|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Nhu cầu mạnh mẽ từ châu Á kéo giá dầu thô ở Trung Đông tăng vọt

08:43 | 20/02/2025
Chia sẻ
Theo công cụ phân tích Nikkei Value Search, giá dầu thô Dubai giao ngay vào thứ Ba (18/2) đạt 78 USD/thùng, tăng 8% so với cuối năm 2024. Trong khi đó, giá dầu Brent và WTI tương lai chỉ tăng khoảng 2% trong cùng kỳ.

 

Giá dầu thô Trung Đông đã tăng vọt trong năm nay khi Trung Quốc và Ấn Độ gia tăng nhu cầu từ khu vực này như một giải pháp thay thế cho dầu Nga, vốn đang chịu các lệnh trừng phạt do Mỹ dẫn đầu liên quan đến cuộc xung đột giữa Moscow và Ukraine, theo Nikkei Asia.  

Dầu thô Dubai từ Trung Đông được giao dịch phổ biến ở châu Á, dầu Brent Biển Bắc phổ biến ở châu Âu, và dầu thô West Texas Intermediate (WTI) phổ biến ở Mỹ. Ngoài sự khác biệt về hàm lượng lưu huỳnh và độ nhớt, giá dầu còn được quyết định bởi cung cầu ở từng khu vực.  

Hiện tại, giá dầu thô Trung Đông đang cao hơn dầu Brent và WTI. Theo công cụ phân tích Nikkei Value Search, giá dầu thô Dubai giao ngay vào thứ Ba (18/2) đạt 78 USD/thùng, tăng 8% so với cuối năm 2024. Trong khi đó, giá dầu Brent và WTI tương lai chỉ tăng khoảng 2% trong cùng kỳ.  

Nhu cầu đối với dầu Trung Đông đang tăng cao trên thị trường châu Á. Ngày 10/1, khi cựu Tổng thống Mỹ Joe Biden siết chặt lệnh trừng phạt kinh tế đối với Nga, Trung Quốc và Ấn Độ buộc phải tìm kiếm dầu Trung Đông để thay thế dầu Nga.  

Theo công ty nghiên cứu châu Âu Kpler, lượng dầu xuất khẩu của Arab Saudi – nhà sản xuất dầu lớn nhất Trung Đông – sang Trung Quốc và Ấn Độ đã vượt 2 triệu thùng/ngày trong các lô hàng tháng 1, tăng gần 30% so với tháng 12.  

Xuất khẩu sang Trung Quốc và Ấn Độ chiếm 37% tổng sản lượng xuất khẩu của Arab Saudi trong tháng đó, tăng từ mức 33% của tháng 1/2024. Tính đến thứ Tư, tỷ lệ này trong tháng 2 có vẻ sẽ tiếp tục tăng.  

Một số chuyên gia nhận định nhu cầu dầu Trung Đông từ Trung Quốc sẽ tiếp tục tăng. Ngày 10/2, Bắc Kinh áp thuế 10% đối với dầu thô nhập khẩu từ Mỹ như một biện pháp trả đũa.  

"Mặc dù lượng dầu Mỹ nhập vào Trung Quốc khá nhỏ, chiếm chưa đến 2% tổng lượng nhập khẩu bằng đường biển, các nhà máy lọc dầu vẫn cần tìm nguồn thay thế cho số dầu này," ông Xu Muyu, chuyên gia phân tích dầu cấp cao tại Kpler, nhận định.  

Arab Saudi có vẻ tự tin vào nhu cầu đang tăng từ châu Á. Saudi Aramco, công ty dầu khí nhà nước của nước này, đã tăng mức phí điều chỉnh đối với dầu xuất sang châu Á cho các lô hàng tháng 3, với mức tăng mạnh nhất trong khoảng ba năm qua.  

OPEC+, gồm Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và một số nhà sản xuất không thuộc OPEC như Nga, có kế hoạch giảm dần cắt giảm sản lượng tự nguyện của một số quốc gia thành viên từ tháng 4.  

"Nhu cầu mạnh mẽ từ châu Á có thể là động lực để quyết định giảm cắt giảm sản lượng," ông Takayuki Nogami, nhà kinh tế trưởng tại Tổ chức An ninh Năng lượng và Kim loại Nhật Bản, cho biết.  

Mặc dù việc thu hẹp cắt giảm sản lượng có thể khiến giá dầu giảm, nhưng OPEC+ vẫn có thể duy trì doanh thu dầu mỏ nếu khối lượng bán ra được đảm bảo. Quyết định giảm cắt giảm sản lượng đã bị trì hoãn ba lần vào năm ngoái. Các quốc gia trong khối có động lực mạnh mẽ để giành lại thị phần khi nhu cầu từ châu Á đang tăng cao.  

Ngày 12/2, Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đồng ý bắt đầu đàm phán nhằm chấm dứt căng thẳng giữa Moscow và Ukraine. Trước kỳ vọng nguồn cung dầu Nga có thể tăng trở lại, giá dầu có khả năng chịu thêm áp lực giảm nếu OPEC+ thực hiện kế hoạch nới lỏng cắt giảm sản lượng.

H.Mĩ

Sức ép giải ngân vốn đầu tư công 875.000 tỷ đồng năm 2025
Để tăng trưởng tổng sản phẩm nội địa (GDP) trên 8% trong năm 2025, nguồn lực đầu tư công được bố trí 875.000 tỷ đồng, cao hơn khoảng 84.300 tỷ đồng so với kế hoạch đã giao trước đó và cao hơn khoảng 194.300 tỷ đồng so với năm 2024.