Ông chủ Vạn Đắc Phúc: 'Không nên cố diệt đối thủ, mà hãy cùng họ tìm thị trường mới'
Đưa team-building về Việt Nam
Với hai tấm bằng cử nhân chuyên ngành quản trị kinh doanh, kế toán kiểm toán, Ngô Quang Cường thành lập công ty du lịch lữ hành vào năm 2000. Công việc giúp ông có nhiều cơ hội vòng quanh thế giới.
Doanh nhân Ngô Quang Cường - nhà sáng lập kiêm giám đốc điều hành Công ty Vạn Đắc Phúc. |
Tìm kiếm hướng đi mới, ông mạnh dạn chuyển hướng kinh doanh sự kiện và team-building (xây dựng đội ngũ). Năm 2013, Vạn Đắc Phúc ra đời để thực hiện sứ mệnh chuyên nghiệp hóa hoạt động tổ chức sự kiện hàng đầu miền Bắc.
“Chuyến đi Thái Lan vào đầu năm 2005 là ngã rẽ trong cuộc đời tôi. Khi đó, tôi gặp đoàn khách du lịch phương Tây. Tò mò với hoạt động tập thể khác lạ của họ, tôi tìm hiểu thông tin và biết về team-building. Nhận thấy nhiều cái mới trên đường giá trị của dịch vụ này, tôi quyết định khởi nghiệp một lần nữa”, ông Cường kể lại.
Là một trong những người tiên phong kinh doanh dịch vụ team-building tại Việt Nam, CEO Vạn Đắc Phúc gặp vô vàn khó khăn, từ sáng tạo sản phẩm, viết kịch bản, sản xuất vật dụng đến đào tạo nhân sự. May mắn khi vừa ra đời, công ty đã ký được hợp đồng với một số doanh nghiệp nước ngoài. Cùng sự nỗ lực của đội ngũ nhân sự, Vạn Đắc Phúc nhanh chóng phát triển, trở thành thương hiệu cung cấp dịch vụ team-building cho nhiều “ông lớn” như Vin Group, Samsung, Vietel, Mobi.
Bí quyết giữ người tài
Xuất hiện trong chương trình Café Khởi nghiệp vào sáng 10/8, doanh nhân Cường chia sẻ rằng, tìm kiếm nhân sự cho ngành nghề mới rất khó khăn. Thời điểm ông bắt đầu đưa mô hình kinh doanh team-building về Việt Nam, hầu hết các trường đại học không đào tạo ngành nghề tương tự.
Cho rằng hoạt động hướng đạo có nhiều nét tương đồng team-building, ông chủ Vạn Đắc Phúc tham gia các nhóm hoạt động hướng đạo để tìm kiếm nhân sự phù hợp. Ông tới nhiều sự kiện để thuyết phục người tài về làm việc.
“Hầu hết những người tôi tiếp cận đều không am hiểu về xây dựng đội ngũ. Nhưng có lẽ do tôi quá yêu team-building nên đã truyền đạt, thuyết phục thành công nhiều nhân sự về làm, gắn bó với tôi trong nhiều năm qua”, ông Cường thổ lộ.
Nhà sáng lập xây dựng đội ngũ nhân viên Vạn Đắc Phúc theo ba nhóm, bao gồm: nhóm nền tảng để giữ cốt lõi doanh nghiệp, nhóm có thể thay đổi và nhóm chiến lược thay đổi. Bí quyết giữ chân người tài của ông là không ngừng truyền lửa đam mê cho cấp dưới, giúp họ vững tin vào công ty và tăng thêm động lực làm việc.
Trước khi tư vấn, xây dựng văn hóa cho khách hàng, Quang Cường luôn thực nghiệm tại doanh nghiệp của mình. Ông đề ra những chiến lược ngắn hạn, dài hạn, tổ chức các hoạt động thay đổi công ty để rút ra bài học cho bản thân và nhân viên.
Hoạt động team-building do công ty Vạn Đắc Phúc tổ chức. |
Bí quyết cạnh tranh
Đưa một ý tưởng khởi nghiệp nước ngoài vào Việt Nam, Quang Cường nhận định, nội địa hóa là yếu tố quan trọng nhất. Thay vì sao chép, ông xây dựng bộ phận sáng tạo nhằm đưa ra những thay đổi phù hợp với văn hóa, sở thích người Việt.
Đổi mới bản thân để tạo rào cản với đối thủ là chiến lược kinh doanh của ông chủ Vạn Đắc Phúc. Ông nói rằng, cạnh tranh là yếu tố sống còn của một doanh nghiệp. Vì vậy, kế hoạch phát triển công ty phải đi kèm chiến lược cạnh tranh. Ông chú trọng tìm tòi, sáng tạo những sản phẩm khác biệt. Mỗi ý kiến khách hàng là một bài toán mà doanh nghiệp bắt buộc phải giải đáp.
Áp dụng lý thuyết cạnh tranh cùng nhau phát triển, Quang Cường không cố gắng tiêu diệt đối thủ, mà cùng họ để tìm ra những thị trường mới. Bởi theo ông, mục đích cuối cùng của cạnh tranh là mang lại giá trị tốt hơn cho khách hàng.
Video: Doanh nhân Ngô Quang Cường trong Café Khởi nghiệp.
Mặc dù Vạn Đắc Phúc đã có chỗ đứng vững chắc trong lĩnh vực tổ chức sự kiện, team-building, nhưng công ty vẫn mãi giữ nguyên tinh thần khởi nghiệp. “Vạn Đắc Phúc không bao giờ ngủ quên trong chiến thắng. Chúng tôi luôn vận động để thay đổi, tạo ra giá trị mới”, ông Cường khẳng định.
Xem thêm |