OPEC muốn bắt tay Nga để chi phối thị trường dầu
OPEC muốn thiết lập một liên minh chính thức với một nhóm 10 nước do Nga dẫn đầu nhằm quản lý thị trường dầu toàn cầu. Ảnh: Bunkerist |
OPEC muốn thiết lập một liên minh chính thức với một nhóm 10 nước do Nga dẫn đầu nhằm quản lý thị trường dầu toàn cầu. Ảnh: Bunkerist
Tờ The Wall Street Journal nhận định một liên minh như vậy sẽ là làm thay đổi mạnh mẽ OPEC và có khả năng giúp thiết lập mức giá đáy của dầu thô, đi ngược lại với mục tiêu giảm giá xăng của Tổng thống Mỹ Donald Trump trước thềm cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào năm sau.
Song liên minh đó rốt cục cũng hỗ trợ cho ngành công nghiệp đang phát triển bùng nổ của Mỹ và nâng cao vị thế độc lập năng lượng của nền kinh tế lớn nhất thế giới. Các nhà sản xuất dầu đá phiến của Mỹ đã làm suy yếu vai trò điều tiết thị trường của OPEC nhưng gần đây, họ đánh mất sức mạnh vì giá dầu xuống thấp.
Các quan chức OPEC cho biết OPEC muốn ký kết một liên minh chính thức giữa các thành viên OPEC và một nhóm nước ngoài OPEC gồm Nga, các nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ, Mexico... Hai nhóm này đã gia tăng hợp tác trong những năm gần đây, bao gồm thỏa thuận cắt giảm sản lượng vừa được ký kết vào tháng 12 năm ngoái. Iran, một thành viên quan trọng của OPEC, và một nước sản xuất dầu khác, không muốn thiết lập một liên minh chặt chẽ hơn hiện nay vì lo ngại nó sẽ bị đặt dưới quyền kiểm soát của Saudi Arabia và Nga, hai nước xuất khẩu dầu hàng đầu thế giới.
Theo đề xuất mới nhất của OPEC, một khi được thành lập, thỏa thuận hợp tác mới với nhóm nước do Nga dẫn đầu sẽ không mang tính ràng buộc pháp lý và có thể kéo dài đến 3 năm. OPEC sẽ tiếp tục tổ chức các cuộc họp định kỳ với nhóm nước do Nga dẫn đầu để thống nhất về các mục tiêu sản lượng và cơ chế giám sát.
Đề xuất trên là một sự thỏa hiệp với các kế hoạch trước đó của Saudi Arabia và Các Tiểu vương quốc Ả rập thống nhất (UAE). Ban đầu, Saudi Arabia đề xuất thành lập một tổ chức hoàn toàn mới và kết nạp Nga như là một thành viên chính thức. Một tổ chức mới sẽ chấm dứt hệ thống dân chủ theo kiểu Liên Hợp Quốc hiện nay của OPEC, cho phép mỗi thành viên có quyền lực ngang bằng để bỏ phiếu cho các quyết định dù quy mô sản lượng dầu của họ nhỏ hay lớn. Tổ chức mới sẽ trao quyền lực lớn hơn cho Saudi Arabia và Nga.
Dĩ nhiên, nhiều thành viên OPEC gồm Iran, Iraq, Nigeria, Angola và Algeria phản đối đề xuất của Saudi Arabia. Tại cuộc họp hồi tháng 12 năm ngoái, Bộ trưởng Dầu mỏ Iraq Thamir Ghadhban nhắc nhở Bộ trưởng Dầu mỏ Saudi Arabia Khalid al-Falih rằng OPEC được thành lập tại Baghdad.
Sau khi nhận được đề xuất của Saudi Arabia, Bộ trưởng Năng lượng Nga Alexander Novak cho biết ông cần tham vấn đề xuất này với Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov và Điện Kremlin. Đến cuối tháng 12, Moscow chính thức bác bỏ đề xuất của Saudi Arabia.
Phát biểu trên đài truyền hình nhà nước Nga RT hôm 29-12, ông Novak nói rằng Nga không ủng hộ tổ chức mới một phần là vì lo ngại nó sẽ bị chống đối vì tính độc quyền.
Trong khi đó, Iran muốn bất kỳ mối quan hệ hợp tác nào với các nước sản xuất dầu ngoài OPEC phải lỏng lẻo hết mức có thể. Iran muốn liên minh mới chỉ họp khi cực kỳ cần thiết chẳng hạn khi thị trường dầu lâm vào khủng hoảng.
Nhóm các thành viên OPEC và nhóm nước sản xuất dầu ngoài OPEC dự định thảo luận về đề xuất thành lập liên minh chính thức giữa họ tại cuộc họp ở Vienna (Áo) vào ngày 18-2 tới. Hai bên hy vọng thỏa thuận cuối cùng sẽ đạt được khi các đại diện của họ gặp nhau lại vào tháng 4-2019.
Một liên minh chính thức được thành lập bởi Saudi Arabia và Nga được kỳ vọng giúp giá dầu Brent đi lên từ ngưỡng quanh mốc 60 đô la/thùng. Saudi Arabia đang muốn giá dầu Brent hướng đến mốc 80 đô la/thùng để cân bằng ngân sách.
Song liên minh đó có thể chọc giận Tổng thống Donald Trump vì trong năm qua, ông nhiều lần chỉ trích OPEC thao túng thị trường dầu.
Hôm 7-2, Ủy ban Tư pháp Hạ viện Mỹ đã thông qua dự luật NOPEC, cho phép các cơ quan chính phủ Mỹ và các bên tư nhân kiện các tổ chức hợp tác dầu mỏ như OPEC và các công ty dầu khí quốc gia của các thành viên OPEC về những vi phạm luật chống độc quyền của Mỹ bằng cách kiểm soát nguồn cung để tác động giá dầu. Trong một cuốn sách phát hành vào năm 2011, Tổng thống Trump đã lên tiếng ủng hộ dự luật NOPEC.