Ông Trương Gia Bình: Chục năm chuẩn bị cho cuộc hợp tác với Nvidia
FPT hiện là một trong những đối tác lớn nhất khi cùng Nvidia xây dựng nhà máy AI ở Việt Nam và Nhật Bản. Tròn một năm kể từ lần gặp trực tiếp CEO Nvidia Jensen Huang ngày 10/12/2023, ông Trương Gia Bình chia sẻ lại câu chuyện hợp tác cũng như đánh giá về tương lai AI tại Việt Nam.
- Ông nhiều lần dùng từ "đặt cược" để nói về sự đầu tư của FPT vào mảng AI. Các ông suy tính gì khi quyết định như vậy?
Nói FPT đặt cược vào AI có nghĩa niềm tin thành công của chúng tôi cao hơn rất nhiều. Trước đây FPT quyết định ra toàn cầu, chúng tôi không gọi "đặt cược" vì biết có thể thất bại và cũng lường trước là vô cùng khó khăn. Nhưng bây giờ, chúng tôi dùng từ này, bởi tin đây là quyết định đúng đắn nhất.
Vì sao tôi nói vậy? Thứ nhất, các tập đoàn lớn đều đầu tư vào AI với mức độ có thể gấp đôi sau mỗi năm và ở quy mô hàng trăm tỷ USD. Nvidia trở thành công ty hơn 3.000 tỷ USD và sản xuất không kịp cung cấp cho thị trường. Đó là vì nhu cầu ở khắp nơi. Rất nhiều nước phải chờ đợi mà không được, nhưng Việt Nam đã có.
Thứ hai, "cược" tức là làm ngược. Trước kia khi đầu tư phần mềm, chúng tôi bắt đầu từ nghiên cứu thị trường, tính toán thật cẩn trọng việc ai sẽ đặt hàng, đặt hàng bao nhiêu, trong bao lâu. Với AI, làm thế sẽ chậm và chúng tôi làm ngược lại: Chuẩn bị hạ tầng trước, thị trường sau.
Đấy là đánh cược và chúng tôi tin tưởng mọi thứ trong tương lai đều sẽ là AI.
- Theo ông, khi nào sẽ nhìn thấy kết quả của ván cược này?
Một năm FPT làm chiến lược tổng thể một lần, nhưng riêng với AI, chúng tôi làm chiến lược một năm bốn lần. Chúng tôi yêu cầu tất cả đơn vị phải nghiên cứu về AI. Họ sẽ thông tin đang triển khai bao nhiêu đề án, bao nhiêu trợ lý đang được xây dựng, bao nhiêu trợ lý đã đưa vào cuộc sống, đem lại bao nhiêu tiền. Chưa có chuyện nào FPT làm mạnh mẽ và quyết liệt đến vậy.
Nhờ đó, kết quả có thể nhìn thấy hàng tuần, hàng tháng. Một kết quả vào loại quan trọng nhất là xây dựng hạ tầng dịch vụ AI. Ngoài máy chủ đang lắp, lắp xong cho chạy luôn, chúng tôi còn xây nền tảng để hỗ trợ mọi người có thể xử lý đơn giản nhất quá trình "biến dữ liệu thành tiền" trong các nhà máy AI.
- Rất nhiều "ông lớn" thế giới phải xếp hàng để chờ mua chip của Nvidia. Làm sao các ông thuyết phục được họ hợp tác và cung cấp chip?
Nói thuyết phục Nvidia cũng đúng vì chúng tôi rất muốn điều đó. Nhưng ngược lại, Nvidia cũng thuyết phục FPT hợp tác một cách toàn diện.
Tại hội thảo về trí tuệ nhân tạo tại Nhật Bản tháng trước, Nvidia đánh giá chúng tôi là một trong bốn đối tác ưu tiên hàng đầu trên thế giới. Họ cũng công bố FPT là công ty duy nhất đến nay cung cấp đồng thời nhà máy AI và dịch vụ chuyển đổi trí tuệ nhân tạo, tức làm cả hạ tầng, sản phẩm và dịch vụ AI để phục vụ khách hàng.
Các công ty khác hiện cung cấp cho khách hàng hoặc máy móc hoặc sản phẩm, nhưng không cung cấp người để giải quyết bài toán. Chúng tôi đã tạo ra sự khác biệt quan trọng nhất, đó là cùng khách hàng sáng tạo, sản xuất, cùng chuyển đổi trí tuệ nhân tạo, và đây là cái không có ai đang làm.
- Chưa đầy nửa năm sau cuộc gặp của ông với Jensen Huang, hai bên đã công bố nhà máy AI trị giá 200 triệu USD vào tháng 4. Các ông đã có sự chuẩn bị gì để đạt kết quả này?
Chúng tôi liên tục đi theo công nghệ và đầu tư vào AI từ hơn chục năm qua. Hàng năm, chúng tôi ngồi họp với nhau để bàn năm tới công nghệ nào sẽ nổi trội, 5 năm tới ra sao, 10 năm tới công nghệ nào thống trị. Với tầm nhìn xa như vậy, chúng tôi liên tục có sự chuẩn bị về lực lượng và làm ra các sản phẩm. Nhờ đó, FPT có đầy đủ kỹ năng công nghệ. Chúng tôi có thể tự nghiên cứu, tự triển khai, tự xây dựng mô hình.
Trong khi đó, Nvidia tập trung vào xây dựng công nghệ lõi và họ đã làm ra được những sản phẩm với năng lực tính toán khủng khiếp. Chip Blackwell bán ra vào quý 1/2025 có sức mạnh gấp nhiều lần dòng chip hiện tại. Khi đó, Nvidia rất cần những người như FPT.
Thứ nhất, không phải ai cũng sẵn sàng đầu tư mua thiết bị, có kinh nghiệm để xây dựng một đội ngũ làm trí tuệ nhân tạo. Nvidia cần những công ty đã làm cho chính mình, ra những kết quả cụ thể, đồng thời có thể triển khai cho nhiều đơn vị khác. Đấy là "lõi" hợp tác rất quan trọng. Nhân sự của chúng tôi cũng học các chứng chỉ của Nvidia để thông thạo công nghệ của họ.
Thứ hai, Nvidia mong muốn những ứng dụng AI được phát triển trên hạ tầng của họ được đi vào tất cả ngành, lĩnh vực. FPT lại có kinh nghiệm trong nhiều ngành, như phần mềm, giáo dục, viễn thông, bán lẻ, dược phẩm, truyền thông. Có thể nói việc hợp tác giữa hai bên gần như trên mọi phương diện của FPT. Chúng tôi cũng cố gắng vươn nhiều hơn nữa trong các lĩnh vực mà Nvidia đang bao phủ.
- Ông dự đoán gì về tương lai triển khai AI tại Việt Nam?
Ông Jensen Huang của Nvidia nói sự ra đời nhà máy AI (AI Factory) là một trong những sự kiện quan trọng nhất sau PC và Internet. AI Factory có thể biến dữ liệu thành trí tuệ, nói cách khác là thành tiền. Đó là bước chuyển đổi quan trọng nhất hiện nay. Nói đơn giản, AI Factory là nhà máy để nguồn nguyên liệu vào là dữ liệu và đầu ra là tiền bạc. Nhà máy AI được làm ra để phục vụ mọi người, mọi doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp khởi tạo. Theo tôi, đây là bước chuyển biến quan trọng nhất.
Con người đã trao gần hết công việc chân tay cho máy móc. Và bây giờ đến các công việc về trí tuệ. Máy sẽ là trở thành trợ lý cho tất cả. Con người chỉ làm phần tinh túy nhất là lãnh đạo trợ lý ảo.
Việt Nam sẽ có hàng nghìn nhân sự AI, nói cách khác là hàng nghìn mô hình thành thục trong mọi ngóc ngách cuộc sống. Những trợ lý đó có thể giúp một lúc hàng triệu người, tăng năng suất lao động lên chục lần. Khi đã tự động hóa, trợ lý AI sẽ thực hiện công việc với tốc độ phi nhân bản, nhanh hơn con người rất nhiều lần.
- Để đến được tương lai đó, theo ông có thách thức nào và làm sao để vượt qua?
Nhà máy vừa được xây dựng nên cần thêm thời gian. Nhưng trước mắt có thể dự báo về nhu cầu nhân lực gia tăng. Bạn có vũ khí siêu hiện đại nhưng không biết sử dụng, tổn thất chi phí sẽ rất lớn. Vì vậy, nắm chắc "vũ khí" là chuyện quan trọng nhất.
Một sai lầm lớn nhiều người đang mắc phải là cho rằng có trí tuệ nhân tạo thì không học công nghệ thông tin nữa. Số lượng sinh viên đăng ký học công nghệ thông tin có chiều hướng đi xuống và theo tôi điều đó vô cùng nguy hiểm.
Đáng lẽ thị trường phải đi ngược lại. Tức là, khi AI biết lập trình, con người càng phải học nhiều hơn nữa, nhưng không học thuần công nghệ thông tin, mà học công nghệ thông tin và trí tuệ nhân tạo. Bởi trong tương lai đó, con người phải tự thiết kế trợ lý ảo cho mình chứ không thể chờ đợi ai phục vụ. Việc không học công nghệ thông tin và AI sẽ không đảm bảo công việc trong tương lai.
Chúng ta cần thay đổi nhận thức, đó là: AI không cướp việc của ai, chỉ có những người giỏi AI lấy việc của những người còn lại. Người Việt nên giỏi AI và không chỉ làm trong nước mà còn làm cho cả thế giới.
Hôm nay mọi việc có thể trở nên vô cùng dễ dàng nhờ AI. Viết văn, làm toán, viết kịch, AI đều hỗ trợ cho bạn được. Nhưng đến ngày mai, ai cũng biết dùng AI và dùng còn giỏi hơn, tất cả những thứ bạn đang làm sẽ chẳng ai quan tâm.
Vậy cần chuẩn bị gì cho tương lai? Đó là học. Cả người và doanh nghiệp đều phải học.
Tổng Bí thư Tô Lâm công bố con đường Việt Nam bước vào kỷ nguyên vươn mình là con đường chuyển đổi số, con đường phát triển công nghệ. Chính phủ đã xác định AI là một trong những lĩnh vực ưu tiên trong chiến lược phát triển quốc gia. Ngày 10/12/2023, vào đúng sinh nhật, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã dành thời gian tiếp Nvidia. Ông Huang biết điều đó nên đã tặng lại Thủ tướng lời cam kết về một "Nvidia Việt Nam".
Khi đó, tôi nói với Jensen Huang rằng Việt Nam có một triệu kỹ sư công nghệ thông tin, nửa triệu người làm phần mềm, ông ấy trả lời: "Khỏi phải bàn, Việt Nam dứt khoát đứng cùng các dân tộc tiên tiến nhất trên thế giới". Và đấy cũng là lý do ông chọn Việt Nam làm quê hương thứ hai cho Nvidia.
Nvidia là một công ty rất đặc biệt. Họ chỉ chọn những người xuất sắc. Việt Nam được chọn có nghĩa người Việt không chỉ có tiềm năng mà thực sự đã thuyết phục được thế giới.