|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

[Phần 4] Hiểu về IPO qua những thương vụ lịch sử: Khi giá IPO quá ‘chát’

08:00 | 05/05/2018
Chia sẻ
Các thương vụ IPO thường được nhà đầu tư mong chờ vì nhiều cổ phiếu IPO mang lại lợi nhuận rất lớn trong thời gian ngắn. Tuy nhiên cũng có không ít trường hợp nhà đầu tư hay tổ chức bảo lãnh phát hành chuyên nghiệp phải “nếm trái đắng” khi mua cổ phiếu IPO với giá quá "chát". 
phan 4 hieu ve ipo qua nhung thuong vu lich su khi gia ipo qua chat [Phần 3] Hiểu về IPO qua những thương vụ lịch sử: Ba phương thức IPO
phan 4 hieu ve ipo qua nhung thuong vu lich su khi gia ipo qua chat [Phần 2] Hiểu về IPO qua những thương vụ lịch sử: Doanh nghiệp được và mất gì từ IPO
phan 4 hieu ve ipo qua nhung thuong vu lich su khi gia ipo qua chat [Phần 1] Hiểu về IPO qua những thương vụ lịch sử: Khái quát và phân loại

Giá IPO nào là hợp lý?

Tổ chức tư vấn và bảo lãnh phải hài hòa lợi ích của cả doanh nghiệp phát hành, cổ đông hiện hữu muốn chào bán và nhà đầu tư tiềm năng. Một mặt, tổ chức tư vấn phải huy động một số vốn hợp lý cho doanh nghiệp và thuyết phục được các cổ đông hiện hữu rằng mức giá mình đưa ra là đủ cao để bán chốt lời. Mặt khác, tổ chức tư vấn lại phải thuyết phục các nhà đầu tư rằng mức giá mình đưa ra là đủ thấp để mua vào.

Việc xác định giá khởi điểm hay giá chào bán, do vậy, là không hề dễ dàng. Nếu giá quá thấp, doanh nghiệp IPO không huy động được nhiều vốn thì coi như tổ chức tư vấn đã không làm tròn trách nhiệm.

Nếu giá khởi điểm quá cao, nhiều khả năng các cổ phần sẽ không được bán hết. Cho dù cổ phần được bán hết thì các nhà đầu tư dễ phải chịu thua lỗ và ngân hàng đầu tư sẽ mất uy tín, rất khó để mời chào được các nhà đầu tư cho các đợt IPO khác về sau.

Tuy doanh nghiệp IPO mong muốn huy động được vốn từ thương vụ nhưng không phải cứ bán được cổ phần giá càng cao thì càng tốt vì sau khi chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) thì còn có chào bán lần thứ 2, thứ 3, thứ 4 … (gọi là SPO – Seasoned Public Offering) khi doanh nghiệp cần huy động thêm vốn để sản xuất kinh doanh. Nếu nhà đầu tư vào đợt chào bán đầu tiên bị thua lỗ thì doanh nghiệp cũng khó phát hành vào những lần sau.

Mặt khác, giá cổ phiếu giảm ngay sau IPO cũng gây ảnh hưởng không nhỏ đến danh tiếng của doanh nghiệp.

phan 4 hieu ve ipo qua nhung thuong vu lich su khi gia ipo qua chat

Tháng 9/2009, hãng trò chơi trực tuyến Shanda Games của Trung Quốc phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng với sự tư vấn và bảo lãnh của 2 ngân hàng hàng đầu thế giới là JP Morgan Chase và Goldman Sachs. Cả hai ngân hàng đều tỏ ra rất lạc quan với triển vọng của phiên IPO và quyết định tăng số lượng cổ phần chào bán thêm 33%, từ 63 triệu cổ phần lên 83,5 triệu cổ phần. Giá của mỗi cổ phần cũng được Shanda Games và các ngân hàng xác định ở 12,5 USD/cp, mức cao nhất của khoảng giá 10,5-12,5 USD/cp được thông báo trước đó.

Phiên IPO thành công khi mang về cho Shanda Games và công ty mẹ hơn 1 tỷ USD, nhưng điều mà công ty này không tính đến là việc nâng giá và tăng lượng cổ phần bán đã “hớt” hết phần váng gồm những nhà đầu tư hào phóng nhất. Những nhà đầu tư còn lại không ai muốn trả giá cao hơn để mua lại cổ phiếu của Shanda.

Trước sức cầu yếu ớt, giá cổ phiếu của Shanda Games sụt 14% ngay hôm sau, khiến cổ phiếu này trở thành một trong những cổ phiếu có phiên chào sản thảm hại nhất lịch sử. Giá cổ phiếu công ty mẹ của Shanda Games cũng giảm 12%.

Rủi ro cho nhà đầu tư

Các thương vụ IPO thường thu hút sự quan tâm đặc biệt của các nhà đầu tư, nhiều người lao vào mua mà không cần suy nghĩ. Thực tế, có nhiều cổ phiếu sau khi IPO đã lập tức tăng “nóng” hàng chục phần trăm, thậm chí tăng tới nhiều lần giá trị.

phan 4 hieu ve ipo qua nhung thuong vu lich su khi gia ipo qua chat
Tỷ suất lợi nhuận của một số cổ phiếu công nghệ tại Mỹ trong ngày giao dịch đầu tiên sau IPO. Nguồn: Statista.
phan 4 hieu ve ipo qua nhung thuong vu lich su khi gia ipo qua chat
10 cổ phiếu IPO có suất sinh lợi cao nhất tại Mỹ trong năm 2017 (tính từ ngày IPO đến ngày cuối năm). Nguồn: Statista.

Thế nhưng cũng có không ít cổ phiếu mà sau khi IPO rớt giá rất thê thảm.

phan 4 hieu ve ipo qua nhung thuong vu lich su khi gia ipo qua chat

10 cổ phiếu IPO có giá giảm mạnh nhất tại Mỹ trong năm 2017 (tính từ ngày IPO đến ngày cuối năm). Nguồn: Statista.

Một thống kê tại Mỹ trong giai đoạn 1980-2007 cho thấy, sau 3 năm, các cổ phiếu IPO có suất sinh lợi thấp hơn 21%/năm so với trung bình toàn thị trường.

Tại Việt Nam, CTCP Lọc – Hóa Dầu Bình Sơn (Mã: BSR) được coi là đã có một phiên đấu giá thành công khi giá trúng giá bình quân cao hơn 58% so với giá khởi điểm, giá trong ngày giao dịch đầu tiên cũng tăng kịch trần 40%, tuy nhiên giá đã liên tục sụt giảm những ngày sau đó. Đến ngày 23/4, cổ phiếu BSR đã mất gần 1/3 giá trị sau hơn 1 tháng giao dịch

Tương tự, cổ phiếu POW của Tổng Công ty Điện lực Dầu khí và cổ phiếu OIL của Tổng Công ty Dầu Việt Nam và cũng đã mất 22-33% giá trị kể từ ngày chào sàn.

phan 4 hieu ve ipo qua nhung thuong vu lich su khi gia ipo qua chat
Diễn biến giá từ ngày lên sàn của 3 cổ phiếu đến ngày 24/4, từ trái qua phải: BSR (từ ngày 1/3), POW (từ ngày 6/3) và OIL (từ ngày 7/3). Nguồn: VNDirect.

Quyết định mua cổ phiếu phải được đưa ra dựa trên những phân tích về mô hình kinh doanh, tình hình tài chính, khả năng sinh lợi của doanh nghiệp chứ không nên mua chỉ vì đó là cổ phiếu IPO.

Rủi ro cho ngân hàng đầu tư, tổ chức bảo lãnh

Rủi ro lớn nhất của tổ chức bảo lãnh IPO là không bán/phân phối được cổ phiếu cho các nhà đầu tư. Khi đó, tổ chức bảo lãnh sẽ phải ôm đống cổ phiếu này trong thời gian dài hơn mong đợi. Hơn nữa, không phân phối hết cổ phiếu tức là sức cầu yếu, giá sẽ giảm, khiến cho tổ chức bảo lãnh phải ghi nhận những khoản lỗ lớn khi định giá lại cổ phiếu theo giá thị trường (mark-to-market).

Quá trình dựng sổ đã giúp tổ chức bảo lãnh nắm được phần nào tâm lý, nhu cầu của nhà đầu tư và giảm thiểu rủi ro này, tuy nhiên đôi khi những trường hợp không may vẫn xảy ra.

Thương vụ cổ phần hóa Tập đoàn Dầu khí British Petroleum (BP): Năm 1987, chính phủ Anh muốn cổ phần hóa tập đoàn dầu khí lớn nhất nước này là BP và thuê 5 ngân hàng đầu tư, trong đó có Merrill Lynch, để tư vấn và bảo lãnh cho thương vụ. Các ngân hàng này sau khi nghiên cứu kỹ đã xác định mức giá là 3,3 bảng Anh/cp.

phan 4 hieu ve ipo qua nhung thuong vu lich su khi gia ipo qua chat

Tuy nhiên, chuyên gia phân tích về dầu khí của Merrill Lynch là Gus Fliakos cho rằng mức giá này quá cao và không đưa ra khuyến nghị MUA đối với cổ phiếu BP. Phải nói thêm rằng Gus Fliakos là một nhà phân tích nổi tiếng và rất có ảnh hưởng trong ngành dầu khí. Merrill Lynch đề nghị Gus Fliakos suy nghĩ lại nhưng Gus Fliakos vẫn giữ nguyên quan điểm. Không có lựa chọn nào khác, Merrill Lynch đành phải rút lui khỏi thương vụ IPO trị giá 12 tỷ USD béo bở này.

4 ngân hàng còn lại vui vẻ chia nhau 17,7 triệu USD tiền phí bảo lãnh. Ở Merrill Lynch, mọi người đều nhìn Gus Fliakos với ánh mắt trách móc. Tuy nhiên 4 ngày sau, 19/10/1987 chính là ngày thứ Hai Đen Tối (Black Friday), thị trường chứng khoán Mỹ có phiên giảm điểm mạnh nhất trong lịch sử. Giá cổ phiếu BP giảm hơn 10%. Cả 4 ngân hàng bảo lãnh phát hành cho thương vụ BP lỗ tổng cộng hơn 1 tỷ USD.

Còn ông Gus Fliakos bỗng chốc trở thành người hùng của Merrill Lynch!

Xem thêm

Kiên Dương