[Phần 1] Ổ dịch COVID-19 tại Hàn Quốc lại là nơi nắm trong tay vận mệnh của chuỗi cung ứng điện tử toàn cầu
Hiện nay, Apple và các đối thủ châu Á đang tập trung sản xuất nhiều linh kiện quan trọng cho điện thoại thông minh, TV,... hay phát triển công nghệ điện toán đám mây ở khu công nghiệp Gumi.
Tuy nhiên, đại dịch COVID-19 lại phơi bày mức độ rủi ro của chiến lược nêu trên cũng như tính mong manh của chuỗi cung ứng điện thoại thông minh, khi mà Daegu là tâm dịch COVID-19 tại Hàn Quốc, chiếm khoảng 85% tổng số ca bệnh tại nước này.
Theo Financial Times (FT), Samsung Electronics và LG Electronics - hai đầu tàu kinh tế thời hậu chiến của Hàn Quốc, hiện nằm trong nhóm các nhà cung ứng chip nhớ, tấm màn hình OLED và mô đun máy ảnh lớn nhất thế giới.
Việc sản xuất các linh kiện thiết yếu này tập trung chủ yếu ở một số địa điểm quanh Gumi và ngoại ô thủ đô Seoul.
Đối với người tiêu dùng, nguồn cung iPhone và iPad bị siết chặt là một vấn đề lớn trong bối cảnh dịch COVID-19 làm gián đoạn hoạt động sản xuất tại Trung Quốc. Nhiều nhà bán lẻ và khai thác mạng di động tại Mỹ và châu Âu hiện đang khan hiếm một số mẫu sản phẩm. iPad cũng cháy hàng khi học sinh chuyển sang học trực tuyến.
Apple đã đóng cửa toàn bộ cửa hàng bên ngoài Trung Quốc đại lục và hạ dự báo doanh thu quí I/2020 (tức quí II trong niên độ tài chính của công ty). Độ trễ trong khâu vận chuyển các đơn hàng điện thoại thông minh của Samsung và Huawei cũng nới dài do dịch COVID-19.
Tuy nhiên, một số chuyên gia trong ngành đã dự đoán trước về một cú sốc cầu khi suy thoái kinh tế toàn cầu dự kiến sẽ gây ảnh hưởng đến doanh số bán điện thoại thông minh.
Khi từng bộ phận của chuỗi cung ứng rơi rụng như quân cờ domino
Số ca nhiễm COVID- 19 tại Trung Quốc - thị trường lắp ráp phần lớn thiết bị điện tử tiêu dùng của thế giới, đã giảm dần kể từ khi lần đầu bùng phát ở thành phố Vũ Hán và hàng loạt nhà máy đang dần hoạt động trở lại.
Tuy nhiên, ngay cả sau khi hoạt động sản xuất tại Trung Quốc trở lại bình thường, tình trạng thiếu hụt thiết bị công nghệ có thể trở nên tồi tệ hơn.
Trung Quốc phụ thuộc nhiều vào các linh kiện điện tử quan trọng của Hàn Quốc, trong khi dịch COVID-19 chỉ mới bùng phát ở xứ kim chi, đồng nghĩa rằng tình trạng gián đoạn có thể kéo dài lâu hơn.
"Nếu chuỗi cung ứng bị gián đoạn kéo dài, hàng loạt nhà máy của Samsung và LG Electronics ở nước ngoài, bao gồm tại Trung Quốc và Việt Nam, có thể sụp đổ", S&P Global nhận định.
Tình trạng thiếu nguyên liệu thô, chính phủ các nước siết chặt lệnh hạn chế di chuyển và dây chuyền sản xuất tạm ngừng hoạt động có thể khiến các nhà máy đình đốn lâu hơn.
Điện thoại thông minh là sản phẩm đặc biệt dễ bị tổn hại. Gần như toàn bộ màn hình của các dòng điện thoại thuộc phân khúc cao cấp đều do Samsung và LG sản xuất. Apple phụ thuộc vào tấm màn hình OLED của hai ông lớn công nghệ Hàn Quốc để sản xuất iPhone X và iPhone 11 Pro.
Samsung và LG Electronics cũng sử dụng tấm màn hình tương tự trong sản phẩm điện thoại thông minh của riêng họ. Các mẫu điện thoại cao cấp của Huawei sử dụng tấm nền của Samsung. Điện thoại Google Pixel, mô đun máy ảnh của iPhone và màn hình của Apple Watch đều do LG sản xuất.
Theo dữ liệu của IHS Markit, Samsung và LG cùng nhau sản xuất hơn 94% tấm màn hình OLED cho điện thoại thông minh trong quí IV/2019.
Mức độ hiện diện của hai gã khổng lồ Hàn Quốc trong phòng khách cũng không kém phần nổi bật, khi TV OLED của Sony, Bang & Olufsen, Panasonic và Philips đều sử dụng tấm màn hình của LG. LG là nhà cung ứng lớn duy nhất cho tấm màn hình TV OLED trên toàn cầu, mỗi năm xuất xưởng gần 3 triệu đơn vị.
Còn trong không gian văn phòng, Dell và Amazon - hai tay chơi lớn nhất thế giới trong mảng điện toán đám mây, phụ thuộc vào chip của Samsung cho sản phẩm máy tính và máy chủ của họ.
Gần 3/4 chip nhớ Dram trên thế giới, mà nếu thiếu thì người tiêu dùng không thể có được điện thoại thông minh, máy tính hoặc máy chủ internet, đều do Samsung và đối thủ "cùng quê" SK Hynix sản xuất.
Tác động của tình trạng thiếu hụt nguồn cung linh kiện công nghệ sẽ tương đối lớn, có thể gây ra hạn chế về nguồn cung và đẩy giá sản phẩm lên cao.
Chuỗi cung ứng tức thời và qui trình sản xuất chip phức tạp phải mất tới 6 tháng để thiết lập khiến doanh nghiệp khó lòng mà nhanh chóng tích trữ nguồn cung linh kiện.
FT dẫn lời các nhà phân tích dự báo nhu cầu chip máy chủ, màn hình OLED, màn hình TV và tai nghe không dây sẽ vượt cung trung bình 30% trong tháng 3.
"Cho dù là do cú sốc cung hay cầu, các hãng chế tạo sẽ nhận thấy tác động của đại dịch COVID-19 trong hết năm 2020", chuyên gia Hyun Bae của Samsung Securities cho biết.
Thế giới chỉ biết đến tầm quan trọng của Gumi khi Samsung, LG và SK Hynix rung lắc vì đại dịch COVID-19
Nền kinh tế kĩ thuật số của thế giới đã trở nên phụ thuộc vào khu công nghiệp Gumi. Dù phương Tây ít nghe đến nhưng khu công nghiệp này đóng vai trò rất quan trọng trong chuỗi cung ứng của thế kỉ 21.
Lần duy nhất khu công nghiệp Gumi trở thành đề tài bàn tán trên báo chí quốc tế là vào năm 1995, khi Chủ tịch Samsung Lee Kun-hee yêu cầu tiêu hủy 150.000 điện thoại di động sản xuất tại đây khi một số sản phẩm phát hiện bị lỗi.
Tại khu công nghiệp Gumi, Samsung đang sản xuất các dòng điện thoại cao cấp Galaxy S20 và Note 10. Mảng kinh doanh điện thoại thông minh chiếm 47%, đương 86,3 tỉ USD tổng doanh thu của Samsung. Các nhà máy sản xuất tấm màn hình của LG cũng đặt gần Gumi.
Nhà máy sản xuất điện thoại thông minh của Samsung tại Gumi đã đóng cửa hai lần trong tháng 2 sau khi 4 công nhân nhiễm COVID-19. Các công ty con của LG gồm LG Display và LG Innotek cũng tạm thời đóng cửa nhà máy sản xuất tấm màn hình và mô đun máy ảnh. Samsung đã buộc phải tạm thời chuyển công suất sang Việt Nam.
Các nhà máy sản xuất tấm màn hình được thiết kế để vận hành 24h/ngày, 7 ngày/tuần. Nếu các chất gây ô nhiễm từ bên ngoài xâm nhập vào phòng sạch (cleanroom), hoạt động của nhà máy sẽ bị tạm dừng trong tối đa ba ngày.
Để quay trở lại công suất tối đa, bao gồm việc tái thiết lập toàn bộ qui trình sản xuất, nhà máy có thể mất đến một tuần.
Theo FT, Samsung thường sản xuất hơn 400.000 tấm màn hình OLED/tháng. Mỗi tấm được cắt ra dùng cho khoảng 200 điện thoại thông minh, tức hơn 400.000 tấm đủ cho khoảng 110 triệu thiết bị. Nguồn cung giảm chỉ trong một tuần có thể khiến 20 triệu thiết bị chậm ra mắt.
Sự chậm trễ đó tác động đến chuỗi cung ứng, cùng với nguyên tắc sản xuất tinh gọn, làm cho các hãng sản xuất không dư nhiều hàng tồn kho.
Các địa điểm sản xuất khác như tỉnh Gyeonggi (gần thủ đô Seoul) cũng không nằm ngoài tầm ảnh hưởng của dịch COVID-19. Dây chuyền sản xuất chip của Samsung và SK Hynix tập trung quanh khu vực này. Hàng nghìn công nhân của hai công ty này đã bị cách li.
Chip là trung tâm của chuỗi cung ứng công nghệ toàn cầu và 80% chip nhớ xuất khẩu của Hàn Quốc được vận chuyển đến các nhà máy lắp ráp tại Trung Quốc vào năm ngoái.
Đài Loan, Nhật Bản và Việt Nam cũng phụ thuộc vào Hàn Quốc. Bất kì sự đứt gãy nào trong hoạt động sản xuất chip cũng có thể khiến hàng nghìn nhà máy trên khắp Trung Quốc và Việt Nam điêu đứng...