|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Ông Phạm Nhật Vượng: VinFast trên đường đạt điểm hoà vốn và sẽ sớm có lãi

14:26 | 17/05/2023
Chia sẻ
Ông Phạm Nhật Vượng nhận xét tình hình kinh doanh VinFast khả quan sẽ mang lại niềm vui tài chính cho mọi người.

VinFast sẽ sớm có lãi

Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023 của Tập đoàn Vingroup - CTCP (mã: VIC) diễn ra sáng 17/5, trước câu hỏi của cổ đông về VinFast, Chủ tịch HĐQT Phạm Nhật Vượng đã bày tỏ sự lạc quan.

Ông Vượng cho biết khi sản lượng tăng cao, VinFast sẽ tối ưu chi phí và dần có lãi. Thu hồi vốn cho VinFast sẽ có hai hình thức, vừa từ sản xuất kinh doanh, hai là huy động thêm vốn. 

“Nếu định giá 23 tỷ USD sau khi niêm yết với mức đầu tư 8 tỷ thì chi phí đó không phải quá lớn. Đợi khi thị trường sầm uất trở lại, VinFast có đầy đủ dải sản phẩm, kinh doanh có lãi thì sẽ sớm mang lại niềm vui về tài chính cho mọi người”, ông Vượng nói.

 Ông Phạm Nhật Vượng. (Ảnh: Vingroup).

Chủ tịch Vingroup chia sẻ kế hoạch trước đây là VinFast lỗ dài hạn hơn. Tuy nhiên sau quá trình đại dịch, khủng hoảng và chuyển đổi, VinFast đã nhận được sự ủng hộ của cổ đông lớn thông qua sự chia sẻ chi phí trong quá trình phát triển. Ví dụ khi chuyển đổi xe xăng, cổ đông lớn của VIC đã gánh hộ một phần chi phí.

"VinFast hướng đến xây dựng một thương hiệu công nghệ đẳng cấp cao, có sức ảnh hưởng, được quan tâm trên trường quốc tế. Nếu kinh doanh kiếm tiền thì Vingroup không dại gì lao vào một lĩnh vực khó khăn gian khổ đến thế. Nếu dễ thì cũng không đến lượt chúng ta làm. Chúng tôi quyết định làm VinFast là vì trách nhiệm xã hội và lòng yêu nước của mình", ông Phạm Nhật Vượng khẳng định.

Theo hồ sơ VinFast gửi lên Uỷ ban Giao dịch và Chứng khoán Mỹ (SEC), tính đến ngày 31/12/2022, khoảng 8,2 tỷ USD đã được Vingroup, các công ty liên kết và các bên cho vay bên ngoài tài trợ cho chi phí hoạt động và chi phí vốn của VinFast kể từ năm 2017.

Cuối tháng 4/2023, ông Phạm Nhật Vượng và tập đoàn Vingroup thông báo sẽ tài trợ thêm 2,5 tỷ USD cho VinFast. Trong đó, ông Vượng sẽ hiến tặng thêm 1 tỷ USD cho VinFast từ nguồn tài sản cá nhân và Vingroup sẽ rót cho VinFast khoản vay trị giá 1 tỷ USD trong vòng 5 năm. Vingroup cũng sẽ tài trợ không hoàn lại cho VinFast 500 triệu USD.

Như vậy, tổng số tiền đầu tư cho VinFast tính đến hiện tại đạt 10,7 tỷ USD.

Trong 4 tháng đầu năm nay, VinFast đã hoàn tất bàn giao tổng cộng 5.487 ô tô điện cho khách hàng Việt Nam. Trong đó, VF e34 là mẫu xe bán chạy nhất với doanh số 3.105 xe. Kế đến là 2.097 xe VF 8, 249 xe VF 9 cùng với 36 xe VF 5 Plus.

Ra mắt xe điện giá rẻ, siêu nhỏ

Ông Phạm Nhật Vượng tiết lộ VinFast sẽ sớm trình làng một mẫu xe siêu nhỏ với giá niêm yết khá rẻ: “Chúng tôi đang triển khai, cân nhắc để ra mắt xe siêu nhỏ. Rất đẹp, tiện và hợp lý. Trong vài tuần tới, hãng xe sẽ công bố”.

VinFast dự kiến đến tháng 8 sẽ phủ đủ hết dải xe A, B, C, D, E, và sẽ thành hãng đầu tiên đủ dải sản phẩm tất cả phân khúc xe. Tuy nhiên, ông Vượng cũng nhận định tỷ lệ doanh số của sedan ngày càng thấp so với nhóm xe SUV, do đó kế hoạch sản xuất nói trên còn tùy thuộc vào diễn biến của thị trường.

Bên cạnh đó, VinFast cũng nghiên cứu cả xe tải, thể hiện quyết tâm trở thành hãng xe điện hàng đầu thế giới, không bỏ qua bất cứ thứ gì nếu thị trường có nhu cầu.

Chủ tịch Vingroup nhận định, tại thị trường Việt Nam, chỉ cần sản phẩm tốt, người tiêu dùng sẽ ủng hộ xe điện VinFast. Đồng thời cam kết hệ sinh thái của Vingroup sẽ hỗ trợ đắc lực cho VinFast, giúp VinFast cạnh tranh tốt hơn với các hãng xe khác. 

“Còn về chuyện đắt rẻ thì sẽ do thị hiếu của từng người tiêu dùng, có người hợp, có người không hợp, có người thích, có người không thích”, ông Vượng nói.

Nói về đối thủ cạnh tranh là xe điện Trung Quốc, ông Phạm Nhật Vượng cho biết quan điểm là "nước sông không phạm nước giếng". Xe điện Trung Quốc không thể chiếm lĩnh 100% thị trường bởi ngay cả ở chính Trung Quốc thì vẫn có các hãng xe điện nước ngoài bán chạy.

Thiên Trường

Sóng bộ ba cổ phiếu ‘bank, chứng, thép’ liệu có trở lại?
Giai đoạn gần đây thị trường chứng kiến nhịp tăng giá luân phiên của cổ phiếu ngành ngân hàng và thép. Diễn biến này gợi nhớ câu chuyện bộ ba cổ phiếu ngân hàng, thép và chứng khoán thay nhau dẫn sóng giai đoạn 2021 - 2022. Liệu kịch bản này có lặp lại?