|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Phe Trump tập hợp đủ đồng minh để thách thức cuộc kiểm phiếu đại cử tri

08:33 | 31/12/2020
Chia sẻ
Những người ủng hộ ông Trump hiện đã có đủ số nghị sĩ cần thiết ở Thượng viện lẫn Hạ viện nhằm buộc Quốc hội tranh luận về số phiếu bầu đại cử tri dành cho ông Biden.
Phe Trump tập hợp đủ đồng minh để thách thức cuộc kiểm phiếu đại cử tri tại Quốc hội - Ảnh 1.

Thượng nghị sĩ Josh Hawley. (Ảnh: AP).

Hôm 30/12, Thượng nghị sĩ Josh Hawly thông báo ông sẽ phản đối việc chứng nhận số phiếu bầu cử tri đoàn dành cho ông Biden khi Quốc hội họp ngày 6/1.

Sự phản đối từ ông Hawley cùng với các thành viên của Hạ viện sẽ buộc Quốc hội phải tổ chức cuộc tranh luận dù không có bằng chứng xác đáng nào về gian lận phiếu bầu tràn lan.

Ông Hawley cho biết: "Tôi không thể chứng nhận kết quả phiếu bầu đại cử tri vào ngày 6/1 mà không nêu ra thực tế là một số bang đã không tuân theo luật bầu cử, đặc biệt là Pennsylvania".

"Tôi cũng không thể chứng nhận mà không chỉ ra nỗ lực lớn chưa từng có của các tập đoàn siêu lớn, bao gồm Facebook và Twitter, để can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống nhằm ủng hộ Joe Biden".

Cho đến nay Tổng thống Trump vẫn chưa chấp nhận thất bại, liên tục gieo rắc cáo buộc gian lận phiếu bầu và kêu gọi người ủng hộ tiếp tục chiến đấu. Trên Facebook và Twitter cá nhân, ông Trump đã nhiều lần đăng dòng thông báo kêu gọi người ủng hộ chú ý vào ngày kiểm phiếu 6/1, ngụ ý có thể sẽ có bất ngờ xảy ra.

Tại Hạ viện, nghị sĩ Mo Brooks đang dẫn đầu một nhóm nhà lập pháp để nỗ lực giành lấy chiến thắng cho ông Trump, Bloomberg cho biết. Ông Brooks cảm ơn Thượng nghị sĩ Hawley vì "đã đứng lên và làm điều đúng đắn để đảm bảo Mỹ tiếp tục là quốc gia vĩ đại nhất thế giới".

Ông Hawley chưa quyết định liệu có phản đối kết quả bỏ phiếu của bang nào ngoài Pennsylvania hay không. Ông cũng không chắc sẽ có thêm đồng minh từ Thượng viện.

Thượng nghị sĩ Ron Johnson của Đảng Cộng hòa "ủng hộ" quyết định của người đồng nghiệp nhưng không cam kết sẽ tham gia cùng ông Hawley: "Chỉ một người phản đối là đủ".

Khi có ý kiến phản đối từ ít nhất một thượng nghị sĩ và một hạ nghị sĩ về kết quả bầu cử của một bang, lưỡng viện Quốc hội sẽ tách ra và tranh luận trong hai giờ. Sau đó các nhà lập pháp sẽ bỏ phiếu tán thành hoặc phủ quyết số phiếu đại cử tri của bang đó. Nếu người ủng hộ ông Trump phản đối kết quả bỏ phiếu nhiều bang, quy trình trên có thể sẽ bị kéo dài khá lâu.

Cầm chắc thất bại

Lãnh đạo Đảng Cộng hòa tại Thượng viện Mitch McConnell đã cảnh báo các thành viên cùng đảng tránh gây lộn xộn và không phản đối phiếu bầu đại cử tri.

Tuần trước Thượng nghị sĩ John Thune, người có quyền lực lớn thứ hai của Đảng Cộng hòa tại Thượng viện cũng nói rằng nỗ lực phản đối chứng nhận kết quả phiếu bầu của cử tri đoàn "sẽ đổ gục như con chó bị bắn hạ". Ông khuyên những đảng viên Cộng hòa dự định tham gia vào kế hoạch phản đối hãy suy nghĩ lại.

Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi khẳng định sự phản đối từ một nhóm nhỏ đảng viên Cộng hòa sẽ không thể thay đổi kết quả tất yếu: "Tôi chắc chắn rằng thứ Tư tuần tới (6/1), Joe Biden sẽ được xác nhận là tổng thống thứ 46 của Mỹ với việc Quốc hội chứng nhận phiếu bầu đại cử tri".

Giới chuyên gia luật bầu cử nhận định mọi nỗ lực lật lại chiến thắng của ông Biden vào ngày 6/1 gần như cầm chắc thất bại. Hạ viện thuộc quyền kiểm soát của Đảng Dân chủ, vì vậy bất kì phản đối nào cũng sẽ bị bác bỏ tại đây. Tại Thượng viện, số nghị sĩ đã công nhận chiến thắng của ông Biden cũng đủ để vượt qua các ý kiến phản đối.

Chính ông Biden, trên cương vị phó tổng thống Mỹ, là người thông báo chiến thắng phiếu bầu đại cử tri của ông Trump hồi năm 2017. Giờ đây đến lượt đồng minh trung thành của ông Trump, Phó Tổng thống Mike Pence đảm nhận nhiệm vụ không mấy dễ chịu này.

Hạ nghị sĩ Louie Gohmert đã khởi kiện Phó Tổng thống Pence nhằm buộc ông bác bỏ các đại cử tri hợp pháp và thay vào đó lựa chọn nhóm "cử tri thay thế" được đề cử bởi Đảng Cộng hòa. Các học giả pháp lý nhận định vụ kiện của ông Gohmert là hoàn toàn vô vọng.

Giang