|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Phải chăng smartphone gập là xu thế thất bại?

11:13 | 11/04/2020
Chia sẻ
Các dòng sản phẩm smartphone gập chưa đem về nhiều thành công cho hãng điện thoại. Mới nhất, Huawei lỗ 60 triệu USD vì phiên bản Mate Xs ra mắt hồi tháng 2/2020.

Thất bại của Huawei

Năm 2018, khi Samsung công bố việc sẽ bắt tay sản xuất dòng smartphone gập, nhiều người đã nghĩ về một cuộc cách mạng với dòng điện thoại thông minh trông đã quá quen thuộc với người tiêu dùng. Trên thực tế, "xu thế" nghiên cứu và phát triển smartphone màn hình gập cũng được một số các hãng điện thoại lớn để mắt và thực hiện.

Cùng với Samsung, Huawei là một trong những hãng "tích cực" nhất trong việc sản xuất điện thoại thông minh với khả năng đóng - mở. Hồi tháng 2/2020, Huawei đã cho ra mắt phiên bản thứ 2 của dòng smartphone màn hình gập mang tên Mate Xs.

Vào thời điểm ra mắt, Mate Xs có giá 2.700 USD, một con số rất lớn so với mặt bằng chung giá smartphone. Mức giá ấy còn cao hơn phiên bản cũ là Mate X với giá 2.420 USD vào thời điểm ra mắt.

Smartphone gập: Một xu thế thất bại? - Ảnh 1.

Mate Xs khiến Huawei lỗ 60 triệu - 70 triệu USD. Ảnh: CNBC.

Mới đây, theo Android Authority, dù giá bán lẻ của Mate Xs hiện chỉ còn tương đương 2.408 USD, Huawei vẫn lỗ nặng với sản phẩm. Tổng thiệt hại của hãng smartphone Trung Quốc với Mate Xs có thể lên đến 60 triệu - 70 triệu USD.

Đây vẫn là một con số rất lớn, dù trước đó Huawei từng tuyên bố sẵn sàng chấp nhận rủi ro để định hướng thị trường. Theo CEO Richard Yu, chỉ khi nào mức giá màn hình gập mà các nhà cung cấp cho Huawei giảm, thì dòng smartphone gập mới hạ được giá bán.

Từ đó, ông đưa ra nhận định sẽ mất khoảng 2 năm để mặt bằng giá smartphone gập giảm. Tuy nhiên cho đến lúc đó, xu thế dùng smartphone gập còn trở nên "mạnh mẽ" như trào lưu vào những năm 2018, 2019 hay không lại là một câu hỏi. Huawei sẵn sàng chịu lỗ để định hướng thị trường, nhưng các hãng khác có thể không làm theo.

Sự yếu thế của dòng smartphone gập

Samsung lần đầu tiên ra mắt Galaxy Fold cách đây hơn 1 năm. Thời điểm đó sản phẩm đã tạo nên tiếng vang trên toàn thế giới. Thậm chí nhiều tờ báo gọi nó là "smartphone 2.000 USD" bởi giá bán lẻ của Galaxy Fold lên đến 1.980 USD, một mức giá rất cao ở thời điểm đó.

Trong khi chưa thể nhanh chóng định hướng thị trường, Samsung lại gặp rắc rối khi Galaxy Fold gặp lỗi kĩ thuật. Công ty buộc phải thu lại sản phẩm, đồng thời hủy đơn đặt hàng để sửa lỗi. Nhiều hãng thông tấn trên thế giới khẳng định Galaxy Fold mà một sản phẩm thất bại.

Smartphone gập: Một xu thế thất bại? - Ảnh 2.

Samsung buộc phải hạ giá Z Flip 30% so với dòng Galaxy Fold. Ảnh: CNBC.

Đầu năm 2020, Samsung ra mắt thêm một smartphone gập khác với tên gọi Z Flip. Dù có thể gọi là phiên bản tiếp theo của Galaxy Fold, nhưng thiết kế của Samsung đã thay đổi hẳn: Từ gập ngang thành gập dọc. Ngoài ra, Samsung cũng "hạ giá" Z Flip xuống 30% so với Galaxy Fold ra cách đó 1 năm, qua đó hút thêm người dùng.

Ngoài Samsung và Huawei, một vãi hãng điện thoại khác cũng từng muốn đón đầu xu hướng với smartphone gập. Tuy nhiên cho đến lúc này, hầu hết trong số chúng chưa thành công. 

OPPO từng mang smartphone gập tới hội nghị triển lãm MWC 2019. Tuy nhiên công ty từ chối tiết lộ cấu hình máy, đồng thời cũng chưa có ý định thương mại hóa sản phẩm. 

Trong năm 2019, một tên tuổi đình đám trong quá khứ của làng điện thoại là Motorola cũng trình làng một smartphone gập. Raz 2019 là phiên bản làm lại từ dòng điện thoại gập RAZR V3 gây bão năm 2004. Dù vậy, Raz 2019 với mức giá 1.500 USD vẫn được cho là quá cao so với cấu hình của máy.

Với camera chính 16MP, chip xử lý Snapdragon 710, RAM 6 GB, bộ nhớ trong 128 GB và pin 2.510 mAh, Raz 2019 có thể nói là một chiếc điện thoại không hơn quá nhiều so với Mi 8SE của Xiao Mi nhưng lại có giá cao hơn so với iPhone 11. Rõ ràng phần "giá trị gia tăng" của phần màn hình gập đang là quá lớn.

Đầu năm nay, tạp chí CNET đưa mẫu máy Raz 2019 ra thử nghiệm gập nhiều lần và kết quả là bản lề gãy sau 27.000 lần gập. Một nghiên cứu trước đó có thấy người dùng trung bình đóng mở điện thoại 80 lần/ngày. Do đó dư luận lo ngại về độ bền của smartphone gập Raz 2019.

Smartphone gập: Một xu thế thất bại? - Ảnh 3.

Bản lề của Motorola Raz 2019 có vấn đề về độ bền. Ảnh: CNBC.

XiaoMi, một hãng điện thoại giá rẻ cũng từng sản xuất smartphone màn hình gập cấu hình cao mang tên Mi Mix Alpha. Theo dự kiến ban đầu, Mi Mix Alpha sẽ mở bán từ tháng 12 năm ngoái. Thế nhưng những rắc rối trong quá trình phát triển khiến XiaoMi buộc lùi ngày bán vô thời hạn.

Thành công của Apple cho đến thời điểm hiện tại, có thể nói một phần đến từ việc định hướng xu thế cho smartphone trong quá khứ. Thời điểm 2007, Apple định hình smartphone tương lai với công nghệ cảm ứng điện dung đa điểm, loại bỏ bàn phím thực. Hiện tại, hầu hết smartphone đều theo xu thế này.

Trong khi đó, smartphone gập dường như lại là một xu thế chưa phù hợp, ít nhất ở thời điểm hiện tại. Các sản phẩm điện thoại thông minh gập vẫn cần thêm cải tiến về kĩ thuật, đồng thời giảm giá để có thể định hướng thị trường và thu hút thêm người dùng.

Tiểu Phượng