|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Át chủ bài trong thương vụ VinFast sáp nhập với công ty SPAC

14:06 | 16/05/2023
Chia sẻ
Chuyên gia nhận định việc định giá công ty sau sáp nhập không có nhiều ý nghĩa bằng câu chuyện VinFast huy động vốn sau đó như thế nào.

VinFast đã công bố thoả thuận sáp nhập với công ty Black Spade Acquisition đang niêm yết trên sàn chứng khoán New York với mã BSAQ. Các cổ đông hiện hữu của VinFast sẽ sở hữu 99% cổ phần trong công ty sau sáp nhập. Sau hợp nhất, công ty được định giá 23 tỷ USD. VinFast cho biết tiếp tục theo đuổi kế hoạch niêm yết trên sàn chứng khoán Mỹ.

 Lô hàng xe điện xuất khẩu của VinFast. (Ảnh: VinFast).

Cơ hội huy động vốn của VinFast

Thuật ngữ kinh tế gọi những công ty như Black Spade Acquisition là SPAC (Special Purpose Acquisition Companies - công ty mua lại với mục đích đặc biệt). Đây là những công ty “rỗng”/“séc trắng”.

Black Spade Acquisition được tập đoàn Black Spade Capital thành lập và niêm yết trên sàn New York hồi tháng 7/2021. Nhiệm vụ của Black Spade Acquisition là trong vòng hai năm tìm kiếm những công ty có hoạt động kinh doanh thực sự để “mua lại” (bản chất là sáp nhập với nhau).

Sau sáp nhập, công ty có hoạt động thực sự sẽ được niêm yết thông qua công ty SPAC. 

Trường hợp trong vòng hai năm, nếu Black Spade Acquisition không tìm được công ty để mua lại, họ buộc phải giải thể và trả lại tiền cho cổ đông. Ở đây, trước thời điểm 7/2023, VinFast và Black Spade Acquisition đã thông báo sáp nhập và gửi hồ sơ lên Uỷ ban Chứng khoán Mỹ.

 

Công ty đằng sau phải có tiềm lực, có khả năng huy động vốn và thậm chí có thể chính là nhà đầu tư cho VinFast. Lúc này, câu chuyện định giá khi sáp nhập không còn nhiều ý nghĩa bằng việc sau đó, những SPAC giúp cho công ty huy động được vốn

Ông Phan Lê Thành Long

Theo các chuyên gia, một trong những lợi thế quan trọng của VinFast khi sáp nhập vào SPAC là toàn bộ cổ phiếu của VinFast được định giá và được niêm yết trên sàn. Khi đó, giá cổ phiếu VinFast biến động trên sàn tuỳ thuộc vào thị trường.

Khi VinFast chào bán cổ phiếu, nhà đầu tư có thể dễ dàng giao dịch, giảm rủi ro vì công ty đã niêm yết. Điều quan trọng nhất là giao dịch này xong sẽ tạo điều kiện cho VinFast làm các giao dịch huy động vốn. 

Theo hồ sơ VinFast gửi lên Uỷ ban Giao dịch và Chứng khoán Mỹ (SEC), tính đến ngày 31/12/2022, khoảng 8,2 tỷ USD đã được Vingroup, các công ty liên kết và các bên cho vay bên ngoài tài trợ cho chi phí hoạt động và chi phí vốn của VinFast kể từ năm 2017.

Cuối tháng 4/2023, ông Phạm Nhật Vượng và tập đoàn Vingroup thông báo sẽ tài trợ thêm 2,5 tỷ USD cho VinFast. Trong đó, ông Vượng sẽ hiến tặng thêm 1 tỷ USD cho VinFast từ nguồn tài sản cá nhân và Vingroup sẽ rót cho VinFast khoản vay trị giá 1 tỷ USD trong vòng 5 năm. Vingroup cũng sẽ tài trợ không hoàn lại cho VinFast 500 triệu USD.

Như vậy, tổng số tiền đầu tư cho VinFast tính đến hiện tại đạt 10,7 tỷ USD.

Huy động vốn lần đầu gọi là IPO, huy động vốn lần sau gọi là SEO (Seasoned Equity Offering - huy động vốn thứ cấp). Khi thực hiện điều này sẽ giúp VinFast hút vốn về.

Theo ông Phan Lê Thành Long, Giám đốc AFA Research & Education, câu chuyện đặt ra ở đây không phải là tìm một công ty SPAC rồi sáp nhập và niêm yết. 

“Điều cực kỳ quan trọng là công ty SPAC đó có khả năng hút vốn hay không. Thông thường, đứng sau SPAC là những tỷ phú, giám đốc một số công ty quản lý quỹ lớn,…  họ có khả năng giúp cho chính công ty có hoạt động kinh doanh (VinFast) đi huy động vốn”, ông Long nói.

Khoảng thời gian hai năm chính là để tìm cơ hội để SPAC tìm kiếm các công ty có hoạt động thực chất đầu tư rót vốn. Do đó, đây là một hình thức đầu tư hợp pháp.

“Công ty đằng sau phải có tiềm lực, có khả năng huy động vốn và thậm chí có thể chính là nhà đầu tư cho VinFast. Lúc này, câu chuyện định giá khi sáp nhập không còn nhiều ý nghĩa bằng việc sau đó, những SPAC giúp cho công ty huy động được vốn”, ông Long chia sẻ thêm.

Theo chuyên gia, thương vụ này được coi là thành công hay không ở chỗ sắp tới VinFast huy động vốn thế nào. Điểm quan trọng là cổ phiếu được niêm yết sẽ hỗ trợ cho việc huy động vốn. Nếu đợi IPO theo con đường truyền thống, thời gian, thủ tục,… không hề dễ dàng.

Người đứng sau Black Spade Acquisition

Vậy công ty đứng sau SPAC mà VinFast vừa sáp nhập là gì? Tiềm lực của họ đến đâu mà khiến hãng xe Việt Nam quyết định sáp nhập trên con đường chinh phục thị trường thế giới.

Spade trong tiếng Anh có nghĩa là Át bích/Át chủ bài. Công ty này được thành lập từ năm 2021 với Chủ tịch kiêm Đồng Giám đốc điều hành là ông Dennis Tam. Ông Tam là người có hơn 20 năm kinh nghiệm về tài chính doanh nghiệp, kế toán, kiểm soát tài chính và mua bán & sáp nhập (M&A).

Trước khi gia nhập Black Spade, ông Tam từng Giám đốc Tài chính Tập đoàn của Melco International từ năm 2006 đến năm 2017. Ông cũng đã đảm nhiệm các vị trí quản lý cấp cao tại nhiều công ty đa quốc gia trong suốt sự nghiệp của mình.

 Ông Denis Tam, Chủ tịch Black Spade. (Ảnh: MediaOutReach).

Ông là Chủ tịch Hội đồng quản trị Greater China của Institute of Certified Management Accountants từ năm 2014, thành viên của Institute of Public Accountants từ năm 2013, thành viên của CPA Australia từ năm 2000.

Ông Tam cũng từng được trao giải “CFO xuất sắc nhất Châu Á (Quan hệ Nhà đầu tư)” tại Asian Excellence Awards của tạp chí Quản trị Doanh nghiệp Châu Á năm 2014, 2015, 2017 và 2018. Ông Tam tốt nghiệp Thạc sĩ Kế toán tại Đại học Monash và được đào tạo tại Trường Kinh doanh Harvard ở Boston, Massachusetts.

Black Spade là đơn vị thuộc hệ sinh thái Black Spade Capital Limited (Black Spade Capital), một chi nhánh đầu tư tư nhân của doanh nhân Lawrence Ho, đồng thời là chi nhánh của Black Spade Sponsor LLC.

Ông Lawrence Ho, 46 tuổi, đang sở hữu khối tài sản ròng ước tính trị giá 1,1 tỷ USD, là người giàu thứ 2.464 trên thế giới, đồng thời cũng thuộc danh sách những tỷ phú giàu nhất Hong Kong.

 Lawrence Ho. (Ảnh: Forbes).

Theo chuyên gia Phan Lê Thành Long, tại Trung Quốc đã có rất nhiều công ty thực hiện niêm yết tại Mỹ qua SPAC: “Họ lấy được vốn từ thị trường toàn cầu về nước họ thì Việt Nam chúng ta nên bỏ cái nhìn ngắn hạn để có thể bước ra thị trường tài chính toàn cầu”.

“Sau khi sáp nhập xong, công ty này sử dụng lợi thế của nó như cổ phiếu được niêm yết, quy mô, bản cáo bạch, định giá ban đầu,… để huy động được vốn tiếp theo mới quan trọng. Trên góc độ doanh nghiệp, tiền huy động được về sau đó mới là điều ý nghĩa với doanh nghiệp.

Đây là cách thức làm nhanh gọn, là bước đi tiên phong. Nhìn doanh nghiệp sẽ thường nhìn hai thị trường, gồm thị trường kinh doanh và thị trường tài chính. Kinh doanh phải sản xuất, phải bán xe, phải R&D,… trong khi thị trường tài chính là phải có tiền. Muốn làm trải nghiệm tốt, sản phẩm tốt, marketing, phát triển chuỗi, trạm sạc,… thì phải có tiền”, ông Long nhấn mạnh.

Thiên Trường

[Infographic] Bức tranh kinh tế vĩ mô 4 tháng đầu năm qua các con số
Trong 4 tháng đầu năm, xuất hiện nhiều điểm sáng của nền kinh tế như: Xuất siêu hơn 8 tỷ USD, sản xuất công nghiệp phục hồi tăng trưởng 6%, lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt trên 6,2 triệu lượt khách, cao hơn cả cùng kỳ năm 2019. Dù vậy, nền kinh tế vẫn gặp nhiều khó khăn, số doanh nghiệp rút lui vẫn cao hơn cả số doanh nghiệp gia nhập thị trường.