Samsung Electronics tiến thoái lưỡng nan vì biện pháp kiểm soát đại dịch COVID-19 của Việt Nam
Hồi cuối tháng trước, chính phủ Việt Nam đã ban hành lệnh cách li bắt buộc hai tuần đối với toàn bộ công dân đến từ Hàn Quốc để hạn chế tốc độ lây lan của đại dịch COVID-19.
Động thái mới nhất của Việt Nam đã thúc đẩy chính quyền Seoul thực hiện một chiến dịch xin miễn trừ cách li chưa từng có để các công ty đa quốc gia như Samsung Electronics và LG Electronics có thể tiến hành kế hoạch ra mắt sản phẩm đúng hạn.
Ông Park Noh-wan - Đại sứ Hàn Quốc tại Việt Nam, cho biết để Samsung có thể cho ra mắt một sản phẩm mới đòi hỏi 1.000 chuyên gia Hàn Quốc.
Các nhà máy Samsung tại Việt Nam hiện đang lắp ráp gần 50% điện thoại Galaxy mà hãng phân phối trên toàn cầu.
Theo Nikkei Asian Review, Việt Nam còn là trung tâm sản xuất tấm màn hình OLED và thiết bị gia dụng của Samsung. Gã khổng lồ công nghệ này đã tăng cường đầu tư vào Việt Nam từ lâu và chiếm khoảng 1/4 tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu.
Tuy nhiên, các chuyên gia Hàn Quốc chịu trách nhiệm cải tiến dây chuyền sản xuất tấm màn hình OLED cho dòng smartphone mới về cơ bản không thể nhập cảnh Việt Nam nếu không thực hiện cách li 14 ngày bắt buộc. Điều này đe dọa đến khâu sản xuất dòng smartphone Galaxy Note dự kiến sẽ lên kệ vào mùa hè này.
Đích thân Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã đưa ra một yêu cầu đặc biệt, nhờ đó 182 chuyên gia của Samsung mới có thể nhập cảnh Việt Nam mà không cần cách li bắt buộc.
Theo Nikkei, số ca nhiễm COVID-19 tại Hàn Quốc bắt đầu tăng đột biến vào cuối tháng 2, có lúc biến xứ kim chi thành ổ dịch lớn thứ hai thế giới sau Trung Quốc đại lục.
Qui định kép của Việt Nam khiến Samsung "đứng ngồi không yên"
Theo Bộ Ngoại giao Hàn Quốc, số quốc gia/vùng lãnh thổ cấm du khách Hàn Quốc đã tăng lên 100 chỉ trong một tuần. 15 quốc gia/vùng lãnh thổ khác, trong đó có Việt Nam, đưa ra lệnh yêu cầu cách li bắt buộc.
Chính phủ Việt Nam cũng ngừng cấp thị thực (visa) cho khách du lịch từ Hàn Quốc, động thái mà một giám đốc doanh nghiệp gọi là "lệnh cấm nhập cảnh có sức ảnh hưởng". Toàn bộ 436 chuyến bay/tuần giữa sân bay quốc tế Incheon và các sân bay Việt Nam đều bị tạm ngưng.
Samsung đang phải đối mặt với hồi chuông báo động. Giám đốc viễn thông và IT Koh Dong-jin của Samsung chia sẻ với các cổ đông hôm 18/3 rằng đại dịch COVID-9 có thể khiến thị trường smartphone toàn cầu sụt giảm trong năm nay.
Tuy nhiên, ông Koh cho biết Samsung sẽ vượt qua thách thức mới thông qua mở rộng thị phần ở phân khúc cao cấp hiện chưa vấp phải sự cạnh tranh từ các "tay chơi" Trung Quốc.
Các nhà đầu tư lại không hoàn toàn đồng ý. Eugene Investment & Securities nhận thấy lợi nhuận hoạt động của Samsung trong năm nay sẽ chỉ đạt mức 33 nghìn tỉ won (tương đương 26,3 tỉ USD), tức giảm 12% so với dự báo hồi cuối tháng 1.
Trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu đang chững lại, khả năng Samsung phục hồi trong nửa cuối năm 2020 là chưa chắc chắn, nhà phân tích Lee Seung-woo cảnh báo.
Giá cổ phiếu của Samsung đã giảm 5,8% trong phiên giao dịch hôm 19/3 và lao dốc 31% so với mức đỉnh mọi thời đại ghi nhận hồi cuối tháng 1.
Tại thị trường quê nhà, Samsung phải liên tục đóng cửa nhà máy Gumi - cơ sở sản xuất dòng smartphone gập Galaxy Z Flip sau khi một số công nhân cho kết quả dương tính với dịch COVID-19. Giới quan sát đang ngày càng lo ngại rằng khả năng cung ứng các dòng máy cao cấp của Samsung sẽ bị gián đoạn.
Là nhà cung ứng chip và tấm màn hình, Samsung cũng bị ảnh hưởng khi sản lượng của các đối tác như Apple đi xuống. Việc hạn chế sản xuất của các hãng smartphone Trung Quốc như Huawei Technologies và Oppo sẽ khiến lợi nhuận của Samsung khó mà phục hồi nhanh chóng.