|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Phát Đạt lỗ ròng 267 tỷ trong quý IV/2022

09:41 | 28/01/2023
Chia sẻ
Quý IV/2022, Phát Đạt chỉ ghi nhận doanh thu thuần gần 15 tỷ đồng đến từ hoạt động cung cấp dịch vụ, giảm 99% so với cùng kỳ 2021.

 

CTCP Phát triển Bất động sản Phát Đạt (Mã: PDR) đã công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2022 với doanh thu thuần gần 15 tỷ đồng, giảm 99% so với 1.229 tỷ đồng ở cùng kỳ năm trước.

Doanh thu này đến từ hoạt động cung cấp dịch vụ, còn các hoạt động chuyển nhượng đất và hàng hoá bất động sản không tạo ra doanh thu trong kỳ.

Trong khi đó, chi phí tài chính của doanh nghiệp gấp ba lần cùng kỳ năm trước, với 221 tỷ đồng. Riêng chi phí lãi vay là 140 tỷ đồng, tăng 98% và Phát Đạt còn ghi nhận thêm khoản lỗ chuyển nhượng cổ phần công ty con hơn 70 tỷ đồng.

Các chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp không có sự thay đổi đáng kể. Phát Đạt ghi nhận doanh thu hoạt động tài chính tăng 5,4 lần so với cùng kỳ lên 16 tỷ đồng nhưng tỷ trọng không lớn. Kết quả quý IV/2022, Phát Đạt lỗ ròng 267 tỷ đồng trong khi cùng kỳ lãi 754 tỷ đồng.

Công ty cho biết, tình hình khó khăn chung của toàn thị trường, đặc biệt là ngành bất động sản đã khiến việc đầu tư kinh doanh của công ty vào các dự án bất động sản không được thuận lợi. Bên cạnh đó, doanh nghiệp còn thực hiện chiến lược tái cơ cấu danh mục đầu tư.

Trong năm 2022, doanh nghiệp có doanh thu hoạt động tài chính tăng đột biến lên mức 1.267 tỷ đồng so với 7 tỷ đồng của năm trước. Nguyên nhân là vào quý III, Phát Đạt đã ghi nhận gần 1.249 tỷ đồng lãi chuyển nhượng 26% cổ phần sở hữu tại CTCP Địa ốc Sài Gòn KL. 

Luỹ kế năm 2022, Phát Đạt ghi nhận doanh thu 1.505 tỷ đồng và lãi ròng 1.146 tỷ đồng, lần lượt giảm 58% và 39% so với năm trước. Lãi cơ bản trên cổ phiếu (EPS) đạt 1.646 đồng.

Năm 2022, Phát Đạt đặt mục tiêu 10.700 tỷ đồng doanh thu và 2.908 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. Như vậy, doanh nghiệp chỉ thực hiện được 14% kế hoạch doanh thu và 40% chỉ tiêu lợi nhuận năm.

Ảnh: Đ.N.

Vào cuối năm 2022, doanh nghiệp có tổng tài sản 22.845 tỷ đồng, tăng 2.293 tỷ đồng so với đầu năm. Trong đó, các khoản phải thu ngắn hạn tăng 123% lên mức 5.650 tỷ đồng, chủ yếu gồm phải thu ngắn hạn của khách hàng (2.077 tỷ đồng) và phải thu ngắn hạn khác (2.598 tỷ đồng).

Doanh nghiệp có 12.131 tỷ đồng hàng tồn kho vào cuối quý IV/2022, tương đương với đầu năm. Tiền và các khoản tiền gửi ngắn hạn ở mức 271 tỷ đồng, giảm gần 50% so với đầu năm. 

Về nguồn vốn, tại ngày 31/12/2022, vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp ở mức 9.270 tỷ đồng, gồm 1.163 tỷ đồng lợi nhuận chưa phân phối. Tổng nợ phải trả tăng 9% so với đầu năm, lên mức 13.576 tỷ đồng.

Dư nợ vay tài chính của doanh nghiệp là 4.440 tỷ đồng. Trong đó, nợ trái phiếu ghi nhận 2.510 tỷ đồng với hơn 2.214 tỷ đồng là trái phiếu sắp đến hạn.

Theo thông tin công bố từ Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX), ngày 17/1, Phát Đạt đã tiếp tục mua lại trước hạn đối với các lô trái phiếu được phát hành trong năm 2021 và 2022. Các lô trái phiếu này có kỳ hạn 2 năm và sẽ đáo hạn trong năm nay hoặc quý I/2024.

Tổng giá trị Phát Đạt thực hiện mua lại theo mệnh giá là hơn 893 tỷ đồng, giúp dư nợ trái phiếu của Phát Đạt giảm xuống còn khoảng hơn 1.600 tỷ đồng.

Phát Đạt tiếp tục mua lại trước hạn trái phiếu phát hành khi vừa bước sang năm mới. (Nguồn: HNX).

Đăng Nguyên

Nhìn lại ngành chứng khoán Việt Nam sau 24 năm qua các làn sóng M&A (Phần 2)
Làn sóng M&A thứ nhất ngành chứng khoán Việt Nam sớm kết thúc và để lại kết quả không mấy khả quan, các tổ chức quốc tế lần lượt rời đi. Làn sóng M&A mới nổ ra với mô hình thâu tóm toàn bộ cổ phần, “thay tên đổi họ” với sự gia nhập của các tập đoàn Hàn Quốc và những định chế trong nước.