn 5,3 triệu cổ phiếu bị xả ròng. Tuy vậy, lực xả này được thị trường hấp thụ tích cực giúp HPG có lúc chạm ngưỡng 58.000 đồng/cp. Tuy hạ nhiệt về cuối phiên, HPG vẫn tăng 0,53% và là mã tác động tích cực nhất tới VN-Index.

Sắc xanh còn lại trong top10 cổ phiếu bị khối ngoại xả ròng nhiều nhất là NLG của CTCP Đầu tư Nam Long. Mã này bị bán ròng hơn 99 tỷ đồng, tương đương hơn 1,9 triệu cổ phiếu. Theo sau, lực xả duy trì chủ yếu ở nhóm bất động sản với một số ông lớn như VIC (88,5 tỷ đồng), VHM (78,5 tỷ đồng), NVL (65,2 tỷ đồng), KBC (43,4 tỷ đồng). Bên cạnh đó, một số mã ghi nhận giao dịch cùng chiều còn có SSI, VCB, PAN, MSN...

Phiên 21/10: Khối ngoại 'xả' ròng nhóm bất động sản, thép trong phiên đáo hạn phái sinh - Ảnh 2.

Nguồn: Thảo Bùi tổng hợp.

Ở chiều mua, cổ phiếu VNM là mã được mua ròng nhiều nhất với giá trị 104 tỷ đồng. Trong phiên, cổ đông lớn F&N Dairy Investments đã tiếp tục đăng ký mua vào gần 20,9 triệu cổ phiếu VNM từ ngày 26/10 đến 24/11 sau khi giao dịch không thành công do điều kiện thị trường không phù hợp.

Nối tiếp, các cổ phiếu được mua ròng với giá trị dưới 30 tỷ đồng lần lượt gồm có VHC (29 tỷ đồng), TNH (25,1 tỷ đồng), GMD (23,8 tỷ đồng), CTG (21,2 tỷ đồng), DPM (20,7 tỷ đồng)...Đối với giao dịch chứng chỉ quỹ, khối ngoại duy trì mua ròng hai chứng chỉ ETF nội FUESSVFL (61,4 tỷ đồng) và E1VFVN30 (10,1 tỷ đồng).

Tại sàn HNX, nhà đầu tư nước ngoài giảm quy mô bán ròng xuống mức 12,8 tỷ đồng, giảm hơn 63% so với phiên liên trước và tương đương khối lượng 473.912 cổ phiếu.

Tại chiều bán, nhóm này tập trung xả ròng các mã TNG (6,1 tỷ đồng), MBG (2,3 tỷ đồng), PVS (2,1 tỷ đồng), THD (1 tỷ đồng). Nối tiếp, khối ngoại cũng bán ròng với quy mô dưới 1 tỷ đồng tại một số cổ phiếu như SHS, IVS, INN,...

Ở bên mua ròng, cổ phiếu PVI của Bảo hiểm Dầu khí PVI là mã thu hút lực mua lớn nhất trong phiên với 2,8 tỷ đồng. Một số mã ghi nhận giao dịch cùng chiều gồm có VCS (992 triệu đồng), HMH (960 triệu đồng), HHG (697 triệu đồng)...

Đối với thị trường UPCoM, giao dịch vẫn nghiêng về chiều bán trong phiên thứ 7 liên tiếp khi khối ngoại rút ròng 13,2 tỷ đồng, tương đương khối lượng 285.803 đơn vị.

Dẫn đầu danh mục bán ròng tại UPCoM là cổ phiếu NTC của CTCP Khu Công nghiệp Nam Tân Uyên (7,6 tỷ đồng). Khối ngoại cũng duy trì bán ròng VEA (4 tỷ đồng) và VTP (2,2 tỷ đồng), đồng thời quay lại chốt lời 1,8 tỷ đồng cổ phiếu QNS sau hai phiên mua ròng liên tiếp.

Diễn biến trái chiều, khối ngoại tập trung giải ngân ròng 3 tỷ đồng vào cổ phiếu ABI của Bảo hiểm Agribank, theo sau là ACV (2,7 tỷ đồng) và HHV (1,2 tỷ đồng). Nối tiếp, dòng vốn nước ngoài cũng tìm đến một số mã như TCI (697 triệu đồng), ORS (427 triệu đồng)...

Thảo Bùi

Nhìn lại ngành chứng khoán Việt Nam sau 24 năm qua các làn sóng M&A (Phần 2)
Làn sóng M&A thứ nhất ngành chứng khoán Việt Nam sớm kết thúc và để lại kết quả không mấy khả quan, các tổ chức quốc tế lần lượt rời đi. Làn sóng M&A mới nổ ra với mô hình thâu tóm toàn bộ cổ phần, “thay tên đổi họ” với sự gia nhập của các tập đoàn Hàn Quốc và những định chế trong nước.