COVID-19 cho thấy Amazon cần thiết, nhưng cũng dễ tổn thương
Mùa hè năm 1995, Jeff Bezos vẫn đang cùng vợ làm công việc đóng gói bìa sách ở một tầng hầm. Chỉ 25 năm sau, cùng là người đó bây giờ đã thành ông trùm quyền lực nhất thế kỉ 21, nhận lời khen từ huyền thoại đầu tư Warren Buffett, thậm chí tài trợ cho các sứ mệnh không gian và làm báo chí.
Amazon từ một công ty bán sách đã thành một đế chế công nghệ trị giá 1,3 nghìn tỉ USD, được đông đảo người tiêu dùng ưa chuộng, đưuọc giới chính trị gia người thích người ghét, giới đầu tư ao ước sở hữu và hầu như không có đối thủ cạnh tranh "xứng tầm".
Như diều gặp gió, đại dịch COVID-19 đã tạo đà thúc đẩy cho làn sóng thương mại điện tử lớn hơn bao giờ hết, củng cố tầm quan trọng của Amazon tại các thị trường hàng đầu thế giới như Mỹ và châu Âu. Rõ ràng, Jeff Bezos và Amazon đứng trong hàng ngũ những doanh nghiệp hưởng lợi lớn nhất từ dịch COVID-19 tính đến thời điểm hiện tại.
Nhu cầu lớn đến mức Amazon đã phải tuyển dụng thêm 175.000 nhân viên và tăng lương trung bình 2 USD/ giờ cho mỗi người trong khi hàng loạt các doanh nghiệp lớn khác phải giảm nhân sự.
Tuy nhiên, thách thức luôn đi kèm với cơ hội, tỉ phú Bezos đã buộc phải gạt các thú vui của bản thân sang một bên và trở lại quản lí công việc kinh doanh.
Sự bùng nổ của Amazon giữa COVID-19
Mọi thứ bắt đầu khi làn sóng tích trữ hàng hóa diễn ra, khiến người dân bắt đầu tìm kiếm các nguồn cung hàng thiết yếu khác. Có nơi nào phù hợp với bối cảnh dịch bệnh lây lan mất kiểm soát, cách li và cuối cùng phong tỏa ngoài thương mại trực tuyến nữa chứ?
Thực vậy, doanh số bán hàng quí I của Amazon đã tăng 26% so với năm ngoái. Hai đối thủ lớn của Jeff Bezos tại Mỹ là ebay và Costco cũng chứng kiến các hoạt động mua hàng trực tuyến tăng mạnh trong tháng 5.
Với nhu cầu tăng mạnh, cuộc tranh giành nguồn lực nhằm đáp ứng nhu cầu tăng lên của khách hàng đã nổ ra vào giữa đỉnh điểm dịch COVID-19 với Amazon là "tay chơi" chịu chi nhất.
Theo The Economist, thời gian đó Bezos đã ra qui định kiểm tra hàng tồn kho mỗi ngày một lần và tuyển mới 175.000 nhân viên, cung cấp khẩu trang và 34 triệu găng tay cho nhân viên. Ngoài ra, Amazon cũng đã thuê thêm 12 máy bay chở hàng mới, đưa đội máy bay vận chuyển của hãng lên 82 chiếc.
Ngoài sự gia tăng mạnh mẽ trên sàn thương mại điện tử, cơ sở hạ tầng điện toán đám mây và các hệ thống thanh toán cũng tăng vọt. AWS – hệ thống điện toán đám mây của Amazon đã ghi nhận doanh số quí I tăng 33%.
Ban đầu giới đầu tư khá hoài nghi với "độ bền" của sự gia tăng trong các dịch vụ trực tuyến, nhất là khi các nền kinh tế bắt đầu mở cửa trở lại. Tình trạng dịch bệnh COVID-19 chưa có dấu hiệu chững lại cho thấy nỗi lo ấy không cần thiết, và làn sóng bùng nổ các hoạt động thương mại điện tử sẽ còn kéo dài nữa.
Thực tế cho thấy, một đội ngũ khách hàng mới đã gia nhập thị trường thương mại điện tử trong đỉnh điểm dịch bệnh, và con số này sẽ còn tăng với các nhóm khách hàng truyền thống hơn. Tại Mỹ, nhóm khách hàng ở độ tuổi từ 60 đã bắt đầu lập các tài khoản thanh toán trực tuyến, cho thấy làn sóng đã tác động tới cả những đối tượng vốn được cho là khó tiếp cận nhất.
Trong khi đó, hàng loạt các nhà bán lẻ truyền thống chịu ảnh hưởng nặng nề từ giai đoạn phong tỏa kéo dài, hàng chục doanh nghiệp rơi vào tình trạng phá sản - như hai chuỗi bán lẻ J Crew và chuỗi bách hóa xa xỉ Neiman Marcus tại Mỹ.
Mặt khác, giá cổ phiếu của các công ty thương mại điện tử đã vượt cổ phiếu của các trung tâm mua sắm đến 48%.
Tất cả các yếu tố này có vẻ như đang vẽ nên bức tranh thực tế giống với tầm hình mà tỉ phú Jeff Bezos từng hứa hẹn với các cổ đông trong nhiều năm qua. Bezos nhận định rằng Amazon sẽ luôn ở trong một vòng tròn phát triển không hồi kết, thông qua việc chi tiền giành thị phần và mở rộng sang các ngành công nghiệp có liên quan.
Với định hướng này, sự mở rộng của Amazon giữa cơn dịch chuyển số hóa là không thể chối cãi, ít nhất là đối với những nhà đầu tư lão làng ở Phố Wall, nơi giá cổ phiếu đã tăng lên một mức kỉ lục chưa từng có mới chỉ trong tuần trước (17/6).
Song, mặc dù hiện tại là thời điểm tốt hơn bao giờ hết để mở rộng hoạt động và tầm ảnh hưởng, doanh nghiệp có giá trị lớn thứ 4 thế giới này phải đối mặt vô số thách thức.
Các vấn đề còn tồn đọng
Tuy nhiên, con đường rộng mở cho Amazon không có nghĩa là công ty và Jeff Bezos có thể giữ mãi thế độc tôn. Khác với vị thế gần như độc quyền của Google, Amazon không hề "đơn phương độc mã", đặc biệt là khi các ông lớn công nghệ khác như Facebook gia nhập sân chơi thương mại điện tử.
Năm ngoái, Amazon chiếm 40% thị phần lĩnh vực thương mại điện tử và 6% tổng doanh số bán lẻ tại Mỹ.
Ngoài ra, nền tảng thương mại điện tử này cũng đang đau đầu phân xử các chính sách cho nhà bán lẻ bên thứ ba sau nhiều cáo buộc về việc đưa ra các điều khoản chính sách ưu ái cho các sản phẩm của chính Amazon. Hay việc Amazon đã sử dụng thông tin bán hàng của các nhà bán lẻ để "tối ưu hóa" doanh số bán hàng các thương hiệu của họ, tạo nên một sân chơi không công bằng.
Đây là một thách thức quan trọng đối với Jeff Bezos khi ông phải dung hòa giữa các thương hiệu riêng nhằm giữ chân các đối tác, đảm bảo nguồn cung và sự đa dạng sản phẩm trên nền tảng của tập đoàn.
Qui mô quá lớn
Thử thách thứ hai của Amazon là qui mô hoạt động của hãng quá rộng, với định hướng mở rộng từ ngành này sang ngành khác.
Amazon đã chuyển hóa từ một công ty có ít tài sản vật lí sang sở hữu 104 tỉ USD giá trị tài sản các nhà máy và các tài sản cho thuê, không kém chuỗi siêu thị Walmart với 119 tỉ USD cơ sở vật chất.
Kết quả là, lợi nhuận của Amazon (ngoại trừ lợi nhuận từ dịch vụ kiện toán đám mây AWS) đều giảm.
Dù CEO Jeff Bezos tuyên bố rằng Amazon hoàn toàn có thể kiếm số tiền nhiều hơn tổng số các đơn vị hoạt động chỉ bằng dịch vụ thu thập phân tích dữ liệu, bán quảng cáo và áp dụng phí đăng kí hoạt động, nhưng nếu lợi nhuận từ hoạt động thương mại điện tử chính tiếp tục thiếu hiệu quả, Jeff Bezos có thể đánh mất sự tin tưởng của các nhà đầu tư.
Nhiều đối thủ mới xuất hiện
Nỗi lo lắng cuối cùng của Jeff Bezos là sự cạnh tranh. Từ lâu tỉ phú giàu nhất thế giới vẫn luôn tự tin rằng ông chỉ cần theo dõi khách hàng và không cần để mắt các đối thủ cạnh tranh, thực tế đang chứng minh điều ngược lại.
Giống như Amazon, các đối thủ cũng được "tiếp sức" bởi đại dịch COVID-19. Doanh số kênh bán hàng trực tuyến của cả ba nhà bán lẻ truyền thống hàng đầu Mỹ là Walmart, Target và Costco đều tăng gấp đôi hoặc hơn trong tháng 4.
Các nền tảng thương mại trực tuyến phổ biến khác như Shoptify, sàn MercadoLibre thống trị khu vực Mỹ Latinh, Jio ở Ấn Độ và Shopee ở khu vực Đông Nam Á, đều chứng kiến kết quả hoạt động tăng vọt. Ngoài ra, còn có các đại diện đang thống trị Trung Quốc như Alibaba, JD.com và nền tảng thương mại điện tử giá rẻ Pinduoduo.
Nhìn chung, con đường trước mắt cho doanh nghiệp đáng giá nhất thế giới thời điểm hiện tại không hề bằng phẳng, mỗi quyết định được đưa ra đều buộc Amazon đánh đổi một thứ khác.
Nếu Amazon tăng lương để xoa dịu các chính trị gia trong thời đại dân túy vì họ cho rằng Amazon hưởng lợi nhiều nhất trong giai đoạn tỉ lệ thất nghiệp tại Mỹ cao kỉ lục, họ sẽ mất lợi thế chi phí thấp. Nếu Amazon tăng giá để thỏa mãn các cổ đông, các đối thủ mới của họ sẽ giành thị phần của họ.
Sau 25 năm, tầm nhìn về một thế giới từ việc đọc sách đến bán hàng đều được số hóa của tỉ phú Jeff Bezos đang hình thành với tốc độ nhanh hơn bao giờ hết. Nhưng điều đó không có nghĩa là công việc điều hành Amazon của ông sẽ trở nên dễ dàng hơn.