|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

[Phần 2] Hiểu về IPO qua những thương vụ lịch sử: Doanh nghiệp được và mất gì từ IPO

09:30 | 30/04/2018
Chia sẻ
Tuy mở ra cho doanh nghiệp một kênh huy động vốn mới và gia tăng hiện diện hình ảnh của công ty nhưng IPO cũng gây ra nhiều vấn đề nan giải. Sau khi cân nhắc thiệt hơn, nhiều doanh nghiệp từ chối IPO dù bị cổ đông thúc giục.
 
phan 2 hieu ve ipo qua nhung thuong vu lich su doanh nghiep duoc va mat gi tu ipo [Phần 1] Hiểu về IPO qua những thương vụ lịch sử: Khái quát và phân loại

Sở dĩ ngày càng có nhiều doanh nghiệp IPO và trở thành công ty đại chúng là vì hoạt động này đem lại nhiều lợi ích. Có thể kể đến như thêm một kênh huy động vốn trung và dài hạn. Bản thân thương vụ IPO sẽ giúp doanh nghiệp huy động được một số vốn nhất định. Về sau, nếu cần thêm vốn, doanh nghiệp có thể tiếp tục huy động thông qua việc phát hành cổ phiếu cho các nhà đầu tư trên thị trường. Điều này giúp giảm sự phụ thuộc vào vốn vay ngân hàng.

Bên cạnh đó, IPO giúp tăng hiện diện hình ảnh của công ty: Các thương vụ IPO thường thu hút sự quan tâm đông đảo của công chúng. Sau khi doanh nghiệp lên sàn, cổ phiếu và tên tuổi doanh nghiệp được nhắc tới nhiều hơn so với khi chưa IPO.

Ngoài ra, IPO cũng là một kênh để các cổ đông hiện hữu hoặc các nhà đầu tư mạo hiểm (venture capitalists) thoái vốn và chốt lời sau một thời gian đầu tư.

Tuy nhiên, hoạt động IPO cũng làm phát sinh nhiều chi phí và gây ra những gánh nặng mới cho doanh nghiệp.

Cụ thể, quá trình IPO thường rất tốn kém về tài chính, thời gian và công sức. Về tài chính, công ty phải trả cho các tổ chức tư vấn và bảo lãnh một khoản phí từ 3% đến 7% số tiền huy động được từ IPO. Nhân viên và lãnh đạo công ty cũng mất nhiều thời gian, sức lực để chuẩn bị hồ sơ, tài liệu theo luật định và tổ chức các buổi giới thiệu, gặp gỡ nhà đầu tư. Hoạt động điều hành sản xuất kinh doanh khả năng bị ảnh hưởng.

phan 2 hieu ve ipo qua nhung thuong vu lich su doanh nghiep duoc va mat gi tu ipo
Phí bảo lãnh phát hành các thương vụ IPO tại Mỹ năm 2014-2016. Với những thương vụ có giá trị nhỏ dưới 100 triệu USD, doanh nghiệp phải trả tới gần 7% giá trị phát hành. Những thương vụ có giá trị lớn trên 1 tỷ USD, mức phí là từ 3% đến 4,7%. Nguồn: Statista.

Ngoài ra, doanh nghiệp phải tuân thủ nhiều quy định nghiêm ngặt về công bố thông tin. Tại Việt Nam, các công ty đại chúng phải tuân thủ quy định tại Thông tư 155/2015/TT-BTC của Bộ Tài chính về hướng dẫn công bố thông tin trên thị trường chứng khoán, bao gồm cả thông tin định kỳ và không định kỳ như: báo cáo tài chính kèm thuyết minh, báo cáo sử dụng vốn, tỷ lệ sở hữu nước ngoài, quyết định tham gia góp vốn, quyết định vay hoặc phát hành trái phiếu…

Chỉ cần chậm nộp báo cáo tài chính hoặc chậm công bố thông tin là doanh nghiệp sẽ bị nhắc nhở. Nghiêm trọng hơn thì cổ phiếu bị đưa vào diện cảnh báo, kiểm soát hoặc hủy niêm yết, gây ảnh hưởng lớn tới lòng tin của cổ đông, đối tác, khách hàng... Hơn nữa, các thông tin mà doanh nghiệp công bố có thể được sử dụng bởi các đối thủ cạnh tranh, gây bất lợi cho doanh nghiệp.

Vận hành một công ty đại chúng sau IPO cũng tốn kém hơn nhiều so với một công ty chưa IPO vì các chi phí lập báo cáo tài chính, kiểm toán BCTC, vận hành phòng quan hệ nhà đầu tư, tuân thủ nghĩa vụ công bố thông tin…

phan 2 hieu ve ipo qua nhung thuong vu lich su doanh nghiep duoc va mat gi tu ipo

Bị kiểm toán nhắc nhở vì quá ít nhân sự: Đầu tháng 4 vừa qua, Công ty Cổ phần An Trường An (Mã: ATG) bị công ty kiểm toán độc lập nhắc nhở vì trong năm 2017, số lượng nhân sự của công ty chỉ dao động từ 7 đến 10 người, không đủ để đảm bảo yêu cầu quản lý, điều hành một doanh nghiệp niêm yết. Một doanh nghiệp chưa IPO và chưa lên sàn sẽ không lo bị kiểm toán nhắc nhở như ATG.

Taseco Airs lên sàn phải kiểm toán lại báo cáo tài chính: Trước khi niêm yết cổ phiếu lên sàn hồi đầu năm 2018, CTCP dịch vụ hàng không Taseco (Taseco Airs - Mã: AST) đã phải thuê công ty kiểm toán kiểm toán lại báo cáo tài chính năm 2015 và 2016 vì kiểm toán viên trước đây chưa đăng ký với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) và chưa được UBCK chấp thuận ký báo cáo tài chính dành cho công ty đại chúng và niêm yết.

Chi phí này là không lớn so với một công ty có tài sản và vốn hóa nghìn tỷ như Taseco Airs nhưng có thể là gánh nặng rất lớn với một công ty nhỏ

Không muốn lên cũng phải lên:Thương vụ IPO của công ty Applied Medical năm 2013 là một trường hợp hi hữu. Một trong những cổ đông lâu đời của Applied Medical là quỹ đầu tư IVP muốn công ty này IPO lên sàn để quỹ có thể thoái vốn sau khi đã đầu tư trong suốt 24 năm. Sau khi cân nhắc kỹ, lãnh đạo Applied Medical cho rằng trở thành công ty đại chúng sẽ hại nhiều hơn lợi. Tuy nhiên theo thỏa thuận góp vốn, IVP có quyền yêu cầu Applied Medical phải lên sàn.

Không còn lựa chọn nào khác, Applied Medical đành phải nộp hồ sơ IPO nhưng trong bản cáo bạch, lãnh đạo công ty nói thẳng với các cơ quan quản lý cũng như nhà đầu tư rằng: “Quỹ IVP buộc chúng tôi phải niêm yết cổ phiếu của mình và chúng tôi có nghĩa vụ phải làm theo. Tuy nhiên chúng tôi tin rằng làm như vậy sẽ không đem lại lợi ích lớn nhất cho công ty.” Đây có lẽ là trường hợp duy nhất trong lịch sử mà một công ty sắp lên sàn thông báo công khai rằng mình không muốn lên sàn.

Đón đọc Phần 3: Ba phương thức IPO

Kiên Dương