|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

[Phần 3] Tham vọng thống trị ngành dược toàn cầu của Trung Quốc: Cáo buộc từ phương Tây

20:00 | 05/02/2022
Chia sẻ
Các quỹ đầu tư nổi tiếng đã đầu tư mạnh tay vào ngành dược Trung Quốc. Song, sự phát triển nhanh chóng khiến người Trung hứng chịu chỉ trích mạnh mẽ từ Mỹ và phương Tây.

Nguồn tiền chảy vào

Ngoài quân đội và đội ngũ các nhà nghiên cứu từ nước ngoài hồi hương về quê nhà, trụ cột thứ ba hỗ trợ ngành dược phẩm của Trung Quốc chính là tiền. 

Theo công ty nghiên cứu thị trường Pitchbook, lượng tiền rót từ các quỹ đầu tư tư nhân và quỹ đầu tư mạo hiểm cho lĩnh vực dược phẩm của Trung Quốc đã đạt mức kỷ lục 2 tỷ USD vào năm 2021.

Theo Nikkei, ngành khoa học đời sống của Trung Quốc cũng đã chứng kiến một làn sóng sáp nhập mạnh mẽ. Theo nghiên cứu của Deloitte, các doanh nghiệp trong ngành này đã thực hiện tổng cộng 93 thương vụ M&A vào năm 2020, trị giá khoảng 14,1 tỷ USD. Con số này tăng so với 76 thương vụ với tổng trị giá 13,5 tỷ USD vào năm 2019.

Ngoài ra, một số nhà đầu tư toàn cầu tên tuổi cũng đã nhìn thấy tiềm năng từ các dự án kinh doanh trong ngành dược Trung Quốc. 

Trước khi IPO vào năm 2018, Innovent Biologics, một công ty nghiên cứu thuốc được thành lập vào năm 2011, chủ yếu huy động tiền từ các công ty quốc tế, bao gồm quỹ Temasek của Singapore và tập đoàn Capital Group Private Markets của Mỹ. 

CEO của Innovent, ông Ronald Hao Xi Ede cho rằng nguồn tài trợ từ các tổ chức đầu tư có tiếng đã giúp công ty tiến hành IPO suôn sẻ. Cũng theo ông này, Innovent còn đang hợp tác với công ty dược phẩm Mỹ có tên Eli Lilly.

[Phần 3] Tham vọng thống trị ngành dược toàn cầu của Trung Quốc: Cáo buộc từ phương Tây - Ảnh 1.

Innovent Biologics ký kết quan hệ hợp tác với Eli Lilly năm 2015. (Ảnh: Innovent Biologics).

Tháng 8/2021, hãng dược Abogen của Trung Quốc đã huy động được hơn 700 triệu USD để phát triển vắc xin mRNA. Vòng gọi vốn này thu hút được hai quỹ Lilly Asia Ventures và Temasek Holdings, đồng thời được cho là kỷ lục đối với một công ty dược sinh học Trung Quốc trước khi IPO. 

Hơn nữa, Abogen cũng đã huy động được 300 triệu USD từ các nhà đầu tư khác, trong đó có quỹ Vision Fund của SoftBank vào tháng 11/2021.  

Không chỉ vậy, các công ty khởi nghiệp về công nghệ sinh học cũng huy động được một lượng vốn đáng kể từ hai sàn chứng khoán Hong Kong và Thượng Hải. Tính đến tháng 12/2021, lĩnh vực dược phẩm sinh học chiếm hơn 1/5 tổng số công ty niêm yết trên sàn STAR của Thượng Hải.

Ông Nicolas Zhu, người đứng đầu nhóm ngành khoa học đời sống và chăm sóc sức khỏe tại công ty luật CMS China, cho biết các công ty khởi nghiệp về công nghệ sinh học đã được hưởng lợi lớn từ các quy định niêm yết linh hoạt trên sàn STAR.

Phản ứng dữ dội từ phương Tây

Sự phát triển nhanh chóng của ngành dược Trung Quốc cũng khiến Mỹ và phương Tây cáo buộc đất nước tỷ dân ăn cắp công nghệ.  

Một số nhà khoa học Trung Quốc đã bị buộc tội ăn cắp tài liệu và nghiên cứu từ các tổ chức và doanh nghiệp Mỹ, chẳng hạn như từ Đại học Cornell và công ty dược GlaxoSmithKline (GSK). 

Viện Y tế Quốc gia của Mỹ (NIH) còn cáo buộc các nhà khoa học Trung Quốc che giấu quan hệ nước ngoài của họ và 93% các trường hợp nằm trong cuộc điều tra của NIH năm 2020 đều "dính đến" tài trợ của Trung Quốc. 

Một số nhà khoa học đã bị sa thải khỏi các viện nghiên cứu, chẳng hạn như Trung tâm Ung thư MD Anderson ở Houston, vì hành vi ăn cắp nghiên cứu.

[Phần 3] Tham vọng thống trị ngành dược toàn cầu của Trung Quốc: Tiền bạc và chỉ trích - Ảnh 4.

Bà Yu Xue, một nhà nghiên cứu ung thư người Trung Quốc, bước ra khỏi tòa án liên bang ở Philadelphia năm 2018. Bà đã nhận tội ăn cắp bí mật thương mại từ công ty dược GSK. (Ảnh: AP).

Trong đại dịch COVID-19, các tin tặc do Trung Quốc hậu thuẫn được cho là đã tham gia theo dõi hoặc đánh cắp thông tin liên quan đến nghiên cứu vắc xin ở Mỹ, Tây Ban Nha và Ấn Độ. Vào tháng 5/2020, FBI và Cục An ninh Mạng Mỹ đã cảnh báo các tổ chức nghiên cứu về COVID-19 rằng họ đang phải đối mặt với mối đe dọa bị tấn công từ Trung Quốc.

Luật sở hữu trí tuệ của Trung Quốc cũng giúp các công ty của nước này "chôm chỉa" ý tưởng của các đối thủ quốc tế. 

Ông Robert Atkinson, Chủ tịch của Quỹ Đổi mới và Công nghệ Thông tin, cho biết hệ thống bằng sáng chế của Trung Quốc được thiết kế để giúp doanh nghiệp trong nước truy cập vào thông tin bằng sáng chế của các công ty ngoại.

Nhiều doanh nghiệp quốc tế không dám lên tiếng vì sợ bị trả đũa và ảnh hưởng đến sự hiện diện của họ tại thị trường tỷ dân.

Các công ty dược phẩm của Trung Quốc cũng phải đối mặt với những lời chỉ trích khác. Một số người nói rằng dữ liệu của Trung Quốc không đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế, rằng ngành công nghiệp này đầy rẫy hối lộ và các vấn đề chất lượng vẫn tồn tại.

Theo ông Tomoyuki Shibuguchi, trưởng nhóm nghiên cứu tại Văn phòng Nghiên cứu Công nghiệp Dược phẩm Nhật Bản, bất chấp những tiến bộ rõ ràng của Trung Quốc trong những năm gần đây, quốc gia này vẫn còn “một chặng đường dài” để trở thành một thế lực toàn cầu thực sự.

Chỉ 15% trên tổng số sản phẩm có nguồn gốc từ Trung Quốc đã trải qua thử nghiệm lâm sàng toàn cầu ở châu Âu, Mỹ và Nhật Bản, vị chuyên gia nhấn mạnh. Hơn nữa, ông Shibuguchi chỉ ra rằng các loại thuốc có chất lượng kém hơn vẫn chiếm tỷ trọng lớn trong ngành dược Trung Quốc.

Đạt Thái