|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Tuần 18 - 22/10: Khối ngoại bán ròng hơn 3.265 tỷ đồng tại HOSE, tập trung xả cổ phiếu thép và bất động sản

20:17 | 23/10/2021
Chia sẻ
Trong tuần VN-Index giảm nhẹ trước ngưỡng cản, khối ngoại gia tăng quy mô rút ròng tại HOSE lên ngưỡng 3.265 tỷ đồng, tập trung ngay trước phiên đáo hạn hợp đồng tương lai. Tâm điểm giao dịch thuộc về nhóm thép và bất động sản, với điểm tích cực là quy mô xả ròng cổ phiếu HPG đã giảm đáng kể trong phiên cuối tuần.

Thị trường giằng co trước ngưỡng cản, khối ngoại tập trung chốt lời trước phiên đáo hạn hợp đồng tương lai

Sau diễn biến tích cực trong tuần trước, sự giằng co giữa bên mua và bên bán khi tiến gần đến ngưỡng 1.400 đã khiến chỉ số chỉ dao động đi ngang trong 3 phiên đầu tuần. Tuy vậy, áp lực chốt lời ngắn hạn trong phiên đáo hạn hợp đồng tương lai (21/10) khiến chỉ số có một nhịp rơi gần 18 điểm nhưng nhanh chóng hồi phục sát mốc 1.385 điểm.

Trong phiên cuối tuần, VN-Index một lần nữa tiến sát ngưỡng 1.390 điểm, tuy vẫn kết tuần giảm nhẹ so với cuối tuần trước khi mất đi 3,46 điểm tương đương 0,25% dừng lại ở mức 1.389,24 điểm.

Điểm tích cực là thanh khoản thị trường tiếp tục cải thiện với giá trị giao dịch bình quân trên sàn HOSE đạt 21.708 tỷ đồng, tăng 1,6% so với tuần trước đó và 5,95% so với mức trung bình 5 tuần gần đây.

Tuần 18 - 22/10: Khối ngoại - Ảnh 1.

Giao dịch của NĐT nước ngoài trên sàn HOSE tuần qua. (Nguồn: Thảo Bùi tổng hợp).

Thống kê giao dịch khối ngoại, xu hướng bán ròng vẫn được duy trì trong suốt 5 phiên giao dịch. Trong đó, áp lực bán được đẩy mạnh trong phiên thứ Tư (20/10) lên mức 1.363 tỷ đồng ngay trước phiên đáo hạn phái sinh. Tuy vậy sau nhiều phiên rút ròng mạnh, lực xả từ nhóm này đã giảm đáng kể trong phiên cuối tuần góp phần giúp VN-Index từng bước lấy lại mốc 1.390 điểm.

Tại HOSE: Khối ngoại chốt lời nhóm thép, bất động sản nhưng mua ròng VNM và chứng chỉ quỹ

Tại HOSE, khối ngoại mua vào với giá trị 6.579 tỷ đồng, đồng thời bán ra với giá trị 9.844 tỷ đồng. Quy mô mua vào giảm, trong khi chiều bán gia tăng đưa giá trị bán ròng tăng mạnh lên mức 3.265 tỷ đồng, trong đó bán qua khớp lệnh là 3.668 tỷ đồng.

Thống kê theo nhóm ngành, các cổ phiếu nhóm bất động sản chịu áp lực chốt lời mạnh nhất từ khối ngoại trong tuần qua với giá trị bán ròng đạt 1.642 tỷ đồng, trong khi tuần trước đó chỉ bán ròng 9,1 tỷ đồng. Tuy vậy, lực cầu đối ứng từ các nhóm nhà đầu tư còn lại trên thị trường giúp chỉ số giá chung của nhóm này vẫn tăng tích cực.

Nối tiếp, lực xả được đẩy mạnh ở nhóm tài nguyên cơ bản với tâm điểm là các cổ phiếu thép (1.132 tỷ đồng). Bên cạnh đó, khối ngoại cũng tập trung xả ròng hhai nhóm vốn hóa lớn gồm ngân hàng (553 tỷ đồng) và dịch vụ tài chính (410 tỷ đồng).

Mặc dù quy mô bán ròng tại các nhóm ngành nhìn chung tăng mạnh, nhóm thực phẩm và đồ uống bất ngờ trở lại thu hút hơn 320 tỷ đồng sau tuần bán mạnh trước đó. Kế tiếp, lực cầu nhẹ hơn xuất hiện tại các nhóm hóa chất (75 tỷ đồng), y tế (55,6 tỷ đồng), du lịch và giải trí (40,7 tỷ đồng)...

Tuần 18 - 22/10: Khối ngoại - Ảnh 2.

Nguồn: Thảo Bùi tổng hợp.

Xét giao dịch cụ thể, cổ phiếu HPG của Tập đoàn Hòa Phát có tuần thứ 3 liên tiếp dẫn đầu tại chiều bán ròng với tổng giá trị 1.017 tỷ đồng, tăng gần ba lần so với tuần trước và tập trung trong phiên đáo hạn hợp đồng tương lai. Tuy vậy, điểm tích cực là lực xả đã giảm đáng kể trong phiên cuối tuần khi mã này chỉ còn bị bán ròng hơn 30 tỷ đồng.

Chuyển biến tích cực từ các nhà đầu tư ngoại xuất hiện sau khi "vua thép" báo lãi thuần quý III đạt mức kỷ lục 10.350 tỷ đồng, là quý ghi nhận kết quả cao nhất trong lịch sử và vượt xa kỳ vọng của giới phân tích.

Nối tiếp, cổ phiếu NLG của CTCP Đầu tư Nam Long xếp vị trí thứ hai về giá trị rút ròng với 528 tỷ đồng. Dịch COVID-19 trong quý III ảnh hưởng đến tiến độ nghiệm thu và bàn giao dự án khiến doanh thu quý III của doanh nghiệp bất động sản này giảm 76% so với cùng kỳ. Tuy vậy, công ty vẫn lãi gấp 10 cùng kỳ nhờ vào doanh thu tài chính tăng đột biến.

Bên cạnh NLG, khối ngoại duy trì bán ròng nhiều cổ phiếu nhóm bất động sản, trong đó phải kể đến VHM (295 tỷ đồng), NVL (253 tỷ đồng), VIC (246 tỷ đồng), KBC (236 tỷ đồng), DXG (121 tỷ đồng).

Ngược lại, tại chiều mua, cổ phiếu VNM của CTCP Sữa Việt Nam (Vinamilk) là mã thu hút lực cầu lớn nhất lên tới 344 tỷ đồng. Trong tuần, cổ đông lớn Platinum Victory đã đăng ký mua vào gần 20,9 triệu cổ phiếu VNM từ ngày 27/10 sau khi không hoàn thành giao dịch trước đó do điều kiện thị trường không phù hợp. Theo sau, "ông lớn" ngành bán lẻ là MWG cũng được mua ròng 193 tỷ đồng.

Cùng chiều, dòng vốn ngoại có xu hướng tập trung giao dịch các chứng chỉ quỹ ETF khi mua ròng lần lượt FUESSVFL (193 tỷ đồng), FUEVFVND (60 tỷ đồng) và E1VFVN30 (60 tỷ đồng).

Tại HNX: Tâm điểm xả ròng TNG, NRC

Diễn biến tương tự, khối ngoại duy trì xu hướng bán ròng tại HNX khi mua vào với giá trị 80,61 tỷ đồng nhưng bán ra với giá trị 169,32 tỷ đồng, qua đó tiếp tục bán ròng với quy mô 88,71 tỷ đồng.

Dẫn đầu tại chiều bán, lực xả hơn 41,5 tỷ đồng cổ phiếu TNG của CTCP Đầu tư và Thương mại TNG khiến mã này giảm 1,89% giá trị trong tuần qua. Theo sau, cổ phiếu NRC của CTCP Tập Đoàn Danh Khôi cũng tập trung 30 tỷ đồng giá trị rút ròng.

Tuần 18 - 22/10: Khối ngoại - Ảnh 3.

Nguồn: Thảo Bùi tổng hợp.

Ở chiều mua, cổ phiếu PVI của Bảo hiểm Dầu khí Việt Nam có tuần thứ 3 liên tiếp thu hút lực cầu, với quy mô mua ròng 18,7 tỷ đồng. Kế tiếp, nhóm này duy trì mua ròng nhẹ hơn tại NDN (3,5 tỷ đồng), CEO (2,5 tỷ đồng), PSD (2 tỷ đồng), NBC (1,6 tỷ đồng)....

Thị trường UPCoM: Chiều bán chiếm ưu thế

Đồng thuận với thị trường chung, nhà đầu tư ngoại bán ròng hơn 108,6 tỷ đồng tại thị trường UPCoM, tập trung ở nhóm cổ phiếu vận tải và công nghiệp nặng.

Với lực xả tăng hơn 2,6 lần so với tuần trước, cổ phiếu VTP của Viettel Post trở thành mã bị bán ròng nhiều nhất 48,9 tỷ đồng. Khối ngoại cũng bán ròng hơn 35 tỷ đồng mã VEA của VEAM Corp, theo sau xả nhẹ hơn các mã QNS (14,1 tỷ đồng), NTC (12 tỷ đồng), ABI (9,9 tỷ đồng)...

Tuần 18 - 22/10: Khối ngoại - Ảnh 4.

Nguồn: Thảo Bùi tổng hợp.

Trở lại chiều mua, giao dịch có phần ảm đạm khi danh mục mua ròng không xuất hiện cổ phiếu nào thu hút trên 10 tỷ đồng vốn ngoại. Một số cổ phiếu tập trung lực mua ròng lần lượt là CTR (5,3 tỷ đồng), TVN (3,2 tỷ đồng), VGG (2,9 tỷ đồng)....

Thảo Bùi