Ông Trump dành 10 năm ròng theo đuổi các dự án ở Trung Quốc
Ba tài khoản ngân hàng nước ngoài bí ẩn
Công việc làm ăn của Tổng thống Trump từ trước đến nay gắn với nhiều giao dịch tài chính ở nước ngoài và một số thậm chí còn liên quan đến nhà nước Trung Quốc.
Theo New York Times (NY Times), ông chủ Nhà Trắng đã dành ra cả thập kỉ để theo đuổi các dự án tại Trung Quốc cũng như điều hành một văn phòng ở đây trong thời gian tranh cử nhiệm kì đầu và tạo dựng quan hệ đối tác với một công ty lớn do Bắc Kinh kiểm soát. Song, các nỗ lực tiếp cận thị trường tỉ dân của ông Trump đều bất thành.
Ngoài Trung Quốc, ông Trump còn sở hữu tài khoản ngân hàng nước ngoài ở Anh và Ireland. Ba tài khoản này không thể hiện tình hình tài chính của ông Trump vì chúng được giữ dưới tên doanh nghiệp. Danh tính của các tổ chức tài chính liên quan cũng không rõ ràng.
Tài khoản ngân hàng tại Trung Quốc do Trump International Hotels Management kiểm soát. Theo hồ sơ thuế của ông Trump, công ty này đã nộp 188.561 USD thuế tại Trung Quốc khi theo đuổi các hợp đồng cấp phép ở thị trường tỉ dân trong giai đoạn 2013 - 2015.
Hồ sơ thuế không đề cập chi tiết số tiền đã giao dịch qua ba tài khoản ngân hàng nước ngoài trên, dù Sở Thuế vụ (IRS) yêu cầu người khai thuế phải báo cáo phần thu nhập ở nước ngoài của họ.
Tài khoản ngân hàng tại Anh và Ireland do các công ty vận hành loạt sân golf của ông Trump tại Scotland và Ireland kiểm soát. Trong khi các công ty nắm giữ tài khoản ở Anh và Ireland thường báo cáo hàng triệu USD doanh thu thì Trump International Hotels Management chỉ ghi nhận doanh thu vài nghìn USD ở Trung Quốc.
Phản hồi NY Times, ông Alan Garten, luật sư của Trump Organization, cho biết công ty của gia đình ông Trump đã "mở tài khoản tại một ngân hàng Trung Quốc có văn phòng tại Mỹ để nộp thuế địa phương" do ông Trump có làm ăn kinh doanh ở đó.
Ông Garten làm rõ, Trump Organization mở tài khoản trên sau khi thành lập văn phòng ở Trung Quốc "để khám phá tiềm năng kinh doanh khách sạn ở châu Á".
"Chưa có giao dịch, thỏa thuận hoặc hoạt động kinh doanh nào khác từng được thực hiện và văn phòng Trung Quốc đã ngưng hoạt động từ năm 2015. Dù tài khoản ngân hàng còn đó nhưng chúng tôi chưa bao giờ sử dụng cho mục đích nào khác", ông Garten cho hay.
Năm ngoái, ICBC - Ngân hàng Công Thương của nhà nước Trung Quốc, đồng thời là nhà băng lớn nhất thế giới tính theo tài sản - đã thuê ba tầng trong tòa tháp Trump Tower (New York). Hợp đồng cho thuê béo bở này làm dấy lên cáo buộc ông Trump xung đột lợi ích.
Quan hệ làm ăn của ông Trump ở Trung Quốc
Trung Quốc tiếp tục là một vấn đề quan trọng trong cuộc đua tổng thống năm nay. Chiến dịch của ông Trump mô tả đối thủ Biden như "con rối" của Trung Quốc.
Đảng Cộng hòa Thượng viện khẳng định con trai Hunter của ông Biden "đã mở tài khoản ngân hàng" để qua lại với một doanh nhân Trung Quốc, cho thấy phần nào mối quan hệ của Hunter với "các công dân và chính phủ nước ngoài trên khắp thế giới".
Khi chỉ còn hai tuần trước ngày bầu cử, ông Trump còn yêu cầu Bộ trưởng Bộ Tư pháp mở cuộc điều tra Hunter.
Ngoài ra, ông Trump còn cáo buộc Hunter Biden "rời khỏi Trung Quốc" với 1,5 tỉ USD sau khi tháp tùng ông Biden trong chuyến công du chính thức năm 2013.
Theo nhiều bài báo, 1,5 tỉ USD thực chất là mục tiêu gây quĩ của một công ty đầu tư mà Hunter Biden nắm 10% cổ phần sau khi ông Joe Biden rời nhiệm sở. Không rõ mục tiêu gây quĩ này có hoàn thành và Hunter có nhận được khoản thanh lớn nào không.
Các tiết lộ tài chính công khai cùng tờ khai thuế mà ông Biden tự nguyện công bố không cho thấy khoản thu nhập hay giao dịch kinh doanh nào của ông ở Trung Quốc.
Song, có nhiều bằng chứng cho thấy ông Trump đã cùng vô số công ty Mỹ tìm kiếm cơ hội kinh doanh ở Trung Quốc.
Ông Trump từ lâu đã cố xin giấy phép kinh doanh ở Trung Quốc, ít nhất từ năm 2006 khi ông nộp đơn đăng kí nhãn hiệu ở Hong Kong và đại lục. Khá nhiều hồ sơ phê duyệt của chính phủ Trung Quốc xuất hiện sau khi ông Trump trở thành Tổng thống Mỹ.
Năm 2008, ông Trump theo đuổi một dự án tháp văn phòng ở Quảng Châu bất thành. Năm 2012, ông mở thành công văn phòng ở Thượng Hải và hồ sơ thuế cho thấy công ty THC China Development của ông Trump đã yêu cầu khấu trừ 84.000 USD chi phí đi lại, chi phí pháp lí và chi phí văn phòng trong cùng năm.
Sau khi tìm được chỗ đứng ở Trung Quốc, ông Trump hợp tác cùng công ty điện lực nhà nước State Grid Corporation of China (SGCC). Ông Trump được cho là vẫn theo đuổi thỏa thuận với SGCC trong nhiều tháng sau khi ra tranh cử tổng thống năm 2015-2016.
Chỉ đến khi SGCC vướng vào một cuộc điều tra tham nhũng của chính phủ Trung Quốc, ông Trump mới dừng hợp tác cùng công ty này.
Từ hồ sơ thuế, rất khó để xác định chính xác số tiền mà ông Trump bỏ ra để kinh doanh tại Trung Quốc. Hồ sơ cho thấy ông đã đầu tư ít nhất 192.000 USD vào 5 công ty nhỏ để thực hiện các dự án ở đất nước tỉ dân trong nhiều năm.
Kể từ năm 2010, 5 công ty trên báo cáo chi phí kinh doanh ít nhất đạt 97.400 USD, bao gồm một số khoản thanh toán nhỏ cho thuế và phí kế toán vào năm 2018.
Tuy nhiên, các dự án của ông Trump tại Trung Quốc phần lớn được thực hiện thông qua Trump International Hotels Management, tức công ty có tài khoản ngân hàng Trung Quốc.
Trump International Hotels Management sở hữu trực tiếp THC China Development, song cũng tham gia quản lí các bất động sản mang thương hiệu Trump khác trên khắp thế giới. NY Times không thể phân biệt hồ sơ của công ty này có bao nhiêu hoạt động tài chính liên quan đến Trung Quốc.
Năm 2017, công ty trên báo cáo doanh thu tăng đột biến khoảng 17,5 triệu USD, nhiều hơn 5 năm trước gộp lại. Cùng năm, ông Trump rút 15,1 triệu USD từ tài khoản vốn của công ty.
Bên ngoài thị trường tỉ dân, Tổng thống Trump lại thành công hơn trong việc thu hút người giàu Trung Quốc mua bất động sản của gia đình ông trên khắp thế giới (đơn cử như các khách sạn và tòa tháp ở Las Vegas, Vancouver, British Columbia,...).
Thậm chí FBI còn từng để mắt đến một thương vụ mua bất động sản Trump của nhà đầu tư Trung Quốc, song luật sư Garten phủ nhận vụ việc này.