Ông Trương Gia Bình cam kết đào tạo 10.000 kỹ sư bán dẫn, 50.000 kỹ sư AI cho Việt Nam trong 5 năm tới
Ngày 15/1 tại Hà Nội, trong diễn đàn Quốc gia Phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam, ông Trương Gia Bình - Chủ tịch FPT, nhận nhiệm vụ làm chủ công nghệ AI, mô hình ngôn ngữ lớn với Tổng Bí thư Tô Lâm và Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng.
Người đứng đầu FPT cho biết trong thời gian tới họ cam kết đầu tư vào công nghệ trụ cột, gồm: Trí tuệ nhân tạo, bán dẫn, công nghệ ô tô, chuyển đổi số và chuyển đổi xanh.
Họ cũng cam kết đến năm 2030 sẽ đào tạo 10.000 kỹ sư bán dẫn, 50.000 kỹ sư AI, tham gia đào tạo chuyển đổi nửa triệu kỹ sư CNTT sang AI. Hiện, FPT có 12.000 kỹ sư về AI và được cấp gần 10.000 chứng chỉ Nvidia.
Cuối cùng, FPT cam kết sẽ xây dựng 5 nhà máy Trí tuệ nhân tạo trên toàn cầu vào năm 2030 - đưa Việt Nam trở thành một trong các quốc gia cung cấp hạ tầng tính toán về trí tuệ nhân tạo hàng đầu khu vực.
Ông Bình nói hiện nay FPT đã tập trung làm chip AI, phát triển phần mềm ô tô. Tập đoàn đang làm việc với các nhà sản xuất ô tô ở Mỹ, châu Âu và Nhật Bản như Porsche, Volvo và Toyota. Doanh nghiệp cũng tham gia chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, chuyển đổi trí tuệ nhân tạo cho các ngành, địa phương, giáo dục và y tế.
Dẫn câu nói nổi tiếng của Archimedes rằng “Hãy cho tôi một điểm tựa thì tôi có thể đẩy được cả thế giới”, ông Trương Gia Bình cho biết Nghị quyết số 57 chính là “điểm tựa của Việt Nam để đi vào kỷ nguyên vươn mình, để trở thành quốc gia hùng cường và dân tộc phồn vinh”. Đây cũng là con đường FPT theo đuổi ngay từ đầu.
Ông nói: “Một dân tộc hùng cường không thể thiếu những doanh nghiệp toàn cầu mạnh mẽ. Mỹ có IBM, Microsoft; Nhật Bản có Sony, Hitachi; Trung Quốc có Huawei, Alibaba; Hàn Quốc có Samsung, LG. Việt Nam cũng cần những tập đoàn như vậy để khẳng định vị thế trong tương lai”.
Khi FPT mới thành lập, Việt Nam còn bị cấm vận, các kỹ sư của FPT đã đi sang mua sách tại sân bay ở Hong Kong về đọc, tự học để viết hệ thống đặt chỗ giữ vé đầu tiên cho Vietnam Airlines. Họ cũng tự viết chương trình lõi cho hệ thống ngân hàng, và theo lời kể của ông Bình, hầu hết ngân hàng ngày đó đều sử dụng phần mềm lõi do người Việt Nam phát triển.
Sau 10 năm, FPT quyết định đi ra nước ngoài. Họ mở văn phòng tại Bangalore, Ấn Độ nhưng không có hợp đồng nào. Đến Silicon Valley, họ cũng không có hợp đồng nào. Lúc tiền đã hết, thì “rất may có ánh sáng cuối đường hầm” khi ông Nishida - Cố vấn tập đoàn đã đưa FPT sang giới thiệu tới các doanh nghiệp ở Nhật Bản.
Và FPT đã thành công tại đây. Ông Bình cho biết hiện tại hầu hết các công ty làm phần mềm nước ngoài tại Nhật Bản là các công ty Việt Nam. Tại Nhật Bản, Việt Nam có hơn 10 doanh nghiệp quy mô trên 1.000 lao động. Tổng số doanh nghiệp cung cấp dịch vụ CNTT cho các doanh nghiệp Nhật Bản lên tới gần 500.
Tháng 7/2024, các doanh nghiệp công nghệ thông tin Việt Nam tại Nhật Bản thành lập Hiệp hội Chuyển đổi số Việt Nam - Nhật Bản, trong đó lãnh đạo FPT Japan đảm nhiệm vị trí chủ tịch hiệp hội.
- TIN LIÊN QUAN
-
Ông Trương Gia Bình: Từ nay thế giới sẽ cần Việt Nam vì AI, bán dẫn 15/01/2025 - 14:58
Sau đó, FPT tiếp tục đào tạo kỹ sư CNTT tiếng Hàn Quốc, mở văn phòng tại đây, chinh phục khách hàng và tăng trưởng mềm tại Hàn Quốc có năm lên tới 85%. Họ mở thêm tiếng Trung Quốc để tiếp cận thêm các công ty Đài Loan, vì ngành bán dẫn chủ yếu là khách hàng nói tiếng Trung. Tiếp đó là tiếng Đức, tiếng Pháp và các tiếng khác.
Người đứng đầu FPT đánh giá bước ngoặt tiếp theo sẽ đem lại tăng trưởng cho ngành CNTT Việt Nam trong nhiều năm tới, là mâu thuẫn địa chính trị, các cường quốc rút khỏi Trung Quốc sau đại dịch để tìm quốc gia khác, trong đó có Việt Nam.
“Giờ đây chúng ta có thể làm chủ và sản xuất rất nhiều công nghệ, sản phẩm nếu chúng ta mong muốn. Khi Việt Nam đã có một đội ngũ kỹ sư CNTT tương đương với các nước phát triển về công nghệ thông tin, chúng ta có thể tạo nên những thay đổi. Rất may mắn, Nghị quyết số 57 như một chỉ dấu quan trọng khi vận hội đất nước đã đến”, vị Chủ tịch chia sẻ.