|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Pháp làm lành với Mỹ nhưng vẫn ngó lơ Australia sau khi thương vụ 65 tỷ USD đổ bể

11:49 | 23/09/2021
Chia sẻ
Sau cuộc điện đàm cùng Tổng thống Mỹ Joe Biden, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã đồng ý cử đại sứ quay trở lại Washington. Song, ông Macron vẫn chưa chịu nói chuyện với Thủ tướng Australia Scott Morrison.

Làm hòa với Mỹ

Mới đây, Tổng thống Mỹ Joe Biden và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã điện đàm trao đổi cùng nhau, chính thức khép làm bế tắc kéo dài 5 ngày qua giữa các nhà lãnh đạo, theo Guardian.

Trong một tuyên bố chung sau đó, hai ông đã nhất trí gặp nhau ở châu Âu vào cuối tháng 10 năm nay để thảo luận về hướng cải thiện chính sách tham vấn đối tác trong tương lai. Cuộc gặp có thể diễn ra tại hội nghị thượng đỉnh G20.

Ngoài ra, ông Macron còn cho biết Pháp sẽ cử đại sứ trở lại thủ đô Washington vào tuần tới. Song, không có dấu hiệu nào cho thấy Mỹ hoặc Australia sẽ hủy bỏ thỏa thuận đóng tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân vừa đạt được.

Tuyên bố chung cũng tìm cách bác bỏ những lập luận cho rằng Mỹ coi Pháp là một đối tác không đáng tin cậy trong nỗ lực hạn chế ảnh hưởng của Trung Quốc ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Dù không được nêu rõ, kiềm chế Bắc Kinh là mục đích chính của thỏa thuận hợp tác an ninh ba bên Mỹ, Anh và Australia (AUKUS).

Pháp làm lành với Mỹ nhưng vẫn không đoái hoài Australia - Ảnh 1.

Tổng thống Mỹ Joe Biden và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tay bắt mặt mừng tại hội nghị thượng đỉnh G7 năm nay. (Ảnh: EPA-EFE).

Mặc dù văn bản trên không đề cập đến lời xin lỗi cũng như không đưa ra bất kỳ biện pháp khắc phục thực tế nào, nó vẫn thừa nhận rằng các đồng minh lẽ ra nên tham vấn ý kiến của Pháp và nên làm như vậy trong tương lai.

"Hai nhà lãnh đạo đồng thuận rằng các đồng minh sẽ có lợi hơn nếu tham vấn cởi mở với nhau về các vấn đề có lợi ích chiến lược đối với Pháp và các đối tác châu Âu khác. Tổng thống Biden cam kết sẽ theo đuổi mục tiêu này", tuyên bố nhấn mạnh.

Tuần trước, Pháp đã bày tỏ thái độ cực kỳ phẫn nộ sau khi Mỹ, Anh và Australia âm thầm dàn xếp thỏa thuận AUKUS, khiến Paris mất đi hợp đồng đóng tàu ngầm béo bở trị giá 65 tỷ USD cho Canberra.

Theo CNN, trước đó Australia đã đồng ý mua 12 tàu ngầm tấn công chạy bằng diesel từ công ty đóng tàu Naval Group của Pháp. Để có được thương vụ này, đại diện của nước Pháp đã phải thắng thầu trước các đối thủ đến từ Đức và Nhật Bản. Khi thỏa thuận AUKUS được thống nhất, Australia đã chuyển sang chọn tàu ngầm chạy bằng nhiên liệu hạt nhân theo thiết kế của Mỹ và Anh.

Pháp khẳng định họ bị Mỹ đâm sau lưng và mô tả chiến lược của ông Biden với các đối tác châu Âu gợi nhớ đến cựu Tổng thống Donald Trump.

Paris đã triệu hồi đại sứ tại Washington và Canberra về nước vào ngày 17/9 để tham vấn. Ông chủ Nhà Trắng đã tìm cách nói chuyện với Tổng thống Pháp Macron kể từ cuối tuần.

Còn hờn giận Australia

Dù đã điện đàm với Tổng thống Biden, ông Macron vẫn chưa nhận cuộc gọi từ Thủ tướng Australia Scott Morrison, theo Guardian.

Thủ tướng Morrison cho biết, ông hy vọng sẽ sớm trò chuyện cùng người đồng cấp Macron "tại thời điểm thích hợp và khi cơ hội xuất hiện". Song, ông Morrison hiểu rằng Pháp cảm thấy "tổn thương và thất vọng" sau khi bị hủy thương vụ bán tàu ngầm.

Hơn nữa, Thủ tướng Australia còn cho biết ông vui mừng vì Tổng thống Biden đã "có thể củng cố, không chỉ từ quan điểm của Mỹ mà từ tất cả các đối tác trong thỏa thuận mới" về vai trò của Pháp tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Pháp làm lành với Mỹ nhưng vẫn không đoái hoài Australia - Ảnh 2.

Ông Macron vẫn chưa nhận điện từ Thủ tướng Australia Scott Morrison. (Ảnh: Reuters).

Ông Morrison cho rằng, các vấn đề giữa Australia và Pháp sẽ "cần nhiều thời gian hơn để hàn gắn so với những khúc mắc đã được giải quyết giữa Mỹ và Pháp". Vị thủ tướng nói Canberra coi trọng mối quan hệ với Pháp và muốn hợp tác cùng Paris cũng như châu Âu để duy trì một khu vực ổn định, an ninh.

"Cánh cửa giữa chúng ta đang rộng mở. Australia mong chờ cơ hội được thảo luận cùng Pháp. Chúng tôi sẽ kiên nhẫn chờ đợi và mong muốn được làm việc cùng những người bạn cũ một lần nữa", Thủ tướng Australia nhấn mạnh.

Khi được hỏi liệu ông có sẵn lòng xin lỗi Tổng thống Macron hay không, ông Morrison tin tưởng quyết định của mình và khẳng định ông hành động dựa trên lợi ích an ninh quốc gia của Australia.

Khả Nhân