|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Hiệu ứng domino của dịch COVID-19: Việt Nam khép hờ cánh cửa, từ nhà cung ứng đến Samsung, LG, Apple đều bối rối

14:52 | 09/03/2020
Chia sẻ
Khi Trung Quốc còn là điểm nóng về dịch COVID-19, Việt Nam đóng cửa khẩu, khiến nguồn linh kiện điện tử bị ách lại tại biên giới đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động của các công ty Hàn Quốc ở Việt Nam. Đến khi Hàn Quốc trở thành ổ dịch lớn, tình hình còn tồi tệ hơn.

Đối với một công ty đa quốc gia chuyên sản xuất linh kiện điện thoại thông minh cho Apple và LG Electronics tại Hàn Quốc, dịch virus corona (COVID-19) đang gây ra vô số thiệt hại.

Ban đầu, dịch COVID-19 bùng phát tại đất nước tỉ dân đã buộc nhà máy chi nhánh Trung Quốc của hãng này phải đóng cửa gần ba tuần và khiến nguồn cung từ Trung Quốc sang nhà máy ở Hải Phòng dần cạn kiệt.

Khi dịch COVID-19 lan đến Hàn Quốc, các lệnh hạn chế nhập cảnh đã khiến công nhân tại nhà máy chi nhánh Hải Phòng không thể vận hành bình thường.

Hiệu ứng domino của dịch COVID-19: Việt Nam khép hờ cánh cửa, từ nhà cung ứng đến Samsung, LG, Apple đều bối rối - Ảnh 1.

Cận cảnh một góc cảng Hải Phòng, Việt Nam. (Ảnh: Reuters)

Hiện tại, hãng chế tạo nêu trên đang nghiên cứu tình trạng gián đoạn tại nhà máy chi nhánh Gumi, cách ổ dịch Daegu của Hàn Quốc chưa đến một tiếng đi xe. Hãng này từ chối tiết lộ danh tính để bảo vệ các mối quan hệ kinh doanh.

Ngoài khó khăn triền miên trong việc tìm kiếm nguồn cung từ Trung Quốc, hãng cung ứng linh kiện màn hình điện thoại thông minh và mô đun máy ảnh cho LG nói trên còn phải gánh chịu thiệt hại khác khi một số công nhân bị cách li.

Thêm vào đó, hãng này còn đang lo ngại về các vấn đề có thể xảy ra đối với nhóm khách hàng cuối cùng (end-customer) của họ, trong đó có Apple.

"Dịch COVID-19 gây ra hiệu ứng domino lên các nhà cung ứng", một giám đốc cấp cao của công ty trên chia sẻ với Reuters. "Tôi chỉ biết ngửa mặt lên trời và thở dài ngao ngán".

Thiệt hại của hãng chế tạo trên cho thấy cuộc khủng hoảng COVID-19 đã làm rung chuyển chuỗi cung ứng thiết bị điện tử châu Á như thế nào khi mà tác động của thương chiến Mỹ - Trung này còn chưa dứt.

Đồng thời, COVID-19 còn chỉ ra vai trò không thể thiếu của hệ thống nhà máy Trung Quốc trong chuỗi cung ứng công nghệ châu Á.

Đầu tư vào Việt Nam nhiều chưa thể giúp doanh nghiệp Hàn Quốc an tâm trong dịch COVID-19

Reuters cũng nhận định các vấn đề của hãng cung ứng linh kiện này còn cho thấy chiến lược đầu tư mạnh tay của doanh nghiệp Hàn Quốc vào Việt Nam chưa được xem là hàng rào phòng thủ chắc chắn trước những rủi ro từ Trung Quốc.

Dẫn đầu bởi hai ông lớn LG và Samsung, các công ty Hàn Quốc đã xây dựng cơ sở tại Việt Nam trong nhiều năm qua do chi phí sản xuất tại Trung Quốc tăng lên, bên cạnh rủi ro về chính trị và lo ngại về nguy cơ trộm cắp tài sản trí tuệ ở thị trường tỉ dân.

Mặc dù Trung Quốc vẫn là nguồn cung tốt nhất cho nhiều linh kiện điện tử và nguyên liệu, đồng thời là mái nhà của nhiều công ty công nghệ nội địa và khách hàng quốc tế lớn như Apple, vị trí địa lí của Việt Nam khiến nước ta trở thành một điểm đến phù hợp để bù đắp rủi ro.

Doanh nghiệp Hàn Quốc là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam, hiện có hơn 4.000 công ty đang hoạt động ở nước ta.

Hiệu ứng domino của dịch COVID-19: Việt Nam khép hờ cánh cửa, từ nhà cung ứng đến Samsung, LG, Apple đều bối rối - Ảnh 2.

Mức độ phụ thuộc qua lại thực sự rất sâu sắc: Chỉ riêng Samsung đã chiếm 1/4 tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam, và Việt Nam là thị trường xuất khẩu lớn thứ ba của Hàn Quốc cũng như là thị trường lớn thứ 5 về cung ứng hàng hóa cho Hàn Quốc.

Số lượng khách du lịch lớn cũng đóng góp vào mối quan hệ hợp tác kinh tế song phương. Có khoảng 3,5 triệu lượt khách Hàn Quốc đến Việt Nam vào năm 2018, tăng 44% so với năm trước. Các hãng hàng không Việt - Hàn đã thực hiện khoảng 538 chặng bay/tuần giữa hai nước vào năm ngoái.

Vì vậy, khi Việt Nam bắt đầu hạn chế nhập cảnh, kế hoạch kinh doanh của các doanh nghiệp đều bị xáo trộn. Hầu hết chuyến bay giữa hai nước hiện đang tạm ngừng và bắt đầu từ hôm 8/3, toàn bộ du khách Hàn Quốc đến Việt Nam sẽ phải chịu cách li 14 ngày.

"Chúng tôi đang trải qua khoảng thời gian khó khăn, vì nhân viên công ty không thể làm việc tại Việt Nam", Reuters dẫn lời CEO của một nhà cung ứng khác cho LG chia sẻ.

Công ty này có trụ sở ở Gumi, chuyên sản xuất thiết bị tự động hóa cho hệ thống định vị xe hơi mà Honda Motor và Hyundai Motor sử dụng. Công ty đang lo lắng rằng họ sẽ phải hoãn lắp đặt thiết bị vì không thể đưa kĩ sư đến Việt Nam.

"Nếu dịch COVID-19 kéo dài 2 - 3 tháng, chúng tôi sẽ gặp rắc rối lớn", vị CEO trên cho hay.

Việc các kĩ sư trực tiếp hướng dẫn cải tiến công nghệ và quản lí khâu kiểm soát chất lượng có thể đóng vai trò rất quan trọng.

"Quản lí có thể họp trực tuyến, nhưng kĩ sư sản xuất phải trực tiếp đến nơi để giải quyết vấn đề", ông Park Ho-hwan - giáo sư tại Đại học Ajou cho hay. Ông Park từng nghiên cứu về hoạt động của Samsung ở Việt Nam và Hàn Quốc.

Hiệu ứng domino của dịch COVID-19: Việt Nam khép hờ cánh cửa, từ nhà cung ứng đến Samsung, LG, Apple đều bối rối - Ảnh 3.

Hàn Quốc, Italy thành ổ dịch, Apple buộc phải lưu tâm

Hai tuần trước, mối quan tâm lớn nhất liên quan đến virus corona của các công ty công nghệ Hàn Quốc là phải duy trì hoạt động của các nhà máy tại Việt Nam.

Từ giai đoạn đầu của dịch, Việt Nam đã đóng cửa biên giới với Trung Quốc, khiến nhiều nguồn cung linh kiện quan trọng không thể thông quan.

Samsung đã nhanh chóng giải quyết vấn đề logistics, trong đó có phương án dùng máy bay vận chuyển linh kiện khẩn cấp thay vì đi theo đường bộ.

Các vấn đề nêu trên hiện nay đã giảm bớt, nhưng khi bùng phát ở Hàn Quốc, dịch COVID-19 lại gây ra mối đe dọa thậm chí còn nghiêm trọng hơn nếu hàng loạt công nhân bị cách li và nhà máy phải tạm ngừng hoạt động.

Trong vài tuần qua, Samsung Electronics đã tạm đình chỉ sản xuất tại nhà máy điện thoại thông minh ở Gumi, trong khi LG Display và LG Innotek cũng tạm dừng hoạt động trong vài ngày.

Samsung còn khuyên các công nhân nên tránh tụ tập cuối tuần cùng gia đình và bạn bè, yêu cầu họ đeo khẩu trang và duy trì khoảng cách hơn 2m khi nói chuyện với nhau.

"Chúng tôi đang nỗ lực hết sức để giảm thiểu tác động của dịch COVID-19 lên hoạt động của công ty", Samsung tuyên bố.

Apple, vốn mua màn hình từ LG Display, mô đun camera từ LG Innotek và một số sản phẩm như chip nhớ và màn hình từ Samsung, phải lưu tâm đến tình hình.

"Tôi nghĩ sự chú ý trong vài ngày gần đây đã chuyển từ Trung Quốc sang Hàn Quốc và Italy. Do đó, tôi nghĩ việc quan sát chuyện gì đang xảy ra ở hai nước này và liệu có diễn biến mới nào không là rất quan trọng", CEO Apple Tim Cook cho hay trong một buổi phỏng vấn với Fox News.

"Chuỗi cung ứng của Apple tại Trung Quốc tương đối quan trọng hơn, nhưng chúng tôi cũng kinh doanh tại Hàn Quốc và Italy. Ngoài ra, Apple còn có nhiều nhà cung ứng ở hai nước này. Chúng tôi cần phải quan sát diễn biến tiếp theo", ông nhấn mạnh.

Yên Khê