Phiên 22/10: Khối ngoại giảm áp lực chốt lời HPG sau tin báo lãi kỷ lục
Trong khi nhóm vốn hóa lớn chịu áp lực điều chỉnh thì dòng tiền vào nhóm vốn hóa vừa và nhỏ đã vươn lên giúp thị trường trụ vững qua các nhịp rung lắc trong phiên chiều nay. Mặc dù chưa thể bù đắp đà giảm trong phiên đáo hạn phái sinh, thị trường phiên cuối tuần kết thúc trong sắc xanh cũng góp phần cải thiện tâm lý giao dịch của nhà đầu tư.
Kết phiên, VN-Index tăng 4,47 điểm (0,32%) lên 1.389,24 điểm, HNX-Index tăng 2,75 điểm (0,71%) lên 391,21 điểm, UPCoM-Index tăng 0,59 điểm (0,59%) lên 100,36 điểm.
Thanh khoản hôm nay ghi nhận cải thiện với tổng khối lượng giao dịch toàn thị trường đạt hơn 1,1 tỷ đơn vị, tương ứng giá trị gần 27.000 tỷ đồng. Trong đó, giá trị giao dịch trên sàn HOSE hôm nay đạt 21.561 tỷ đồng, nhỉnh hơn 500 tỷ đồng so với phiên trước.
Trên sàn HOSE, quy mô giao dịch của khối ngoại giảm so với phiên trước khi nhóm này mua vào 1.059 tỷ đồng và bán ra 1.270 tỷ đồng. Theo đó, giá trị bán ròng giảm còn 210 tỷ đồng, chỉ bằng 21% trong phiên liền trước.
Điểm tích cực là lực xả tại cổ phiếu HPG của CTCP đã giảm mạnh sau chuỗi phiên "xả" hàng liên tiếp. Cụ thể, mã này chỉ còn bị bán ròng 609.600 cp tương ứng 34,8 tỷ đồng, giảm hơn 88% so với phiên trước. Trong quý III, "vua thép" ghi nhận lợi nhuận sau thuế 10.350 tỷ đồng và là mức lãi kỷ lục của doanh nghiệp này.
Sau khi giảm xả ròng HPG, lực xả của khối ngoại tập trung tại các cổ phiếu nhóm bất động sản. Mã NLG của CTCP Đầu tư Nam Long là mã bị bán ròng nhiều nhất với 114 tỷ đồng, tương đương hơn 2,1 triệu cổ phiếu. Theo sau, các mã VRE (51,7 tỷ đồng), DXG (38,1 tỷ đồng), KBC (23,4 tỷ đồng) cũng lần lượt bị bán ròng. Một số mã ghi nhận giao dịch cùng chiều còn có PAN, DPM, HDB, SSI, PLX...
Ở chiều mua, khối ngoại tập trung mua ròng cổ phiếu VNM của CTCP Sữa Việt Nam (Vinamilk) với quy mô 166 tỷ đồng. Đây cũng là mã duy nhất được mua ròng trên 1 triệu đơn vị trong phiên.
Sau khi bán ròng trong phiên trước, nhóm này bất ngờ quay lại mua gom cổ phiếu VHM của CTCP Vinhomes, nối tiếp bởi một số mã cùng ngành như PDR (46,6 tỷ đồng), KDH (11,8 tỷ đồng), SZC (9,2 tỷ đồng). Cùng chiều, một số cổ phiếu được mua ròng dưới 50 tỷ đồng trong phiên còn có VHC, MBB, DHC, GAS, DGC...
Mặc dù giảm bán ròng tại HOSE, sàn HNX lại ghi nhận quy mô bán ròng tăng hơn 80% so với phiên trước, lên mức 23,1 tỷ đồng. Về khối lượng, nhóm này bán ròng 736.660 cổ phiếu.
Ở chiều bán, khối ngoại gia tăng bán ròng tại các cổ phiếu VCS (6,4 tỷ đồng), TNG (5,4 tỷ đồng), NRC (2,6 tỷ đồng), IDJ (2,3 tỷ đồng) trong phiên nhóm mid-cap đồng loạt nổi sóng. Nối tiếp, lực chốt lời cũng tập trung tại DL1 (2,2 triệu đồng), BVS (1,5 tỷ đồng), VNR (1 tỷ đồng).
Trái lại, giao dịch ở chiều mua có phần ảm đạm hơn khi chỉ có hai cổ phiếu PVS của Tổng CTCP Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam và CEO của CTCP Tập đoàn C.E.O được mua ròng với giá trị trên 1 tỷ đồng. Theo sau, danh mục hút vốn trong phiên còn có NDN, TV4, KLF, EID...
Tương tự, tại thị trường UPCoM, khối ngoại cũng đẩy mạnh bán trong phiên thứ 8 liên tiếp với giá trị 25,5 tỷ đồng, tương đương 435.754 đơn vị.
Sau khi tạm dừng bán ròng QNS, khối ngoại quay lại xả hơn 14,6 tỷ đồng cổ phiếu này trong phiên khiến QNS đánh mất 2,16% giá trị. Cùng chiều, nhóm này cũng bán ròng mạnh các cổ phiếu VEA (7,5 tỷ đồng), VTP (6 tỷ đồng), SIP (2,1 tỷ đồng)...
Ở chiều ngược lại, cổ phiếu CTR của Viettel Construction là mã được mua ròng nhiều nhất khi thu hút hơn 5,6 tỷ đồng vốn ngoại. Cùng chiều, dòng vốn ngoại tìm đến một số cổ phiếu gồm TCI (1 tỷ đồng), HHV (756 triệu đồng), ACV (550 triệu đồng),....