Loạn giá đổi tiền mới dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ
Người Việt có thói quen mừng tuổi đầu năm mới cho người thân, bạn bè, đặc biệt là cho người già, trẻ nhỏ. Tiền lì xì không chỉ mang ý nghĩa cầu chúc may mắn, bình an mà còn là cách để gắn kết giữa mối quan hệ. Vì vậy, cứ gần Tết Nguyên đán, nhu cầu đổi tiền mới, tiền lẻ để mừng tuổi diễn ra sôi động tại các ngân hàng, “chợ đen”.
Nếu khách hàng đổi ở các tổ chức tín dụng sẽ không mất phí. Tại “chợ đen” mức phí giao động từ 6 – 10% cho các mệnh giá 10.000 đồng, 20.000 đồng, 50.000 đồng. Mức đổi tiền lướt (tiền đã qua sử dụng) sẽ rẻ hơn một nửa.
Nhân viên ngân hàng “ốm” vì nghe điện thoại
Ba tuần nay, Ngọc Anh (25 tuổi), một nhân viên ngân hàng ở Hà Nội luôn trong tình trạng căng thẳng khi liên tục nghe các cuộc điện thoại từ người thân, bạn bè, khách hàng hỏi về việc đổi tiền mới. Ngọc Anh nhiều lần giải thích rằng chi nhánh ngân hàng chị làm không có chính sách đổi tiền mới nguyên cọc, nguyên series nhưng sẽ hỗ trợ đổi tiền lướt cho khách.
Để phục vụ nhu cầu đổi tiền mới của mọi người, chị và đồng nghiệp thường tranh thủ thời gian rảnh phân loại nguồn tiền giao dịch trong ngày. Các mệnh giá thường được khách nhờ đổi là 10.000 đồng, 20.000 đồng, 50.000 đồng. Tiền sẽ được xếp theo cọc, một cọc gồm 100 tờ.
Tương tự, anh Nguyễn Dũng, nhân viên ngân hàng ở Thái Nguyên, cho biết trung bình mỗi ngày hiện nay, anh phải nghe 4 -5 cuộc gọi đến nhờ đổi tiền mới. Thậm chí có khách hàng còn hứa mở sổ tiết kiệm để lấy suất đổi tiền mới.
Anh Dũng chia sẻ nhu cầu đổi tiền mới sôi động vào những ngày cận kề Tết Nguyên đán và mệnh giá tiền được đổi nhiều nhất là 50.000 đồng và 20.000 đồng. Ngoài ra, tiền có mệnh giá 1.000 đồng, 2.000 đồng cũng được nhiều người hỏi đổi để đi chùa, cúng lễ.
“Những năm trước, nhân viên ngân hàng đều có suất đổi tiền mới nhưng mấy năm nay hầu như không có hoặc rất ít. Tiền tôi hay đổi cho khách hàng đa phần là tiền lướt”, anh Dũng chia sẻ.
Tình trạng khan hiếm tiền mới một phần xuất phát từ chính sách giảm phát hành tiền lẻ, tiền mới của Ngân hàng Nhà nước (NHNN). Cơ quan từng nhiều lần khẳng định không có chính sách phát hành tiền mới dịp Tết. Tiền mới phát hành chỉ để cân đối với lượng tiền cũ hỏng, bị đưa ra khỏi lưu thông hàng năm.
Loạn giá trên "chợ đen"
Khi khách hàng không đổi được tiền mới ở các nhà băng sẽ tìm đến những nguồn không chính thống. Để Tết có tiền mới mừng tuổi cho các cháu nhỏ trong nhà, chị Hà Phương (Cầu Giấy, Hà Nội) liên hệ tới “chợ đen” để đổi tiền.
Các đầu mối báo giá cho chị Phương mức phí đổi tiền mới dao động 8 - 10%, tùy theo mệnh giá. Tiền có mệnh giá 10.000 đồng, 20.000 đồng có phí đổi dao động 7,5 - 8%. Tiền có mệnh giá 50.000 đồng phí từ 5,5 - 7,5%.
Tiền có mệnh giá 100.00 200.000 đồng trở lên có mức phí thấp hơn. Đối với các loại tiền lướt, mức giá sẽ rẻ hơn một nửa.
“Các giao dịch sẽ được thực hiện trực tiếp. Người đổi sẽ hẹn bên có nhu cầu ở quán cà phê hoặc nhà riêng để giao dịch”, chị Phương tiết lộ.
Một tài khoản có tên Nguyễn Hương trên chợ mạng cho biết, chi phí đổi tiền mệnh giá 10.000 đồng, 20.000 đồng là 75.000 đồng cho 1 triệu đồng. Tiền mệnh giá là 50.000 đồng là 65.000 đồng cho 1 triệu, tiền lướt là 40.000 đồng cho 1 triệu.
Nếu khách hàng đổi tiền mới có tổng giá trị từ 30 triệu đồng trở lên, mức phí đổi sẽ giảm 10.000 đồng. Riêng với tiền có mệnh giá 50.000 đồng sẽ không giảm phí do khan hiếm.
Chị Thảo Vân (Móng Cái, Quảng Ninh) thông báo tới khách hàng, mức phí đổi tiền mới cho mệnh giá 10.000 đồng, 20.000 đồng là 100.000 đồng cho 1 triệu đồng. Tiền mệnh giá 50.000 đồng là 80.000 đồng cho 1 triệu đồng.
“Tiền lướt mệnh giá 10.000 đồng, 20.000 đồng là 70.000 đồng cho 1 triệu đồng. Mệnh giá 50.000 đồng là 60.000 đồng cho 1 triệu đồng. Đổi càng nhiều thì mức giá càng rẻ”, chị Vân khẳng định.
Tại TP HCM, thị trường đổi tiền cũng diễn ra sôi động nhưng sau khi nghe xong mức phí, nhiều người lại giật mình. Một đầu mối đổi tiền mới thông báo cho chị Trang Linh phí đổi đồng giá cho các mệnh giá là 10% và chỉ đổi từ 10 triệu đồng trở lên.
Người này còn liên tục khẳng định rằng đây là mức giá đổi tương đối tốt tại TP HCM vì một số nơi mức phí có thể lên tới 12 – 15% tuỳ mệnh giá.
Theo Thông tư 25 năm 2013 của Ngân hàng Nhà nước, chỉ có những tổ chức được Nhà nước cho phép mới được hoạt động đổi tiền, bao gồm: Ngân hàng Nhà nước, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh, Sở giao dịch Ngân hàng Nhà nước, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, Kho bạc Nhà nước.
Ngoài các đơn vị này, mọi hoạt động đổi tiền của cá nhân, tổ chức khác đều là bất hợp pháp. Bất kỳ hành vi đổi tiền mới, tiền lẻ nhằm hưởng % chênh lệch, đổi tiền để thu lời đều là hành vi trái pháp luật và có thể bị xử phạt.
Tại điều 30 Nghị định số 88/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định "phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 40 triệu đồng đối với hành vi thực hiện đổi tiền không đúng quy định của pháp luật".