|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Phiên 11/5: Bán mạnh phiên ATC, khối ngoại đảo chiều rút vốn phiên VN-Index lấy lại mốc 1.300 điểm

15:56 | 11/05/2022
Chia sẻ
Trong phiên VN-Index thành công lấy lại mốc 1.300 điểm, khối ngoại đảo chiều bán ròng gần trăm tỷ đồng, tương đương khối lượng gần 5,3 triệu đơn vị. Trong đó, hoạt động rút vốn chủ yếu ghi nhận trong phiên ATC, dù trước đó họ mua bán khá cân bằng.

Thị trường chứng khoán lại chứng kiến thêm một phiên đảo ngược tình thế với diễn biến "sáng nắng, chiều mưa". Dù vậy, diễn biến hồi phục phiên thứ hai liên tiếp để ngỏ kỳ vọng VN-Index đã tạo đáy và diễn biến tích cực hơn sẽ đến với thị trường trong các phiên tới đây.

Đóng cửa, VN-Index tăng 7,97 điểm (0,62%) lên 1.301,53 điểm, HNX-Index tăng 3,02 điểm (0,92%) đạt 333,04 điểm, UPCoM-Index giảm 0,27 điểm (0,27%) về 98,79 điểm. 

Thanh khoản thị trường giảm mạnh so với phiên trước, một phần đến từ tâm lý lưỡng lự của nhà đầu tư chưa dám mạnh tay giải ngân sau phiên phục hồi hôm qua. Tổng giá trị khớp lệnh đạt 13.049 tỷ đồng, trong đó, giá trị khớp lệnh riêng sàn HOSE vỏn vẹn 11.520 tỷ đồng, giảm 35% so với phiên trước đó. 

Giao dịch tại HOSE, khối ngoại đảo chiều bán ròng gần trăm tỷ đồng, tương đương khối lượng gần 5,3 triệu đơn vị sau 2 phiên mua gom liên tiếp. Trong đó, hoạt động rút vốn chủ yếu ghi nhận trong phiên ATC, dù trước đó họ mua bán khá cân bằng.

Quan sát giao dịch theo nhóm ngành, NĐT nước ngoài này duy trì mua gom cổ phiếu nhóm hóa chất trong khi tập trung rút vốn khỏi nhóm sản xuất thực phẩm, dịch vụ tài chính, bán lẻ, xây dựng,…

 Nguồn: Thảo Bùi tổng hợp. 

Tại chiều bán, cổ phiếu VNM của bị bán ròng nhiều nhất với quy mô 70,2 tỷ đồng. Ngay sau đó, dòng tiền ngoại tiếp đà rút mạnh khỏi chứng chỉ quỹ E1VFVN30 với giá trị 54,2 tỷ đồng.

Cùng chiều, khối ngoại tiếp tục bán ròng 47,9 tỷ đồng cổ phiếu DXG của Tập đoàn Đất Xanh, đây cũng là mã duy nhất ghi nhận tăng điểm trong Top10 bán ròng. Dòng tiền còn rút khỏi các bluechips như MSN, PLX, NVL với giá trị 21 - 31 tỷ đồng.

Ngoài ra, hoạt động rút vốn còn được chứng kiến ở các cổ phiếu DGW, PET, FCN, LHG với giá trị thấp hơn.

 Nguồn: Thảo Bùi tổng hợp.

Trở lại chiều mua, tương tự những phiên trước, cổ phiếu nhóm phân bón, hóa chất tiếp tục được dòng tiền ngoại để mắt đến. Điểm khác biệt là mã được mua ròng nhiều nhất là DPM thay vì DGC như phiên trước đó.

Nối tiếp, top10 mã được mua ròng nhiều nhất của khối ngoại còn có sự xuất hiện của nhóm nhà băng như CTG (49,3 tỷ đồng), STB (18,3 tỷ đồng).

Dòng tiền ngoại cũng tìm đến hai đại diện của các doanh nghiệp bất động sản như VHM (33,5 tỷ đồng), NLG (20,1 tỷ đồng), VIC (17,3 tỷ đồng), DCM (12,9 tỷ đồng).

Nguồn: Thảo Bùi tổng hợp.

Trên sàn HNX, tương quan giữa chiều mua bán được thu hẹp và chuyển hướng tích cực khi nhà đầu tư ngoại mua ròng gần 4 tỷ đồng, tương đương 221.400 đơn vị.

Giao dịch ở chiều mua, khối ngoại tiếp tục mua gom 6,5 tỷ đồng cổ phiếu PVS của Tổng CTCP Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam, trước khi tiếp tục mua gom IDV (260 triệu đồng) và PVI (167 triệu đồng). Danh mục mua chủ yếu có sự góp mặt của IVS, CEO, APS, VKC,…

Tại chiều bán, lực xả ở cổ phiếu THD của Thaiholdings vẫn chưa dừng lại. Mã này bị bán ròng 1,4 tỷ đồng. Theo sau, áp lực rút ròng nhẹ hơn cũng tìm đến PSD, LHC, BCC, PTI, PVG, SHS với giá trị chưa đến 1 tỷ đồng.

Tương tự những phiên trước, tại UPCoM, khối ngoại tiếp đà mua ròng, dù quy mô giải ngân giảm xuống gần 4,6 tỷ đồng, tương ứng rót vốn ròng vào 346.700 đơn vị cổ phiếu.

Ở chiều mua, hoạt động giải ngân của NĐT nước ngoài tập trung ở QTP (7,9 tỷ đồng) và VEA (1,3 tỷ đồng). Theo sau, giao dịch cùng chiều cũng được ghi nhận tại SIP, MCH, CSI, AAS.

Trái lại, mã QNS tiếp tục dẫn đầu Top bán ròng với 5,8 tỷ đồng. Đây cũng là mã duy nhất bị rút ròng hơn 1 tỷ đồng trên UPCoM. Cùng chiều, lực bán lần lượt tìm đến các cổ phiếu SID (576 triệu đồng), MFS (453 triệu đồng), ACV (405 triệu đồng),…

Thảo Bùi

Nhìn lại ngành chứng khoán Việt Nam sau 24 năm qua các làn sóng M&A (Phần 2)
Làn sóng M&A thứ nhất ngành chứng khoán Việt Nam sớm kết thúc và để lại kết quả không mấy khả quan, các tổ chức quốc tế lần lượt rời đi. Làn sóng M&A mới nổ ra với mô hình thâu tóm toàn bộ cổ phần, “thay tên đổi họ” với sự gia nhập của các tập đoàn Hàn Quốc và những định chế trong nước.