|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Ông lớn điện máy lấn sân thị trường dược phẩm: Bán lẻ, bán buôn, bán luôn đông dược

14:20 | 14/11/2017
Chia sẻ
Thế giới Di động và Digiworld, và mới đây là Nguyễn Kim..., các ông lớn điện máy chân ướt chân ráo cùng bước vào thị trường dược phẩm. Tiếp cận với thị trường tiềm năng này, mỗi bên chọn cho mình một cách thức tiếp cận riêng, người bán lẻ, kẻ bán buôn, người đầu tư vào đông dược nước nhà. 

Điện máy gia nhập thị trường dược phẩm?

10h đêm, hiệu thuốc vẫn sáng đèn. Người bán kê đơn và nhận tiền từ một vài vị khác lui tới cuối ngày. Đau đầu và chóng mặt, người ta bước ra khỏi hiệu, tay cầm những vỉ thuốc được kê. Nhanh, thuận tiện, giá cả không biết và cũng không mặc cả nhiều. Đó là cách thức mà đa phần người Việt vẫn tự chữa trị cho chính mình và người thân những khi trái gió trở trời.

Câu chuyện sơ sài nhưng thực tế về thói quen tiêu dùng và thị trường phân phối dược phẩm tại Việt Nam.

Có thể thấy, thị trường dược phẩm Việt Nam là mảnh đất còn rất nhiều khoảng trống đang chờ khai phá. Theo như đánh giá từ tổ chức BMI, thị trường dược phẩm Việt Nam trị giá 4,7 tỷ USD. Ngành hàng chăm sóc sức khỏe có mức độ tăng trưởng ngày càng lớn. Theo BMI, Frost Sullivan và World Bank, năm 2015, tổng chi phí chăm sóc sức khỏe ở Việt Nam là 13 tỷ USD. Dự báo đến 2020, con số này sẽ tăng lên 24 tỷ USD.

ong lon dien may lan san thi truong duoc pham ban le ban buon ban luon dong duoc
Nguồn: FPTS.

Thế giới số (Digiworld – Mã: DGW) tấn công thị trường bán buôn

Cha đẻ của Công ty Cổ phần Thế giới Số là công ty TNHH Hoàng Phương, thành lập năm 1997, là công ty kinh doanh linh kiện để lắp ráp máy tính, khi thị trường sử dụng internet ở Việt Nam đang còn rất sơ khai.

Từ những ngày đầu thành lập, hoạt động kinh doanh chủ đạo của Công ty là phân phối các sản phẩm công nghệ thông tin của các thương hiệu nổi tiếng trên thế giới.

Đến năm 2013, thị trường điện thoại di động trở nên càng ngày càng nóng, Digiworld chớp lấy thời cơ và lên như diều gặp gió với khoản doanh thu lớn từ việc phân phối sản phẩm di động, tiêu biểu là Nokia. Năm 2014, doanh thu tăng trưởng 60% so với 2013 với sự đóng góp lớn nhất từ mảng điện thoại di động, chiếm tỷ trọng hơn một nửa. Hệ thống mạng lưới gia tăng một cách nhanh chóng từ 1.200 lên 6.000 đại lý (2015).

ong lon dien may lan san thi truong duoc pham ban le ban buon ban luon dong duoc
Số liệu 9 tháng 2017 là số liệu chưa soát xét. (Ảnh Quỳnh Trang tổng hợp).

2015, Chủ tịch CTCP Thế giới số, Đoàn Hồng Việt là gương mặt nằm trong danh sách 50 người giàu nhất sàn chứng khoán.

Tuy nhiên, cũng trong năm này, DGW đối mặt với sóng lớn khi Nokia thay đổi chiến lược, bỏ phần cứng (điện thoại) để chuyển sang phần. Doanh thu mất hẳn 64% doanh số từ Nokia và mất toàn bộ vào năm 2017.

Trở thành kẻ ngoại đạo phân phối thực phẩm chức năng “ông uống bà vui”

Như đứng trước ngã ba đường khi mất đi nguồn thu lớn và việc kinh doanh ảm đạm, ông Việt bẻ lái đưa DGW với con đường kinh doanh phân phối bán buôn thực phẩm chức năng. Cũng giống như cách trở thành nhà tiên phong trong việc bán buôn mảng công nghệ thông tin tại Việt Nam, DGW nay lại mở đường làm kẻ ngoại đạo kinh doanh phân phối dược phẩm.

Tại Đại hội cổ đông thường niên năm 2017, Chủ tịch Digiworld Đoàn Hồng Việt công bố tiến hành mua bán và sáp nhập (M&A) chuỗi dược phẩm. Đến nay, Công ty đã phát triển mạng lưới phân phối tới 5.000 nhà thuốc. Con số này sẽ gấp đôi vào năm 2018 và đạt 20.000 nhà thuốc vào năm 2019. Sản phẩm mà Digiworld nhắm đến chính là thực phẩm chức năng và thuốc không kê toa (OTC).

Sản phầm đầu tiên được Digiworld tung ra thị trường là KINGSMEN, với chức năng như đúng cái tên, thực phẩm chức năng tăng cường sinh lý nam cho đàn ông tuổi trung niên. Sản phẩm này được sản xuất bởi Công ty TNHH Medistar Việt Nam.

ong lon dien may lan san thi truong duoc pham ban le ban buon ban luon dong duoc
Chủ tịch Digiworld Đoàn Hồng Việt

Lí do gì khiến Digiworld quyết định tham gia mảng thực phẩm chức năng thông qua dịch vụ phát triển thị trường (MES)? Ông Việt đưa ra hai lí do:

Thứ nhất, tốc độ già hóa dân số nhanh khi đến năm 2030, số người cao tuổi Việt Nam có thể lên tới 18% tổng dân số và năm 2050 là 26%.

Thứ hai, Digiworld đặt kỳ vọng vào tầng lớp trung lưu. Đây là nhóm khách hàng mục tiêu của rất nhiều sản phẩm, dịch vụ, trong đó có thực phẩm chức năng. Thậm chí, mức tăng trưởng được dự báo ít nhất 10%/năm, đạt khoảng 33 triệu người đến năm 2020.

Ông cho rằng đa phần người tiêu dùng chưa có cái nhìn thực sự đúng đắn với thực phẩm chức năng bởi chính cách thức kinh doanh đa cấp. Hình ảnh sản phẩm bị bóp méo và trở nên thiếu thiện cảm. Tuy nhiên, dần dần những gia đình trung lưu Việt Nam đang bày trong tủ kính ít nhất một loại thực phẩm chức năng trong nhà. Và với sự phát triển kinh tế cùng sự mạnh tay chi tiền cho sức khoẻ, thị trường thực phẩm chức năng sẽ còn nở ra mạnh mẽ trong tương lai.

Cơ hội với con đường bán buôn thực phẩm chức năng và thuốc không kê toa (OTC)?

Với thế mạnh MES (phát triển thị trường) của mình, DGW có lợi thế trong việc xây dựng hệ thống cho những đơn vị dược phẩm có sản phẩm chất lượng nhưng việc xây dựng thương hiệu chưa tốt.

Làm rõ về thị trường thuốc OTC (Over-the-counter) mà Digiworld tập trung hướng đến. Các sản phẩm là thuốc không cần kê toa (OTC) có thể sử dụng an toàn và hiệu quả mà không cần chỉ dẫn và sự theo dõi của bác sĩ.

Khách hàng của OTC khá giống với khách hàng ở lĩnh vực tiêu dùng nhanh: Nghĩa là khách hàng phải biết về sản phẩm đó, nghe thông điệp marketing đâu đó, thì họ mới mua. Nhân viên bán hàng có thể giải thích thêm cho họ. Như vậy là khá giống với FMCG. Và đây cũng chính là phần mà Digiworld có. Sản phẩm có thể khác nhau nhưng cách thức marketing thương hiệu, tổ chức phân phối tương đồng.

Thế giới di động (TGDĐ – Mã: MWG) hào hứng với miếng bánh thị trường bán lẻ

Thành lập vào năm 2014, Thế giới di động là một doanh nghiệp khởi đầu với các thiết bị điện thoại di động, thiết bị kỹ thuật số với 1.000 siêu thị rải khắp các địa bàn. Hồi ấy, giới sinh viên là những đối tượng đầu tiên biết đến MWG nhiều nhất, nhờ phương thức markerting 10 triệu đồng mà người ta vẫn còn nhắc đến.

Năm 2010, chuỗi Dienmay.com ra đời, cung cấp các sản phẩm điện tử tiêu dùng và các sản phẩm kỹ thuật số. Qua 5 năm, Dienmay.com được thay tên đổi dạng thành hệ thống siêu thị Điện Máy xanh với tổng cửa hàng lên tới 400.

Năm 2017, thế giới di động mua lại Trần Anh, gia tăng 43 - 45 siêu thị phân bố rải khắp trên thị trường miền Bắc.

Trải qua một công cuộc phát triển thần tốc, công nghệ thông tin chính là xương sống chủ chốt vận hành chuỗi bán lẻ này. Tính đến thời điểm này, TGDĐ có tất cả gần 1.600 chuỗi cửa hàng phủ sóng toàn quốc. Tuy nhiên, hệ thống bán lẻ này đang đến ngưỡng bão hòa về tăng trưởng. Với mạng lưới rộng khắp và dày đặc, nếu tiếp tục mở rộng các cửa hàng công nghệ, câu chuyện 1 con phố, 2 cửa hàng "ăn thịt nhau" sẽ diễn ra.

Đạt đến ngưỡng bão hoà tăng trưởng, MWG tuyên bố sẽ “xé rào điện máy” và xây dựng TGDĐ thành tập đoàn bán lẻ đa ngành. Chuỗi siêu thị thực phẩm mini Bách hoá xanh là được khai sinh, với dự kiến 350 cửa hàng hoàn thành trong 2017. Đây là bước đi đầu tiên của TGDĐ trong ngành hàng rau củ quả và thực phẩm.

Thu tiền to từ số lượng nhiều cửa hàng nhỏ, ông Tài “bán sự hài lòng cho khách hàng và làm cho mọi thứ thật đơn giản để có thể nhân bản nhanh”. Đấy chính là phương châm làm ăn của CEO TGDĐ Nguyễn Đức Tài.

Công cuộc hình thành chuỗi kinh doanh bán lẻ, “kê toa” bán thuốc

Với tham vọng phát triển và mở rộng chuỗi bán lẻ, ông Tài tiếp tục hành trình chọn đường ngách để tiến hành kinh doanh trong một lĩnh vực hoàn toàn mới, phân phối dược phẩm. Ông Tài bắt đầu thử nghiệm chuỗi cửa hàng bán dược phẩm bằng việc mua bán sát nhập.

Thay vì mất 2-3 năm để hiểu về mô hình, TGDĐ sẽ tìm kiếm đơn vị chuyên về mảng sản phẩm đó để tiến hành M&A.

Đơn vị bán lẻ được TGDĐ “chọn mặt gửi vàng”? Có 5 cái tên của các chuỗi bán lẻ dược phẩm trên thị trường hiện nay “ Phano, Pharmacity, Phúc An Khang, Vistar, Mỹ Châu”, ai sẽ là tân binh giúp TGDĐ chiếm đánh thị trường bán lẻ dược phẩm?

Chưa có nguồn thông tin chính thức từ phía TGDĐ, nhưng theo công bố của Công ty Chứng khoán TP HCM (HSC), khả năng có thể là Phúc An Khang, một chuỗi bán lẻ dược phẩm quy mô trung bình tại TP HCM được thành lập từ 2006 với khoảng 20 cửa hàng.

ong lon dien may lan san thi truong duoc pham ban le ban buon ban luon dong duoc
(Ảnh: Nhaquanly.vn)

Cơ hội của Thế giới di động với chuỗi bán lẻ này?

Thực tế, có hai dạng chuỗi đang cung ứng thuốc đến tay người tiêu dùng hiện nay:

Có thể thấy rằng, nếu như các chuỗi siêu thị mini về hàng tiêu dùng hay công nghệ phủ kín khắp các mặt phố, thì lại không dễ dàng tìm được bóng dáng một hiệu thuốc bán lẻ tên tuổi trên một dọc đường. Ở Việt Nam, các kênh phân phối bán lẻ dược phẩm chủ yếu là bệnh viện, phòng khám tư nhân và nhà thuốc. Nhà thuốc bán lẻ phân phối 65-70% lượng thuốc, tuy nhiên đa số đều là các điểm bán lẻ tư nhân đủ kiểu mọc như nấm sau mưa trên các dọc đường.

Chỉ có một số ít đếm trên đầu ngón tay các hệ thống bán lẻ dược phẩm đạt chuẩn GPP (thực hành tốt nhà thuốc), theo quy định của Bộ Y tế, như Phano, Pharmacity, Phúc An Khang… Dù vậy, tổng thị phần của tất cả các chuỗi này chiếm chưa tới 5%, một con số rất khiêm tốn. Đó chính là khoảng đất trống dành cho TGDĐ xây dựng đế chế của mình.

Nguyễn Kim đưa Cổ phần Dược Lâm Đồng về một nhà

“Bạn mua tủ lạnh ở đâu?” – “Nguyễn Kim”. Đó là câu trả lời của đa phần người dân miền Nam ngày ấy, khi hình ảnh Nguyễn Kim đã quá trở nên quen thuộc. Liên tiếp nằm trong Top 500 nhà bán lẻ hàng đầu khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, Nguyễn Kim giữ ngôi đầu trong lĩnh bán lẻ điện máy những năm 2011.

Ngày ấy, TGDĐ và Nguyễn Kim, kẻ tám lạng, người nửa cân, bỏ xa các doanh nghiệp còn lại trên thị trường. Tuy nhiên, dù được mệnh danh là ông lớn dẫn đầu ngành bán lẻ điện máy, nhưng Nguyễn Kim chưa bao giờ chính thức công bố doanh thu của mình.

Hai năm sau từ 2013 đến 2015, mặc dù TGDĐ ra sức mở rộng và bành trướng chuỗi “siêu thị mini” bán lẻ của mình, Nguyễn Kim khiêm tốn dậm chân tại chỗ và không mở thêm được cửa hàng bán lẻ nào.

Năm 2015, Nguyễn Kim tuyên bố bán mình cho ông lớn bán lẻ Central Group đến từ Thái Lan. Việc bán đi 49% cổ phần của ông chủ Nguyễn Kim mang đến những điểm sáng tích cực và sự khởi sắc. Cùng vào một ngày vào cuối năm 2016, Nguyễn Kim cũng tạo bất ngờ khi đồng loạt khai trương đến 14 trung tâm và cửa hàng.

Động thái đối với thị trường dược phẩm

Mới đây nhất, trong Nghị quyết Hội đồng quản trị, Nguyễn Kim tuyên bố chính thức đưa Công ty cổ phần Dược Lâm Đồng ( Mã: LDP) trở thành “người một nhà” khi quyết định chào mua công khai cổ phiếu của công ty dược này. Theo đó, Nguyễn Kim sẽ mua cổ phiếu của LDP để nâng tỷ lệ sở hữu từ 24% lên hơn 51%, đưa LDP từ công ty liên kết trở thành công ty con.

ong lon dien may lan san thi truong duoc pham ban le ban buon ban luon dong duoc

Về công ty dược Lâm Đồng, tiền thân là Xưởng Dược Nam Trung Bộ, thành lập trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ. Sau khi cổ phần hoá công ty Dược & Vật tư y tế Lâm Đồng, công ty được thành lập năm 2000 và niêm yết trên sàn từ năm 2010, với hoạt động chính là sản xuất đông dược, mua bán thuốc, dược liệu và thiết bị y tế.

Kết luận

ong lon dien may lan san thi truong duoc pham ban le ban buon ban luon dong duoc
Nguồn: Báo cáo của FPTS.

Cùng nhìn lại về khâu sản xuất và phân phối dược phẩm đến tay người tiêu dùng và hướng đi của các đại gia điện máy.

Khâu sản xuất, lựa chọn vùng nguyên liệu địa phương để sản xuất, phát triển đông dược, LDP đầu quân cho Nguyễn Kim.

Khâu phân phối thuốc bắt đầu từ đại lý bán buôn. Các nhà bán buôn là nhà sản xuất có hệ thống phân phối, nhà bán buôn các cấp, công ty làm dịch vụ bảo quản tồn trữ thuốc (logictics). Sau đó được phân phối lại cho các đại lý bán buôn quy mô nhỏ hơn. Bán buôn thực phẩm chức năng “ông uống bà vui”, lựa chọn của Digiworld.

Cuối cùng, khách hàng của các nhà bán buôn chính là các nhà bán lẻ: nhà thuốc, quầy thuốc, tủ thuốc của trạm y tế phân phối trực tiếp đến người tiêu dùng. Tiếp tục phát huy chuỗi bán lẻ, có thể là với thuốc kê đơn và thuốc không kê đơn, đấy là lựa chọn của Thế giới Di động.

Phải chăng thị trường điện máy đạt đến mức tăng trưởng bão hoà, vậy nên các ông lớn cùng chung chí hướng, bước chân vào mảnh đất còn sơ khai của thị trường dược phẩm Việt Nam. Bộ mặt của thị trường dược Việt hứa hẹn có nhiều sự thay đổi lớn.


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Quỳnh Trang