|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Chủ tịch Quốc hội: 'Thị trường chứng khoán gần đây quá bất thường'

14:19 | 11/05/2022
Chia sẻ
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đặt vấn đề, thị trường chứng khoán "sáng mưa, chiều nắng", "bất thường, không ngày nào ổn định thì các đồng chí thấy có yên tâm không?"

Phát biểu tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 11/5 liên quan vấn đề thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh thị trường chứng khoán gần đây "quá bất thường".

Ông dẫn chứng ngày 9/5 thị trường "đỏ lửa" khi giảm gần 60 điểm, tương đương 4,4%. Tới phiên sáng 10/5 toàn thị trường giảm 36 điểm, nhưng tới chiều lại đảo chiều tăng 24 điểm nhờ dòng tiền giải ngân vào các mã vốn hóa lớn.

Chủ tịch Quốc hội đặt vấn đề, thị trường chứng khoán "sáng mưa, chiều nắng", "bất thường, không ngày nào ổn định thì các đồng chí thấy có yên tâm không?"

 

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 11/5. (Ảnh: Doãn Tấn).

 

Đề cập đến thị trường trái phiếu doanh nghiệp, Chủ tịch Quốc hội cho biết năm ngoái chúng ta để thị trường "quá nóng" và đề nghị cần dẫn số liệu tổng số trái phiếu phát hành là bao nhiêu, trong đó bất động sản là bao nhiêu, nợ đến hạn là bao nhiêu, đến hạn mà không có khả năng thanh toán là bao nhiêu; vì sao để thị trường trái phiếu doanh nghiệp quá nóng như vậy? Nếu nghị định về lĩnh vực này không chặt chẽ thì ai chịu trách nhiệm?

"Nghị định vừa ban hành mà các đồng chí đã nói không chặt chẽ, sơ hở thì ai chịu trách nhiệm chỗ này? Đừng có đổ thừa cho khách quan. Lỗi chủ quan thì phải quy trách nhiệm chỗ này. Cơ quan nào, ai chịu trách nhiệm chuyện này chứ không nói chung chung được", Chủ tịch Quốc hội yêu cầu.

Nêu ý kiến giải trình, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cho biết, thị trường vốn (cổ phiếu, trái phiếu), thị trường tiền tệ và thị trường bất động sản là "liên thông nhau". Trong đó, thị trường bất động sản hiện chưa tiếp cận đến cung thật sự, cầu thật sự và cung - cầu hiện nay không thực tế và việc đầu cơ, mua bán găm giữ, vốn chảy vào đây còn nhiều vấn đề, kể cả thị trường vốn, kể cả thị trường tiền tệ.

"Đây là bất cập rất lớn", Phó Thủ tướng nói và cho hay, Chính phủ đã đánh giá, chỉ đạo các bộ, ngành để làm sao kiểm soát được thị trường. Vì nếu không sẽ ảnh hưởng tới vĩ mô, đặc biệt là kiểm soát lạm phát sẽ bị ảnh hưởng rất lớn.

Ông cũng thông tin thêm, Chính phủ đã giao Bộ Tài chính xin ý kiến Bộ Tư pháp thẩm định để sửa nghị định 153 quy định về phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ.

Đồng thời, trong lúc chưa sửa được nghị định thì giao Bộ Tài chính theo dõi sát tình hình, đặc biệt báo cáo đầy đủ tổng lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp cũng như thị trường tiền tệ cho vay của bất động sản với những khoản nào tới hạn và với trái phiếu phát hành mới thì rà soát, đánh giá rủi ro để kiểm soát tốt nhất trong lúc chưa hoàn thiện thể chế để phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh, thị trường vốn rất quan trọng, là kênh dẫn vốn trung và dài hạn. Vì vậy, Chính phủ sẽ cố gắng để kiểm soát để phát triển tốt thị trường này.

Thu Thảo

Nhìn lại ngành chứng khoán Việt Nam sau 24 năm qua các làn sóng M&A (Phần 2)
Làn sóng M&A thứ nhất ngành chứng khoán Việt Nam sớm kết thúc và để lại kết quả không mấy khả quan, các tổ chức quốc tế lần lượt rời đi. Làn sóng M&A mới nổ ra với mô hình thâu tóm toàn bộ cổ phần, “thay tên đổi họ” với sự gia nhập của các tập đoàn Hàn Quốc và những định chế trong nước.