[Phần 2] Tham vọng thống trị ngành dược toàn cầu của Trung Quốc: Động lực và bài toán thu hút nhân tài của Bắc Kinh
Tại sao Trung Quốc nuôi tham vọng?
Ngoài những cân nhắc về kinh tế, dược phẩm - đặc biệt là các sản phẩm thuốc phát triển bằng công nghệ sinh học, đã trở thành ưu tiên của chính phủ Trung Quốc do những thay đổi về nhân khẩu học.
Đất nước tỷ dân đang già đi nhanh chóng, một phần do chính sách “một con” trong quá khứ, và một phần là do giới chuyên gia đang tìm kiếm những cách thức mới để đáp ứng nhu cầu y tế đang ngày càng gia tăng.
Ông Toshiyuki Murai, chuyên gia cấp cao tại công ty quản lý tài sản Sumitomo Mitsui DS, cho biết: “Chiến lược của Trung Quốc trong lĩnh vực dược phẩm sinh học thường dựa trên lập trường chính sách dài hạn..."
Nikkei Asia lưu ý, dược phẩm sinh học là một trong những ngành công nghiệp quan trọng có tên trong kế hoạch “Made in China 2025” của chính quyền Bắc Kinh.
Kể từ năm 2015, Bắc Kinh đã thực hiện nhiều thay đổi đối với các chính sách liên quan đến dược phẩm, với nhiều chính sách được ban hành để khuyến khích sự phát triển của các công ty nội địa.
Đầu tiên, các nhà chức trách đã tìm cách đồng bộ hóa các tiêu chuẩn trong nước với thế giới. Năm 2017, Trung Quốc tham gia Hội đồng Đồng bộ Quốc tế, tổ chức chịu trách nhiệm đặt ra các quy tắc quốc tế về sản xuất dược phẩm, như chỉ định số lượng bệnh nhân tham gia các thử nghiệm lâm sàng.
Trung Quốc cũng đã có những thay đổi lớn trong quá trình thử nghiệm và phê duyệt thuốc của họ. 6 năm trước, hãng dược Junshi phải mất khoảng một năm để được "bật đèn xanh" cho thử nghiệm lâm sàng phương pháp điều trị bằng kháng thể.
Tuy nhiên, gần đây, Junshi chỉ cần khoảng hai tuần để được phép tiến hành thử nghiệm lâm sàng cho phương pháp điều trị COVID bằng kháng thể. Cơ quan quản lý đã đẩy nhanh quá trình phê duyệt bằng cách tuyển thêm công chức và ưu tiên xét duyệt với các loại bệnh hiếm gặp.
Đồng thời, lợi nhuận từ việc sản xuất thuốc generic đang ngày càng sa sút do chính sách thu mua thuốc tập trung của chính phủ. Để đối phó với việc chi phí bảo hiểm y tế ngày càng tăng, vào năm 2018, Bắc Kinh đã thí điểm chính sách này. Từ đó, trung bình giá thuốc generic đã giảm khoảng một nửa.
Danh mục thuốc được bảo hiểm y tế chi trả của Trung Quốc cũng phản ánh sự ủng hộ ngày càng lớn của Bắc Kinh đối với các loại thuốc mới. Các nhà chức trách bắt đầu cập nhật danh sách này kể từ năm 2017.
Năm 2021, 74 loại thuốc mới đã lọt vào danh sách nêu trên, số liệu cao thứ hai sau 119 loại thuốc ghi nhận trong năm 2020. Quan trọng hơn, 62% trong số các loại thuốc bổ sung là các sản phẩm mới ra mắt từ năm 2020. Điều này cho thấy chính phủ Trung Quốc sẵn lòng sử dụng các liệu pháp điều trị tiên tiến với tốc độ nhanh hơn.
Thay đổi trên cũng giúp người dân dễ dàng tiếp cận và chi trả cho thuốc thang, đồng thời khuyến khích doanh nghiệp ngành dược đẩy mạnh nghiên cứu, theo ông Bruce Liu, đối tác tại công ty tư vấn Simon Kucher & Partners.
Bài toán nhân lực
Quân đội góp sức
Quân đội Trung Quốc cũng đóng một vai trò quan trọng trong việc phát triển thuốc. Trong những năm gần đây, quân đội đã thuê không ít nhà khoa học để tham gia vào các dự án sinh học quốc gia.
Ông Chen Wei, một nhà khoa học quân sự nổi tiếng và cũng là người đã nghiên cứu hai chủng virus Ebola và SARS, đã tham gia vào việc phát triển vắc xin ngừa COVID của hãng dược CanSino.
Ông Pierre Armand Morgon, Phó Giám đốc cấp cao tại CanSino, cho biết nhóm nghiên cứu khoa học tại Viện Công nghệ Sinh học Bắc Kinh, thuộc Học viện Khoa học Quân y, đã giúp đỡ trong giai đoạn đầu của việc điều chế loại vắc xin nêu trên. CanSino đã hoàn thành nghiên cứu giai đoạn 2 và đang có kế hoạch xin phê duyệt vắc xin trên toàn cầu.
Sự trở lại của "rùa biển"
Yếu tố thứ hai đằng sau sự phát triển nhanh chóng của Trung Quốc trong ngành dược phẩm là sự tham gia của các nhà nghiên cứu từng làm việc ở nước ngoài. Ở Trung Quốc, những người từ hải ngoại hồi hương về nước được gọi là "rùa biển". Hai công ty sinh học CanSino và Abogen chính là được thành lập bởi các "rùa biển".
Ba năm trước, ông Reiji Morishima, Phó Chủ tịch của tập đoàn Fobeni, đã rất ngạc nhiên trước văn hóa làm việc của đất nước Trung Quốc khi mới chuyển từ Tokyo đến Thượng Hải làm việc. Ông nói cảm thấy môi trường “khá Tây” khi nhân viên tại các công ty dược phẩm Trung Quốc có chuyên môn rất cao.
CEO của Junshi, ông Ning Li, đã làm việc tại FDA Mỹ và tập đoàn sản xuất thuốc Sanofi của Pháp. Ông nói rằng điều này giúp công ty của ông “tiến nhanh hơn” vì ông đã có kinh nghiệm từ cả mặt thương mại lẫn quản lý. Theo ông, hầu hết các nhà nghiên cứu tại Junshi đều đến từ các công ty đa quốc gia. Ông nói: “Họ chính là tài sản quý giá nhất".
Phó Chủ tịch cấp cao Morgon của CanSino cho biết, các “rùa biển” đã giúp ngành công nghiệp dược phẩm Trung Quốc dễ dàng đạt được các tiêu chuẩn quốc tế về chất lượng, quy định và quy trình.
Bắc Kinh đã tung ra nhiều biện pháp khuyến khích để thu hút các "rùa biển" về nhà. Ông Jin Li, CEO của công ty Hitgen có trụ sở tại Tứ Xuyên, đã tham gia chương trình “Nghìn nhân tài” của chính phủ, theo China Daily. Chương trình này cung cấp tài trợ và các lợi ích hào phóng cho các nhà nghiên cứu và gia đình của họ. Ông Li đã từng làm việc tại AstraZeneca trước khi sáng lập Hitgen.
Trong một số trường hợp, doanh nghiệp dược phẩm tại Trung Quốc còn đề nghị chia cổ phần công ty cho các nhân tài ở nước ngoài để đổi lấy sự phục vụ của họ.
Theo ông John Wong, Giám đốc cấp cao tại hãng tư vấn Boston Consulting Group, đại dịch COVID-19 và căng thẳng Mỹ - Trung đã giúp ích rất nhiều cho các công ty dược phẩm Trung Quốc.
Ông Wong nói: “Trong bối cảnh chính phủ Mỹ có thái độ cứng rắn với người Trung Quốc làm việc tại các trường đại học, các nhà nghiên cứu trẻ tuổi, tài năng sẽ thích quay về quê hương hơn".