Ông Nguyễn Trung Vũ: Thị trường bất động sản sẽ còn khó khăn trong vài năm tới
Chia sẻ tại ĐHĐCĐ thường niên 2023, ông Nguyễn Trung Vũ, Chủ tịch HĐQT CTCP Bất động sản Thế Kỷ (CenLand, Mã: CRE) cho biết, năm vừa qua là một năm rất buồn của ngành bất động sản và không thể biết bao giờ thị trường mới gượng dậy được. Những tháng cuối năm 2021 đầu năm 2022, chỉ riêng doanh thu môi giới một tháng của CenLand đã là 300 tỷ đồng. Nhưng tới thời điểm hiện tại mỗi tháng doanh thu mảng này không nổi 20 tỷ đồng.
“Thị trường quay đầu khủng khiếp và cũng không thể biết được những diễn biến sắp tới. Đội sale bất động sản gần như bỏ nghề tới 90%. CenLand bán hai dự án rất lớn của một doanh nghiệp lớn nhưng hiện nay chủ đầu tư này cũng không có khả năng trả tiền bán hàng cho chúng tôi”, ông Vũ cho hay.
Chủ tịch CenLand cho rằng, việc thắt chặt tín dụng của Việt Nam quá đột ngột và quá sốc, trong khi pháp lý bị tắc dài hạn. Trong vòng một năm qua cả TP Hà Nội chỉ duyệt một vài dự án. Thời điểm cuối năm 2021 gần như dự án nào mở ra cũng bán được không cần biết giá bao nhiêu, còn bây giờ thì tắc thanh khoản hoàn toàn. CenLand cũng như các công ty môi giới khác gần như gãy hệ thống, 10 bạn môi giới thì 9 bạn bỏ nghề vì không dám nghe điện thoại.
“Bản thân CenLand cũng bị sốc trong vòng mấy tháng trời. Khi chúng tôi sang Châu Âu tìm hiểu thì thấy thị trường bất động sản của họ không hề giống với thị trường bất động sản Việt Nam. Ở Việt Nam, chủ đầu tư hôm nay đang bé tí ngày mai lớn nhanh như thổi vì lý do rất đơn giản là họ được thu tiền trước của khách hàng nhưng ở nước ngoài không được phép làm như vậy. Ngoài ra, các chủ đầu tư ở Việt Nam cũng vay tiền ngân hàng tương đối dễ.
Các chủ đầu tư tại Việt Nam hoàn toàn phụ thuộc vào nguồn vốn của ngân hàng và khách hàng nên lâm vào cảnh khó khăn như thời gian vừa qua là chuyện bình thường”, ông Vũ nhận định.
Cũng theo Chủ tịch CenLand, từ năm 2012 đến nay đã hơn 10 năm, bất động sản chỉ có tăng giá và chưa bao giờ xuống giá. Năm 2013 Luật Đất đai ra đời, năm 2015 Luật Kinh doanh bất động sản ra đời cho phép người nước ngoài được mua nhà tại Việt Nam, cùng với đó là gói 30.000 tỷ cho vay NOXH,… Tức là có rất nhiều điều kiện thuận lợi cho người mua nhà trong giai đoạn vừa qua.
Đến giai đoạn cuối năm 2018 đầu năm 2019, bất động sản nghỉ dưỡng (condotel) gặp vấn đề liên quan đến pháp lý, thị trường có trầm hơn. Tuy nhiên, bước sang năm 2020 - 2021, khi dịch COVID-19 xảy ra, thị trường bất động sản lại tăng nóng.
“Nhìn chung trong hơn 10 năm qua, thị trường bất động sản toàn là màu hồng và tăng trưởng rất nhanh. Đánh giá tình hình ở thời điểm hiện tại, chúng tôi cho rằng thị trường bất động sản sẽ còn khó khăn trong vài năm tới chứ không thể phục hồi ngay được. Bởi thị trường bây giờ đã lớn, giống như một đoàn tàu dài, nếu muốn quay lại sẽ phải chờ khá lâu chứ không dễ như một số nhận định lạc qua”, vị này nhận định.