Phác họa chân dung FLCHomes trước ngày đưa 416 triệu cổ phiếu FHH lên thị trường UPCoM
Sơ đồ tổ chức và mô hình sở hữu công ty mẹ-con của FLCHomes. Ảnh: Đức Quyền.
Vốn điều lệ tăng gấp 208 lần sau gần hai năm thành lập
Ngày 2/2/2016, Công ty cổ phần Dịch vụ Du lịch và Giải trí Biscom được thành lập với vốn điều lệ 20 tỉ đồng. Đến ngày 8/3/2017, công ty tăng vốn lên 1.000 tỉ đồng. Ngày 1/9/2017, công ty lại tăng vốn điều lệ lên 1.800 tỉ đồng.
Biscom tiếp tục tăng vốn lên 2.600 tỉ đồng vào ngày 13/10/2017. Hơn một tháng sau đó, vào ngày 20/11/2017, công ty phát hành cổ phiếu để hoán đổi toàn bộ cổ phần đang lưu hành trong CTCP Hóa chất và Vật tư Khoa học Kỹ thuật (Cemacao), qua đó nâng vốn điều lệ lên mức 4.160 tỉ đồng như hiện nay.
Như vậy chỉ sau 21 tháng, vốn điều lệ của Biscom đã cao gấp 208 lần ngày thành lập. Cũng trong khoảng thời gian này, công ty đổi tên thành CTCP Đầu tư Du thuyền và Sân golf FLC Biscom.
Quá trình tăng vốn điều lệ của FLCHomes. Nguồn: Kiên Dương tổng hợp.
Ngày 2/5/2019, FLC Biscom đổi tên thành CTCP Đầu tư Kinh doanh Phát triển Bất động sản FLCHomes đồng thời thay đổi người đại diện theo pháp luật sang Chủ tịch HĐQT Đàm Ngọc Bích – người đồng thời là Phó Tổng Giám đốc thường trực của Tập đoàn FLC.
Liên quan đến thương vụ sáp nhập để nâng vốn lên 4.160 tỉ đồng năm 2017, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) mới đây đã ra quyết định xử phạt FLCHomes 400 triệu đồng vì ngày 20/11/2017 đã phát hành cổ phiếu để hoán đổi cổ phần của Cemacao (đổi tên thành CTCP Thương mại quốc tế - Biscem từ 30/10/2017) nhưng không nộp hồ sơ đăng kí chào bán chứng khoán ra công chúng cho UBCK.
Ngoài ra, trong thời gian tháng 9-10/2017, Biscem đã chào bán chứng khoán ra công chúng để tăng vốn điều lệ từ 18,11065 tỉ đồng lên 1.200 tỉ đồng nhưng cũng không đăng kí với UBCK theo qui định.
Do ngày 20/11/2017, FLComes đã nhận sáp nhập Biscem nên UBCK yêu cầu FLCHomes phải thu hồi chứng khoán đã chào bán, hoàn trả cho nhà đầu tư tiền mua chứng khoán hoặc tiền đặt cọc (nếu có) cộng thêm tiền lãi.
Ngay trong ngày 19/11/2019 khi UBCK ra quyết định xử phạt, FLCHomes ra thông báo khẳng định công ty đã nộp đủ số tiền phạt 400 triệu đồng, đồng thời công ty đã nhận được văn bản cho biết tất cả nhà đầu tư liên quan đều không yêu cầu công ty hoàn trả tiền.
Do vậy, FLCHomes cho rằng mình đã hoàn thành việc khắc phục hậu quả liên quan đến thương vụ tăng vốn của Biscem.
Mục tiêu lợi nhuận tăng 10 lần sau 5 năm, giá cổ phiếu dự đoán gấp ba trong năm sau
Hiện nay FLCHomes và tổ chức tư vấn đăng kí giao dịch là CTCP Chứng khoán MBS chưa chính thức công khai bản cáo bạch và các báo cáo tài chính liên quan nên nhà đầu tư quan tâm chưa thể hiểu rõ về tình hình hoạt động của công ty.
Tại buổi roadshow giới thiệu cơ hội đầu tư vào cổ phiếu FHH tổ chức ngày 18/11 vừa qua, ông Đặng Tất Thắng – Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn FLC đã trình bày khái quát về mục tiêu kinh doanh của FLCHomes trong những năm tới.
Theo đó, FLCHomes ước tính doanh thu giai đoạn 2019-2024 sẽ tăng từ khoảng 1.700 tỉ đồng lên 11.452 tỉ đồng, chủ yếu đến từ hoạt động bất động sản và thương mại, ngoài ra còn hai mảng khác là dịch vụ môi giới bất động sản và kinh doanh sân golf.
Phó TGĐ Tập đoàn FLC Đặng Tất Thắng đang trình bày kế hoạch doanh thu của FLCHomes giai đoạn 2019-2024. Ảnh: Đức Quyền.
Lợi nhuận trong khoảng thời gian 5 năm trên được dự báo tăng từ 215 lên 2.243 tỉ đồng, tức tăng hơn 10 lần. Vốn chủ sở hữu dự kiến sẽ đi từ 4.160 lên 10.102 tỉ đồng.
Trong khi đó, 9 tháng đầu năm nay Tập đoàn FLC đạt doanh thu thuần hợp nhất 11.411 tỉ đồng, lợi nhuận sau thuế 88,5 tỉ đồng. Giả sử tình hình kinh doanh ba tháng cuối năm cũng tương tự như những tháng đầu năm, Tập đoàn FLC sẽ có lãi sau thuế 118 tỉ đồng.
Nếu so sánh, có thể thấy lợi nhuận kì vọng của FLCHomes năm 2019 sẽ cao gần gấp đôi của Tập đoàn FLC. Lưu ý rằng FLCHomes không phải công ty con hay công ty liên kết của Tập đoàn FLC nên kết quả kinh doanh không được hợp nhất vào Tập đoàn FLC.
Có mặt tại sự kiện, chuyên gia tài chính – ngân hàng, TS. Nguyễn Trí Hiếu tỏ ra thận trọng về kế hoạch tăng trưởng "nóng" này. Tuy nhiên, ông Đặng Tất Thắng – Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn FLC vẫn cho rằng thực tế FLCHomes có thể còn lớn nhanh hơn kì vọng mà ông vừa trình bày.
Chủ tịch Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết cũng tuyên bố FLCHomes sẽ không tăng trưởng 10-20% mỗi năm như các doanh nghiệp thông thường mà có thể vài trăm phần trăm mỗi năm.
Với những kì vọng lạc quan nói trên, Tập đoàn FLC và FLCHomes dự kiến giá chào sàn của cổ phiếu FHH sẽ là 35.000 đồng/cp, cao gấp nhiều lần mức giá 4.000 đồng/cp hiện nay của chính cổ phiếu FLC. Chủ tịch Trịnh Văn Quyết thậm chí còn khẳng định chắc chắn giá cổ phiếu FHH sẽ vượt 100.000 đồng/cp trong năm 2020, nếu không ông sẽ tuyên bố phá sản.
Hoạt động kinh doanh gắn liền với "hệ sinh thái FLC"
Theo thông tin tại buổi roadshow, FLCHomes đang xúc tiến triển khai 10 dự án với tổng diện tích 245 ha, tổng mức đầu tư 10.633 tỉ đồng, gồm các hạng mục: Liền kề, biệt thự, tổ hợp khách sạn, trung tâm hội nghị, cây xanh và các dịch vụ khác. Tổng doanh thu dự kiến giai đoạn 2020-2024 là khoảng hơn 28.000 tỉ đồng.
10 dự án FLCHomes đang xúc tiến triển khai bao gồm:
FLCHomes Champa City Midside Project
FLCHomes Sahuynh Midside Project
FLCHomes Harbour Midside Project
FLCHomes Lakeville Northside 1 Project
FLCHomes Lakeville Northside 2 Project
FLCHomes The Garden Southside Project
FLCHomes Regal Southside Project
FLCHomes Legend Southside Project
FLCHomes Rocco Midside Project
FLCHomes The Bay Midside Project
FLCHomes cũng là đơn vị độc quyền phân phối quĩ dự án mang thương hiệu FLC như FLC Green Apartment, FLC Garden City, Bamboo Airways Tower, FLC Complex Phạm Hùng, FLC Star Tower, FLC Landmark Tower, FLC Sea Tower, …
Ngoài ra, FLCHomes còn là nhà đầu tư chiến lược của các doanh nghiệp trong hệ thống FLC như Hãng hàng không Bamboo Airways, Nông sản FLC FAM, Nước giải khát FLC, FLC Holiday, Đại học FLC, FLC Stone và Bệnh viện Đa khoa Quốc tế tỉnh Thái Bình (công trình do Tập đoàn FLC làm chủ đầu tư).
Về đội ngũ lãnh đạo, Chủ tịch HĐQT FLCHomes là bà Hương Trần Kiều Dung - người đồng thời là Phó Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn FLC.
Tổng Giám đốc FLCHomes hiện nay là bà Đàm Ngọc Bích - Phó Tổng Giám đốc thường trực Tập đoàn FLC.
Bà Hương Trần Kiều Dung phát biểu tại sự kiện của FLCHomes tối 18/11. Ảnh: Đức Quyền.
Bà Hương Trần Kiều Dung sinh năm 1978, là Tiến sĩ Luật Quy hoạch Xây dựng, Đại học Tổng hợp Montesquieu Bordeaux IV, Pháp. Theo Tập đoàn FLC, bà có nhiều năm kinh nghiệm tư vấn về quản trị doanh nghiệp, tư vấn xây dựng, triển khai dự án, đầu tư, M&A.
Lần đầu tiên bà Dung giữ cương vị Tổng Giám đốc Tập đoàn FLC là từ ngày 9/5/2015 đến ngày 8/3/2017. Sau khi bà Dung từ nhiệm, ghế "nóng" được giao cho ông Lê Thành Vinh rồi đến ông Trần Quang Huy.
Ngày 18/7/2018, bà Dung quay lại làm Tổng Giám đốc Tập đoàn FLC và giữ vị trí này đến nay. Ngoài ra, bà Dung còn là Chủ tịch HĐQT CTCP Chứng khoán BOS (trước đây là Chứng khoán Artex).