|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Doanh nghiệp môi giới bất động sản ‘cầm cự’ chờ thị trường ấm lên

10:17 | 31/07/2023
Chia sẻ
Doanh thu từ hoạt động môi giới bất động sản của Đất Xanh Services, CenLand, Khải Hoàn Land và Danh Khôi trong quý II/2023 đều sụt giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước.

(Đồ họa: Alex Chu).

Tình hình khó khăn chung của thị trường bất động sản đã phản ánh vào kết quả kinh doanh quý II và cả 6 tháng đầu năm 2023 của các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này.

Trong đó, nhóm doanh nghiệp có hoạt động chủ lực ở mảng môi giới bất động sản ghi nhận ảnh hưởng nặng nề do doanh thu sụt giảm mạnh.

CTCP Dịch vụ Bất động sản Đất Xanh (Đất Xanh Services, Mã: DXS) đem về hơn 662 tỷ đồng doanh thu trong quý II nhưng vẫn lỗ sau thuế hơn 17 tỷ đồng. Nguyên nhân là do giá vốn bán hàng lên tới hơn 511 tỷ đồng, mặc dù các chi phí khác đều được tiết giảm. Nhìn lại quý II/2022, doanh nghiệp này lãi 256 tỷ đồng.

Mổ xẻ kỹ hơn về cơ cấu doanh thu quý II, mảng dịch vụ bất động sản (môi giới) ghi nhận 192 tỷ đồng (giảm 73% so với cùng kỳ năm ngoái); doanh thu bán căn hộ, nhà phố và đất nền ghi nhận hơn 433 tỷ đồng, giảm 23%; còn lại là doanh thu dịch vụ khác. Trong nửa đầu năm, doanh thu hai mảng này lần lượt là 266 tỷ đồng (giảm 82%) và 697 tỷ đồng (tăng 13%).

Lũy kế 6 tháng đầu năm, doanh nghiệp này lỗ hơn 61 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước lãi sau thuế gần 475 tỷ đồng.

Số lượng nhân viên công ty của Đất Xanh Services tại ngày 30/6 là 2.133 người, giảm 1.207 người so với cuối năm 2022.

(Nguồn: H.L tổng hợp).

Tương tự, CTCP Tập đoàn Danh Khôi (NRC) lỗ gần 4 tỷ đồng trong quý II trong khi cùng kỳ năm 2022 lãi hơn 48 tỷ đồng. Nguyên nhân là do quý này, doanh nghiệp không phát sinh doanh thu từ dịch vụ tư vấn và quản lý bất động sản cũng như hoạt động hợp tác đầu tư dự án. Trong khi doanh thu dịch vụ môi giới chỉ ghi nhận gần 2 tỷ đồng (quý I mảng này không có doanh thu).

Kết thúc 6 tháng đầu năm, doanh thu mà Danh Khôi đem về chỉ vỏn vẹn gần 2 tỷ đồng, cùng với đó là khoản lỗ gần 21 tỷ đồng.

Trong khi đó, CTCP Bất động sản Thế Kỷ (CenLand, Mã: CRE) mặc dù đã có lãi trở lại sau hai quý liên tiếp báo lỗ nhưng con số không đáng kể (gần 10 tỷ đồng, giảm 89% so với cùng kỳ năm ngoái).

Lũy kế 6 tháng đầu năm, tổng doanh thu của CenLand ghi nhận hơn 521 tỷ đồng và LNST đạt hơn 762 triệu đồng, sụt giảm mạnh so với con số cùng kỳ 2022 lần lượt đạt hơn 2.561 tỷ đồng và 226 tỷ đồng. Trong đó, lợi nhuận sau thuế thuộc về cổ đông công ty mẹ là hơn 1,3 tỷ đồng.

Trong cơ cấu doanh thu nửa đầu năm, hoạt động đầu tư bất động sản đóng góp 324 tỷ đồng (giảm 80%), hoạt động môi giới đóng góp 160 tỷ đồng (giảm 82%).

(Nguồn: H.L tổng hợp).

Lợi nhuận quý II của CTCP Bất động sản Khải Hoàn Land (Mã: KHG) ghi nhận sụt giảm 48% còn hơn 45 tỷ đồng. Tuy nhiên, đóng góp chính cho kết quả này không phải từ hoạt động kinh doanh cốt lõi.

Cụ thể, doanh thu môi giới và chuyển nhượng bất động sản của doanh nghiệp này chỉ ghi nhận hơn 35 tỷ đồng (giảm 87%) trong khi doanh thu hoạt động tài chính (chủ yếu là khoản lãi từ hợp tác đầu tư) ghi nhận hơn 109 tỷ đồng (tăng 47%).

Hoạt động tài chính đã giúp Khải Hoàn Land trở thành doanh nghiệp môi giới niêm yết duy nhất báo lãi trăm tỷ trong nửa đầu năm 2023, bỏ xa các doanh nghiệp còn lại.

(Nguồn: H.L tổng hợp).

Theo giải trình của các doanh nghiệp thì nguyên nhân khiến kết quả kinh doanh lao dốc trong quý vừa qua chủ yếu do thị trường bất động sản trầm lắng, giao dịch vẫn chưa thực sự sôi động.

Báo cáo mới đây của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARs) cũng chỉ ra, do mới chỉ được trấn an tinh thần, chưa thực sự được can thiệp một cách sâu sắc, trực diện và triệt để khiến tình trạng sức khỏe của các đối tượng tham gia thị trường bất động sản (doanh nghiệp đầu tư phát triển dự án, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ, môi giới bất động sản) đều duy trì trong trạng thái thoi thóp, cầm chừng trong suốt 6 tháng đầu năm 2023.

Theo khảo sát của VARs, số lượng môi giới bất động sản hiện đang hoạt động trên thị trường chỉ còn khoảng 30-40% so với thời điểm cuối năm 2022.

Cũng theo dữ liệu khảo sát của VARs với các Hội viên là doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ bất động sản, nếu tình hình thị trường vẫn tiếp tục diễn biến khó khăn thì có tới 23% doanh nghiệp chỉ có thể duy trì hoạt động được tới hết quý III/2023, 43% doanh nghiệp trụ được đến hết năm 2023.

Theo ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch VARs, nếu không tìm được lối thoát kịp thời, rất có thể thị trường sẽ phải đối mặt với kịch bản ra đi của hàng loạt các đối tượng, từ doanh nghiệp đầu tư, phát triển bất động sản đến doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ bất động sản và môi giới bất động sản.

Hà Lê

Nhìn lại ngành chứng khoán Việt Nam sau 24 năm qua các làn sóng M&A (Phần 2)
Làn sóng M&A thứ nhất ngành chứng khoán Việt Nam sớm kết thúc và để lại kết quả không mấy khả quan, các tổ chức quốc tế lần lượt rời đi. Làn sóng M&A mới nổ ra với mô hình thâu tóm toàn bộ cổ phần, “thay tên đổi họ” với sự gia nhập của các tập đoàn Hàn Quốc và những định chế trong nước.