|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Phát hiện có địa phương 50% xăng dầu kém chất lượng

15:47 | 29/11/2019
Chia sẻ
Ông Trần Hữu Linh, Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường, cho biết trong các đợt kiểm tra từ đầu năm 2019 đến nay, một vài tỉnh phát hiện có địa phương với 50% mẫu xăng dầu kém chất lượng.

Hàng loạt vụ gian lận buôn bán xăng dầu được phát hiện

Tại buổi tọa đàm trực tuyến: "Xăng dầu giả, thiệt hại thật" diễn ra sáng ngày 29/11, ông Trần Hữu Linh Tổng cục trưởng Tổng cục Quản thị trường, Bộ Công thương cho biết tình hình buôn lậu gian lận thương mại, qua kiểm tra xử thấy tương đối phức tạp, thủ đoạn ngày càng tinh vi gây khó khăn trong quản

ảnh_Viber_2019-11-29_14-47-16

Tọa đàm trực tuyến: "Xăng dầu giả, thiệt hại thật". Ảnh: ĐQ.

Cụ thể, tháng 10/2017 đã phát hiện vụ việc pha chế 2 triệu lít xăng giả. Gần đây nhất, lực lượng chức năng đã triệt phá đường dây pha chế xăng giả A95 và E5 bán ra thị trường, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường kinh doanh, tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ cao, gây thất thu cho nhà nước.

Thủ đoạn là lấy xăng pha với dung môi và chất tạo màu để làm giả xăng. Ngoài ra, một số thủ đoạn gian lận khác cũng được phát hiện như bán xăng dầu có chất lượng không phù hợp với qui chuẩn kĩ thuật tương ứng, bán xăng dầu lậu, tác động đến phương tiện đó làm sai kết quả. 

Có cửa hàng lợi dụng giờ cao điểm, bơm lỏng lẻo thu lợi bất chính

Từ năm 2018 trở lại đây, lực lượng quản lí thị trường đã kiểm tra xử lí nhiều vụ. Theo đó, gần 5.000 cuộc kiểm tra và xử lí vi phạm hơn 1000 điểm, tước 37 giấy phép kinh doanh... 

Địa bàn gian lận chủ yếu là một số tỉnh miền Tây Nam Bộ, Trung Bộ, lác đác một số tỉnh phía bắc.  

Đáng chú ý, ông Linh cho biết trong các đợt kiểm tra từ đầu năm 2019 đến nay tại ở một vài tỉnh phát hiện có địa phương có tới 50% mẫu xăng dầu khi kiểm tra kém chất lượng.

Theo ông Bùi Minh Tiến, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn, tổng sản lượng của nhà máy lọc dầu Dung Quất khoảng 7 triệu mét khối xăng dầu mỗi năm. Tính riêng từ đầu năm 2019 đến nay, sản lượng đạt 6,5 triệu mét khối.

Nhà máy Nghi Sơn hàng năm khoảng 8 triệu mét khối xăng dầu mỗi năm. Tính chung hai nhà máy, sản lượng đáp ứng được 80% nhu cầu cho thị trường trong nước.

Ông Nguyễn Anh Toàn, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Dầu Việt Nam (PVOil), cho biết khâu bán lẻ tiềm ẩn nhiều rủi ro gian lận nhất là bán lẻ. 

Ở thành phố lớn kiểm tra chặt thì xác xuất gian lận thấp, tuy nhiên vùng sâu xa khó quản lí hơn. Những cửa hàng uy tín thì tỉ lệ gian lận rất thấp và được người tiêu dùng tin tưởng.

Ông Toàn cho biết ngay sau vụ xăng giả Trịnh Sướng nổi lên, lượng tiêu thụ xăng dầu của PVoil tăng lên khoảng 2 - 3%. 

"Thậm chí có những đại lí đến để xin phân phối xăng dầu của PVOil tuy nhiên chúng tôi phải sàng lọc để đảm bảo những đơn vị này đáp ứng đầu đủ những qui định", ông Toàn nói.

Tuy nhiên, đại diện PVOil cũng nói thêm việc tăng này cũng chỉ trong thời gian ngắn do thói quen của người tiêu dùng, đặc biệt là những người đi xe máy vẫn thường chọn cửa hàng nào gần nhất và không quá đông để không mất nhiều thời gian chờ đợi. 

Nguồn lực kiểm soát xăng dầu giả hạn chế

Việc kiểm tra chất lượng xăng khó khăn hơn khi kinh phí hạn hẹp. Ông Trần Quốc Tuấn, Cục trưởng Cục Quản sản phẩm hàng hóa cho biết kinh phí cho mỗi mẫu kiểm tra là 10 triệu đồng. 

Trong khi trên cả nước có hơn 20.000 cửa hàng xăng dầu. Như vậy, nếu kiểm tra tất cả cửa hàng trên cả nước, kinh phí lên tới 200 tỉ đồng.

Trong khi đó, kinh phí nhà nước cấp cho việc kiểm tra cho khoảng vài tỉ đồng một năm. Ngoài ra, nguồn lực về con người cũng hạn chế, gây khó khăn cho người kiểm tra.

Đây cũng là khó khăn của đơn vị quản lí thị trường. Ông Linh cho biết do hạn chế về cơ sở vật chất, nguồn thông tin, cách thức phối hợp với nhau dẫn đến đôi khi không phát hiện kịp thời. 

Ngoài ra, xăng dầu có đặc thù riêng, không giống các loại hàng hóa khác, trong khi chờ kết quả kiểm nghiệm xăng dầu vẫn phải lưu thông, phát hiện ra thì xăng trong bồn đã hết…  Điều này gây khó khăn trong kiểm tra, kiểm soát.

H.Mĩ