|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Giám đốc SSI Research: Khối ngoại làm trụ đỡ giai đoạn giảm điểm nhưng động lực chính của thị trường vẫn phải là NĐT trong nước

07:05 | 11/05/2022
Chia sẻ
Thị trường chứng khoán Việt Nam đang trong nhịp điều chỉnh mạnh nhất kể từ thời điểm bắt đầu chu kỳ tăng giá. Để nhà đầu tư có thêm góc nhìn thị trường và chiến lược giao dịch trong giai đoạn này, phóng viên đã có cuộc phỏng vấn bà Hoàng Việt Phương, Giám đốc Trung tâm Phân tích và Tư vấn Đầu tư CTCP Chứng khoán SSI (SSI Research).

 Bà Hoàng Việt Phương, Giám đốc SSI Research. Ảnh: SSI.

PV: Nhiều ý kiến cho rằng mức P/E ở vùng hấp dẫn cho chiến lược đầu tư dài hạn. Bà bình luận thế nào về quan điểm trên?

Bà Hoàng Việt Phương: Theo ước tính của SSI, P/E của thị trường dựa vào ước tính lợi nhuận 2022 đang ở mức khoảng 13 lần, so với các thị trường khác trong khu vực là mức hấp dẫn. Tuy nhiên, cũng cần đánh giá P/E trong bối cảnh các giai đoạn chính sách tiền tệ khác nhau.

Trong giai đoạn “tiền rẻ”, P/E của thị trường có thể được đẩy lên cao hơn do thanh khoản dồi dào, còn hiện tại thị trường đã bắt đầu phản ánh việc thắt chặt tiền tệ thì mức P/E kì vọng của thị trường cũng có thể sẽ xuống mức thấp hơn trước đó.

Trong quá khứ (2010 tới nay), P/E của thị trường dao động quanh mức và trung vị đạt 14 lần. Do đó, chúng tôi cho rằng mức P/E hiện tại của thị trường là tương đối hấp dẫn.

PV: Thị trường dò đáy, thanh khoản “tụt áp” rất mạnh. Theo bà, diễn biến này đang gửi đi thông điệp gì tới nhà đầu tư?

Bà Hoàng Việt Phương: Trong ngắn hạn, thanh khoản duy trì ở mức thấp khi bên chờ bán chưa chấp nhận vùng giá hiện tại để thực hiện cơ cấu danh mục trong khi bên chờ mua cũng đang thận trọng sau nhịp biến động.

Về dài hạn, có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến thanh khoản và dòng tiền ra vào thị trường, trong đó có những yếu tố liên quan đến triển vọng và rủi ro vĩ mô như lãi suất tăng/giảm, dòng tiền tìm đến cơ hội từ sản xuất kinh doanh do việc mở cửa trở lại hoặc việc lo ngại rủi ro khiến trạng thái của nhà đầu tư có xu hướng chuyển từ “risk on” chuyển sang “risk off”.

Nghĩa là trước đây NĐT có xu hướng đổ tiền vào các tài sản rủi ro cao như cổ phiếu, nhưng giờ họ có thể ưu tiên chuyển sang các loại tài sản an toàn hơn hoặc giữ tiền và chọn lọc cơ hội kỹ hơn.

PV: Với những NĐT còn đang nắm giữ tỷ trọng cổ phiếu cao, bà khuyến nghị nên hành động như thế nào?

Bà Hoàng Việt Phương: Việc tái cơ cấu danh mục là việc luôn luôn nên làm ở các trạng thái thị trường khác nhau, nhưng rất quan trọng khi thị trường giảm. Hành động tái cơ cấu cụ thể thế nào phụ thuộc vào trạng thái thị trường và cổ phiếu NĐT đang nắm giữ - liệu đó có phải cổ phiếu có khả năng hồi phục mạnh hay không hay có thể có những rủi ro gì khi tiếp tục nắm giữ cổ phiếu.

Khi thị trường đang ở xu hướng giảm, NĐT nên giảm tỷ lệ margin và duy trì một tỷ lệ tiền mặt hợp lý. Mặt khác, NĐT sẽ có cơ hội mua thêm các cổ phiếu cơ bản tốt ở mức giá chiết khấu, và có thể tham khảo thêm phương pháp phân tích kỹ thuật để xác định thời điểm mua và giá mua hợp lý.

PV: Sau giai đoạn điều chỉnh sâu, sóng hồi có thể xuất hiện, song việc VN-Index có thể trở lại vùng đỉnh cũ không vẫn còn là dấu hỏi. Nếu có niềm tin nắm giữ cổ phiếu, động lực của thị trường trong quý II và nửa cuối năm sẽ là gì, thưa bà?

Bà Hoàng Việt Phương: Nhìn về dài hạn các yếu tố vĩ mô cho nửa cuối năm vẫn thuận lợi như tốc độ tăng trưởng GDP dự kiến cao hơn nửa đầu năm, hay giải ngân đầu tư công mạnh hơn… Đối với thị trường chứng khoán, có thể dòng tiền từ NĐT nước ngoài sẽ đóng vai trò như một trụ đỡ cho giai đoạn giảm điểm.

Tuy nhiên động lực chính vẫn phải đến từ các NĐT trong nước, khi mà tâm lý lo ngại về thanh khoản, dòng tiền cũng như tác động của chính sách tới thị trường vốn (cổ phiếu, trái phiếu doanh nghiệp) được giải tỏa.

PV: Qua quan sát kết quả kinh doanh quý I, bà có gợi ý ngành, lĩnh vực đầu tư tiềm năng giai đoạn tới?

Bà Hoàng Việt Phương: Tính đến thời điểm hiện tại, tăng trưởng lợi nhuận sau thuế của các doanh nghiệp niêm yết đạt mức 31,5% trong Q1, là mức chúng tôi cho rằng rất tích cực khi nền kinh tế mở cửa trở lại.

Trong các quý tiếp theo, chúng tôi cho rằng tăng trưởng sẽ có sự phân hóa, các nhóm ngành kì vọng tăng trưởng lợi nhuận tiếp tục mạnh có thể kể đến như hóa chất & phân bón, công nghiệp (cảng, vận tải biển), xuất khẩu (thủy sản, một số công ty dệt may), hàng cá nhân và gia dụng, điện nước và khí đốt…

Xin cảm ơn bà trả lời phỏng vấn!

Lợi Hoàng

Nhìn lại ngành chứng khoán Việt Nam sau 24 năm qua các làn sóng M&A (Phần 2)
Làn sóng M&A thứ nhất ngành chứng khoán Việt Nam sớm kết thúc và để lại kết quả không mấy khả quan, các tổ chức quốc tế lần lượt rời đi. Làn sóng M&A mới nổ ra với mô hình thâu tóm toàn bộ cổ phần, “thay tên đổi họ” với sự gia nhập của các tập đoàn Hàn Quốc và những định chế trong nước.